Skkn Một số kinh nghiệm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non

 


                                            PHẦN A: ĐẶT VẤN ĐỀ 

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

                                   “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”     

        Trẻ em không chỉ là hạnh phúc của gia đình mà còn là tương lai của đất nước. Chính vì lẽ đó việc chăm sóc giáo dụctrẻ không chỉ là trách nhiệm riêng của trường mầm non mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trẻ đến trường được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết và phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn đặt nền tảng cho việc học tập suốt đời của trẻ. Trẻ giai đoạn 24-36 tháng tuổi sức đề kháng rất kém, cơ thể và các bộ phận đang được phát triển mạnh nên việc quan tâm chăm sóc để trẻ có một sức khỏe thật tốt là vô cùng quan trọng .

      Chúng ta đã từng nghe nói đến câu: Khi có sức khỏe, người ta có hàng ngàn điều mơ ước. Nhưng khi không có sức khỏe, người ta chỉ còn một ước muốn duy nhất. Đó chính là : SỨC KHỎE”. Cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe tốt là mong ước chính đáng của tất cả mọi người trên thế giới.Vậy phải làm như thế nào ? và bằng cách nào ? để trẻ có một sức khỏe thật tốt, để việc giáo dục trẻ mang lại hiệu quả cao, từ đó hình thành ở trẻ một cơ thể khỏe mạnh, một con người mới có ích cho xã hội. Trăn trở với mục tiêu chung của ngành giáo dục, là giáo viên mầm non đang trực tiếp giảng dạy lứa tuổi 24-36 tháng, tôi nhận thấy rằng việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ là vấn đề vô cùng quan trọng, là việc làm cần thiết và có vai trò to lớn trong việc chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Vì ở lứa tuổi này các cháu chưa có khả năng tự chăm sóc cho bản thân, chính vì vậy chăm sóc sức khỏe tốt cho trẻ đòi hỏi giáo viên phải áp dụng đúng phương pháp có kinh nghiệm đúc rút từ thực tế. Chính vì vậy tôi tôi đã mạnh dạn đưa ra: “Một số kinh nghiệm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non” để góp một phần nhỏ bé của mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. 

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

1.     Đối tượng nghiên cứu: Trẻ lớp 24-36 tháng tuổi.

2.     Phạm vi nghiên cứu: Đề tài được thực hiện tại lớp 24-36 tháng.

III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

+ Tạo cho trẻ thói quen nề nếp tốt trong sinh hoạt.

+ Tăng khả năng vận động linh hoạt trong các vận động.

+ Giúp trẻ có một sức khỏe thật tốt để tham gia các hoạt động.

+ Giáo viên linh hoạt, sáng tạo hội tụ đầy đủ kĩ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

+ Tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

PHẦN B: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

 

I. CƠ SỞ KHOA HỌC.

1.     Cơ sở lý luận

     Trong xã hội loài người, sống và phát triển được cần dựa vào rất nhiều yếu tố về ngôn ngữ, thẩm mỹ, thể chất…và một trong những yếu tố cần để sống là “sức khỏe”.

    Có một câu nói mà tôi luôn tâm đắc : “Có sức khỏe là có tất cả, không sức khỏe là không có gì ’’. Nếu không làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ ở giai đoạn này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, trí não và khả năng làm việc sau này của trẻ. Như chúng ta đã biết sức khỏe chi phối mọi hoạt động của con nguời. Khi có một sức khỏe tốt ta thấy một con người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, linh hoạt, tháo vát ….Khi sức khỏe không tốt là hình ảnh con người mệt mỏi không có sức sống như cây thiếu nước, như hoa cỏ vắng bóng mùa xuân vv…

      Trẻ em sinh ra có quyền được chăm sóc, được bảo vệ và tồn tại, được sống trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình, xã hội, cộng đồng. Vì vậy chăm sóc sức khỏe trẻ lứa tuổi này là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm  của  mỗi con nguời đối với trẻ nhỏ. Chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay từ khi còn bé là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết. Gia đình và trường mầm non là cái nôi đầu tiên hình thành cho trẻ một con người có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, linh hoạt tạo tiền đề cho một con người mới trong thời đại xã hội chủ nghĩa.   

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/                                               

2.     Cơ sở thực tiễn

Trên thực tế trường tôi nằm vùng nông thôn miền bãi, đời sống còn nghèo  nàn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu, trường diện tích còn chật hẹp, có nhiều điểm lẻ chưa qui về một diện tích nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.Từ thực tế trên tôi đã đầu tư nghiên cứu và đưa ra Một số kinh nghiệm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non”

Trong quá trình thực hiện đề tài tôi gặp khó khăn và thuận lợi sau:

a. Thuận lợi:

     - Ban Giám Hiệu có đủ cơ cấu, có trình độ chuyên môn và quản lý tốt.  Ban giám hiệu luôn quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên.

     - Có phòng học tách riêng từng độ tuổi.

     - Trẻ đi lớp đều đặn, đạt tỷ lệ chuyên cần cao.

     - Có bếp ăn, đủ cô nuôi.

     - Có phòng y tế, nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc trẻ khi có biểu hiện lạ kịp thời.

     - Trường có góc vận động cho trẻ vui chơi và hoạt động.

     - Yêu nghề mến trẻ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác.

     - Được chị em đồng nghiệp giúp đỡ.

     - Phụ huynh rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ.

b. Khó khăn:

    - Trường còn nằm ở vùng nông thôn đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

    - Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị của nhà trường còn hạn chế chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho trẻ .

    - Thời tiết, khí hậu thay đổi đột ngột theo mùa cơ thể trẻ khó thích nghi.

    - Trẻ còn nhỏ chưa có khả năng tự phục vụ

    - Do địa bàn nông thôn đa số làm nông nghiệp nên nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế chưa quan tâm nhiều đến tầm quan trọng về sức khỏe của trẻ.

c. Số liệu điều tra trước khi thực hiện:

1. Đối với giáo viên:

Ngay từ đầu năm tôi đã thực hiện 7 hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ mới

2. Đối với trẻ:

Tôi tiến hành khảo sát trên 18 trẻ và được kết quả khả quan.

d. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng:

+ Trẻ còn nhỏ, chưa làm quen với môi trường lớp học.

+ Cơ sở vật chất, trang  thiết bị còn thiếu thốn, nghèo nàn.

+ Thời tiết thay đổi theo mùa, nhiều dịch bệnh vv….

+ Một số phụ huynh chưa có kĩ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Từ những hạn chế trên, tôi đã nghiên cứu và tìm ra “Một số kinh nghiệm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non” nhằm giúp trẻ có được một sức khỏe thật tốt.

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Để chăm sóc sức khỏe tốt cho trẻ đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt rõ được tình trạng sức khỏe của trẻ khi tới lớp, nắm được tính cách và thói quen của từng trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời giúp trẻ có sức khỏe tốt, hứng thú tham gia các hoạt động.

Qua tìm tòi, nghiên cứu tôi đã tìm ra “Một số kinh nghiệm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non” như sau:

1. Biện pháp  1: Lên kế hoạch thực hiện.

        Muốn thực hiện được bất cứ công việc gì đều phải xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể ngay từ đầu năm học, điều đó giúp tôi hoàn thành công việc một cách thuận lợi. Trẻ 24-36 tháng mới bắt đầu ra lớp còn chưa có nề nếp, chưa quen với môi trường lớp học nên tôi thấy việc lập kế hoạch là rất cần thiết.

        Trước tiên tôi dựa trên kế hoạch công văn chỉ đạo của phòng giáo dục, kế hoạch năm học của nhà trường, căn cứ vào nội dung, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi và khả năng thực tế của trẻ trên lớp để xây dựng phân bố kế hoạch, thời gian hợp lí đảm bảo tính khoa  học, vừa sức phù hợp với lứa tuổi, cá nhân trẻ. Tôi lên kế hoạch hoạt động cụ thể thành từng quí, từng tháng, từng ngày để chủ động trong công việc. Cụ thể với nội dung hoạt động một ngày của trẻ cần phong phú đa dạng, gần gũi đời sống thực tế, đảm bảo trật tự được lặp đi lặp lại tạo nề nếp và hình thành thói quen ở trẻ giúp trẻ có một sức khỏe thật tốt khi tham gia vào các hoạt động của cô, mọi trẻ đều được hoạt động tích cực phù hợp với đặc điển tâm lí của trẻ tránh gò bó cứng nhắc.

    Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tôi còn lên kế hoạch trình ban giám hiệu nhà trường mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng cơ sở vật chất cho lớp giúp tôi thuận lợi trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

- Lên kế hoạch vệ sinh đồ dùng đồ chơi của nhóm lớp tuần ba lần, vệ sinh môi trường ngoài lớp học tuần hai lần.

 - Lên kế hoạch phối hợp với Ban Giám Hiệu, kế toán, nhà bếp lên thực đơn theo mùa ,theo tuần chẵn, tuần lẻ, tính khẩu phần ăn phù hợp với chế độ dinh dưỡng của trẻ .

- Lên kế hoạch, tham mưu phối hợp y tế trường, y tế xã khám sức khỏe định kì cho trẻ hai lần trên một năm

-  Lên kế hoạch cân đo trẻ theo từng quí, vào các tháng: T 9, T11, T2, T4.Trẻ suy dinh dưỡng cân hàng tháng , trẻ thấp còi  ba tháng đo một lần

-  Lên kế hoạch chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng.

-  Lên kế hoạch dạy và rèn một số thói quen, kỹ năng tự chăm sóc bản thân theo từng quí, từng tháng, từng tuần, từng ngày để trẻ có sức khỏe tốt.

- Lên kế hoạch dây truyền cô 1, cô 2

  Khi lập ra các kế hoạch trên tôi thấy mình rất chủ động trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

2        Biện pháp 2: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

     Sức khỏe là tài sản quí giá nhất của mỗi người và nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Dinh dưỡng, vận động, sự chăm sóc của những người xung quanh…. Vì vậy để trẻ có sức khỏe tốt, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động, tôi đặc biệt trú trọng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các con. Để làm được điều này, tôi thực hiện thông qua một số hoạt động sau:

     a.Chăm sóc bữa ăn phòng chống suy dinh dưỡng

         Trẻ 24-36 tháng mới bắt đầu làm quen với môi trường lớp học, trẻ còn chưa quen với chế độ sinh hoạt của lớp, các món ăn và cách chế biến ở lớp còn lạ với khẩu vị ăn của trẻ. Trẻ giai đoạn này đang làm quen chế độ ăn cơm thường, nên trước tiên tôi tìm hiểu xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi của nhóm lớp, xây dựng thực đơn theo ngày, theo tuần chẵn, tuần lẻ và theo mùa. Để kích thích trẻ ăn ngon miệng tôi phối hợp với cô 2, trong khi tôi chia cơm cô 2 trò chuyện với trẻ : Muốn có cơ thể khỏe mạnh chúng mình phải làm gì? Khi ăn chúng mình ăn như thế nào?” Tiếp theo cô giới thiệu tên món ăn, các chất có trong món ăn, để trẻ ăn ngon miệng và ăn hết xuất của mình.

              VD: Món ăn : Cơm tẻ

                      Thức ăn : Thịt bò xào rau củ quả

                      Canh bí đỏ đậu xanh

Cô giáo dục dinh dưỡng: Trong cơm, gạo có chứa rất nhiều tinh bột, vitamin, thức  ăn “thịt bò xào thẩm cẩm”, thịt bò chứa nhiều chất đạm, củ quả chứa vitamin các bé ăn vào khỏe mạnh, da đỏ, má hồng cao lớn thông minh. Canh bí đỏ, đậu xanh cung cấp nhiều vitamin và chất sơ bé ăn vào sáng mắt, thông minh khỏe mạnh. Cô chúc các con ăn ngon miệng và ăn hết xuất của mình. Khi trẻ ăn cô đi xung quanh bao quát nhắc nhở trẻ cố gắng ăn hết xuất.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

     Bữa ăn có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của trẻ, trẻ có ăn khỏe, ăn ngon miệng, ăn hết xuất thì mới có đủ chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ giúp trẻ cao lớn thông minh nhanh nhẹn, có sức đề kháng tốt phòng chống mọi bệnh tật. Vì vậy tôi đặc biệt quan tâm bữa ăn của trẻ khi ở trường, tới trường trẻ được ăn 2 bữa chính 1 bữa phụ, nên tôi thường tìm hiểu thói quen sở thích của từng trẻ để có biện pháp chăm sóc động viên trẻ ăn phù hợp thỏa mái, tránh ép buộc trẻ.

        Với trẻ suy dinh dưỡng, bữa nào tôi cũng đặc biệt quan tâm để trẻ ăn hết xuất của mình, và ăn thêm nếu có thể, và tôi thường xuyên trao đổi với nhân viên y tế, kế toán, bộ phận bếp nuôi tính toán khẩu phần ăn phù hợp trẻ suy dinh dưỡng. Để trẻ có đủ các thành phần dưỡng chất nuôi cơ trẻ phát triển. Bên cạnh đó tôi cũng trao đổi với phụ huynh về trẻ suy dinh dưỡng để gia đình quan tâm đến chế độ khẩu phần ăn ở nhà của trẻ giúp trẻ phát triển tốt hơn.

        Khi trẻ có bất cứ hành động xấu nào trong bữa ăn, tôi thường tìm hiểu nguyên nhân để có  biện pháp chăm sóc động viên phù hợp.

  VD: Trẻ không thích ăn cà chua trong món ăn thịt đậu sốt cà chua, trẻ xúc bỏ ra đĩa. Trong trường hợp này tôi sẽ tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu mà trẻ lại không ăn: Nếu là do cách chế biến của nhà bếp tôi sẽ có kế hoạch trao đổi với nhà bếp để nhà bếp rút kinh nghiệm, về phía trẻ tôi động viên khuyến khích trẻ ăn, nhưng không ép buộc trẻ. Nếu trẻ nói là con không thích ăn, tôi sẽ đến bàn ăn và hỏi trẻ: Hôm nay các con ăn món gì? ăn có ngon miệng không? Bạn nào bỏ cà chua ra đĩa ? Vì sao con lại không ăn cà chua?.Cô đặt câu hỏi : Chúng mình đã nhìn thấy quả cà chua bao giờ chưa? quả cà chin có màu gì ?( nếu trẻ không trả lời được cô giới thiệu cho trẻ nghe) À quả cà chua có màu đỏ rất đẹp, ăn cà chua giúp chúng mình có môi đỏ má  hồng nên cô cũng rất thích ăn cà chua đấy, con thử ăn xem. Sau đó tôi sẽ động viên để trẻ hứng thú ăn, luôn tạo cho trẻ tâm lí thỏa mái trong giờ ăn.Qua những lần trò chuyện với trẻ như vậy tôi thấy trẻ dần dần đã rất thích ăn cà chua.

 b. Tổ chức giờ ngủ hợp lí, khoa học

     Giấc ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Trẻ ăn tốt, ngủ tốt bao giờ cũng khỏe mạnh, phát triển tốt. Trẻ trằn trọc, khó ngủ, ngủ ít, ngủ không đủ giấc lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi uể oải, thiếu sức đề kháng. Để trẻ có được giấc ngủ tốt, trên lớp tôi chuẩn bị nơi ngủ có không khí trong sạch, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, ánh sáng dịu. Trẻ ngủ có đủ giường, đệm, mỗi trẻ một chăn, một gối thường xuyên được phơi, giặt, đảm bảo luôn sạch sẽ khô ráo. Để trẻ ngủ được ngon giấc trước khi trẻ ngủ tôi cho tất cả trẻ đi vệ sinh, uống nước, xúc miệng, tránh tình trạng trẻ ngủ còn cơm ngậm trong miệng. Mùa đông trẻ mặc nhiều áo cởi bớt áo khoác, áo to, dày, cứng, khăn quàng cổ vv… làm trẻ khó ngủ.

          Trẻ vừa ăn no tôi chưa cho lên giường ngủ ngay, mà tôi xúm xít trẻ ngồi xung quanh cô để chơi trò chơi, trò chuyện cách bảo vệ sức khỏe. Để trẻ nghỉ ngơi nhẹ nhàng trước khi lên giường đi ngủ.

      Khi trẻ ngủ tôi thường giữ không gian yên tĩnh để trẻ ngủ được ngon giấc. Khoảng cách nằm ngủ giữa mỗi trẻ từ 25-30cm để trẻ ngủ thoải mái không trật trội, gò bó, bao quát chỉnh tư thế ngủ của trẻ ngay ngắn, hợp lí. Thường xuyên kiểm tra đầu, lưng trẻ xem có mồ hôi không để lau cho trẻ, tránh để tình trạng trẻ bị mồ hôi ngấm vào người nhiễm lạnh gây suy nhược cơ thể, trẻ dễ bị ốm.

    Để đảm bảo giấc ngủ cho trẻ, trẻ nào tỉnh giấc trước tôi cho dậy trước, tránh tình trạng đánh thức đồng loạt ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ khác và sinh hoạt của lớp. Trẻ thức dậy ngồi chơi cho tỉnh ngủ sau đó đi vệ sinh.Tôi thấy trẻ có một giấc ngủ ngon khi dậy tinh thần rất sảng khoái, thực hiện các hoạt động tiếp theo trong ngày rất nhanh nhẹn, sôi nổi, đạt hiệu quả cao.

     c. Chăm sóc sức khoẻ, giáo dục dinh dưỡng thông qua các tiết học

      Sức khỏe vô cùng quan trọng với trẻ, là yếu tố quyết định mọi hoạt động của trẻ vì vậy tôi thường quan tâm rèn luyện chăm sóc, giáo dục trẻ bảo vệ sức khỏe mọi lúc mọi nơi, thông qua các tiết học. Trong đó hoạt động phát triển thể chất được tôi trú trọng, quan tâm đặc biệt, vì nó có vai trò to lớn trong việc nâng cao thể lực, rèn luyện sức khỏe cho trẻ, giúp cơ thể phát triển cân đối hài hòa, tinh thần sảng khoái, vui vẻ, hoạt bát nhanh nhẹn tự tin trong các hoạt động.

     Với hoạt động phát triển thể chất, tôi thường lên kế hoạch phân phối chương trình theo độ tuổi để trẻ được tập các vận động theo trình tự từ dễ đến khó.  Đồng thời tôi cũng rất quan tâm đế việc gây hứng thú cho trẻ khi bắt đầu bài dạy giúp trẻ có tinh thần khí thế tham gia tập luyện tốt và tích cực hơn khi hoạt động.Tôi dẫn dắt trẻ đến với hội thi “Bé khỏe bé ngoan”, trẻ được tặng bông để tập bài phát triển chung, vận động cơ bản, được bê hộp quà đi tặng chương trình và còn được nắm tay bạn chơi trò chơi lộn cầu vồng trẻ rất thích. Khi trẻ được tập luyện các vận động tôi thấy trẻ rất nhanh nhẹn, tự tin.

     Tôi lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ vào mọi lĩnh vực và từng bài dạy cụ thể. Mỗi bài dạy, tôi khai thác một cách khác nhau. VD trong lĩnh vực phát triển thẩm mĩ với môn âm nhạc, khi dạy trẻ hát bài “ Mời bạn ăn”, tôi cũng trò chuyện giúp trẻ hiểu sâu hơn về nội dung bài hát:

+ Các con vừa hát bài gì?

+ Ăn đủ chất chúng mình sẽ làm sao?

+ Uống nước giúp da của chúng mình như thế nào?

+ Ăn thịt, rau, trứng , đậu, cá, tôm để làm gì?”.

+ Hàng ngày các con ăn những gì, chúng mình đã ăn đủ chất chưa?

Đồng thời thông qua đó giáo dục trẻ muốn có sức khỏe tốt chúng mình phải ăn uống đủ chất, ăn phối hợp đồng đều các loại thức ăn ở trên lớp cũng như ở nhà, có như vậy thì chúng mình mới cao lớn, thông minh, khỏe mạnh được.

       Qua môn nhận biết tập nói, tôi cũng lồng ghép giáo dục dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Vì trẻ nhỏ bắt chước và tiếp thu rất nhanh hành động của người lớn, nên tôi rất quan tâm đến việc dạy trẻ nói và giúp trẻ làm một số thao tác đơn giản để bảo vệ sức khỏe .VD: Trong hoạt động nhận biết tập nói nhánh “cơ thể bé” ở nhánh “bé và các bạn”, Ngoài việc dạy trẻ nói tên các bộ phận trên cơ thể, tôi cho trẻ biết tất cả các bộ phận trên cơ thể đều quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, tôi còn giáo dục trẻ một số kĩ năng chăm sóc vệ sinh các bộ phận đó để trẻ có thói quen giữ gìn bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Đặc biệt, tôi giáo dục trẻ phải biết chăm sóc, bảo vệ các bộ phận trên cơ thể, phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, giáo dục trẻ khi đi ra đường phải đeo kính, bịt khẩu trang, đội mũ, mặc quần áo dài tay… để giữ gìn sức khỏe, phòng tránh một số bệnh thông thường. Ngoài ra, tôi cho trẻ tập làm một số thao tác đánh răng, rửa mặt … để trẻ khắc sâu hơn bài học.

   Với hoạt động chăm sóc sức khỏe thông qua các tiết dạy, tôi thấy trẻ có nhận thức rất rõ ràng về sự cần thiết của việc ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục, chăm sóc vệ sinh cá nhân… để có sức khỏe tốt. Ngoài ra trẻ thích làm một số hành động vệ sinh cá nhân đơn giản. Kết quả này làm tôi rất hài lòng, tôi thấy đây là một biện pháp rất hữu hiệu trong việc giáo dục chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

     d. Rèn một số thói quen, kĩ năng chăm sóc sức khỏe qua hoạt động một ngày của trẻ.

       Trẻ lứa tuổi này chưa có khả năng tự phục vụ, nên tôi đặc biệt quan tâm đến việc hình thành thói quen, kĩ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Khác với lứa tuổi mẫu giáo, đối với trẻ 24-36 tháng các con còn rất nhỏ, nên những thói quen, hành vi tôi muốn hình thành cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp lứa tuổi của trẻ. Ở mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào có thể tôi cũng lồng ghép giáo dục trẻ một số kĩ năng tự phục vụ đơn giản. Với bất cứ hoạt động nào tôi cũng vừa nói vừa làm gây sự chú ý đến trẻ và dần hình thành thói quen ở trẻ.

    * Hàng ngày , trong giờ đón trẻ tôi thường hướng dẫn trẻ cất ba lô, đồ dùng cá nhân để trẻ có thể nhớ ngăn tủ và đồ dùng của mình. Tôi còn rèn trẻ kĩ năng đi dép, cất dép ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh. Để trẻ có thể tự đi dày dép mà không mất vệ sinh tôi vận động phụ huynh gia đình có xưởng mộc ủng hộ ghế băng để trẻ ngồi đi dép, tháo dép đúng kĩ năng, không mất vệ sinh. Khi hướng dẫn kĩ năng đi dép, cất dép cho trẻ tôi cũng trao đổi với phụ huynh phối hợp cùng cô giáo rèn kĩ năng cho trẻ ở nhà và ở mọi lúc mọi nơi, để trẻ biết cách tự đi dép, cất dép ngăn nắp, gọn gàng, đúng vị trí.

       Qua biện pháp này, tôi thấy trẻ đã có thể cất dép gọn gàng và tự lấy dép đi mỗi khi đi vệ sinh hay hoạt động ngoài trời… Trẻ có ý thức cao và rất hứng thú khi tự mình được lấy và đặt dép vào đúng vị trí.

   *  Thể dục sáng là một trong những nội dung vô cùng quan trọng để phát triển thể chất, tăng cường sức khỏe cho trẻ ở trường mầm non. Để giờ thể dục sáng phát huy hiệu quả cao, tôi cho trẻ tập thường xuyên liên tục, đúng giờ, các bài tập được thay đổi theo từng chủ đề. Tôi quan tâm chú ý để cháu nào cũng được thường xuyên tập luyện giống cô giúp tăng cường sức khỏe, tạo năng lượng cho ngày mới sảng khoái.

       Trong giờ học, tôi chỉnh tư thế ngồi thoải mái cho trẻ, trẻ không được quay người sang hai bên, ngồi nghiêng người, gác chân lên ghế bạn…. vì điều đó ảnh hưởng xấu tới xương khớp và mắt. Muốn tiếp thu bài học tốt thì trẻ phải ngồi thẳng lưng, hai tay thả lỏng để lên gối tự nhiên thoải mái.  Ngoài ra, để trẻ có sức khỏe tốt, không bị gò bó, căng thẳng khi học bài, trong một tiết học tôi thường thay đổi các tư thế ngồi, vị trí ngồi để trẻ luôn cảm thấy thoải mái và hứng thú trong tiết học.

     *Trong giờ hoạt động ngoài trời gồm có 3 phần : Quan sát có chủ đích, trò chơi vận động và chơi tự chọn. Khi cho trẻ quan sát các loại cây, sự vật, hiện tượng tự nhiên…tôi luôn lồng ghép giáo dục trẻ cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vì trong bất cứ hoàn cảnh nào sức khỏe là cần thiết và quan trọng nhất đối với trẻ. Trong trò chơi vận động tôi thường tổ chức các trò chơi có luật, trò chơi dân gian như: “Mèo và chim sẻ, dung dăng dung dẻ, lộn cầu vồng ….”. Qua trò chơi tôi thấy trẻ rất nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh dạn khi hoạt động.

Trong hoạt động chơi tự chọn tôi cho trẻ chơi ở nhóm mà trẻ yêu thích . Có rất nhiều trẻ đã lựa chọn chơi ở các nhóm : bước vào vòng, lăn bóng, xích đu cầu trượt…mỗi nhóm có ít trẻ chơi, nên trẻ được rèn luyện sức khỏe rất nhiều trong quá trình chơi.

     *  Trong giờ hoạt động góc trẻ cũng được rèn luyện thói quen để chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Ở góc thao tác vai, bế em, cho em ăn tôi rèn trẻ kĩ năng bế búp bê và bón cho búp bê ăn, trẻ được đóng vai chị chăm sóc em nên rất hứng thú, điều đó đã hình thành ở trẻ thói quen và khả năng tự chăm sóc bản thân. Tôi đặc biệt quan tâm đến góc vận động, cho trẻ được chơi thường xuyên và chơi nhiều trò chơi vận động khác nhau như chơi thú nhún, bò chui qua cổng…để giúp trẻ rèn luyện cơ thể, tăng cường sức khỏe cho bản thân.

   *Trong giờ ăn tôi rèn trẻ một số thói quen, kĩ năng :

+ Ngồi ngay ngắn vào bàn ăn.

+ Tự xúc cơm gọn gàng.

+ Không nói chuyện trong giờ ăn.

+ Ăn hết cơm trong bát, không bỏ dở.

+ Tự cất bát khi ăn song.

+ Đi lấy cốc uống nước.

     *Giờ ngủ của trẻ cũng được tôi quan tâm tường xuyên để rèn một số thói quen giúp trẻ biết tự chăm sóc bản thân để có sức khỏe tốt:

Một số thói quen chăm sóc bản thân trong qua giờ ngủ:

+Nằm đúng chỗ, đúng gối của mình.

+Nằm ngay ngắn, ruỗi thẳng chân, tay để tự nhiên.

+Không nằm nghiêng, nằm úp…

+Nằm ngủ không nói chuyện, không làm phiền các bạn.   

   *Sau khi ngủ trưa dậy, tôi cho trẻ tập một số động tác đơn giản, nhẹ nhàng theo một trò chơi nào đó như : “chi chi chành chành, nu na nu nống, hú òa….” để phát triển vận động tinh cho trẻ, giúp trẻ tỉnh táo khi ngủ dậy.

     *Hoạt động chiều là thời gian tôi rèn các kĩ năng, củng cố bài học buổi sáng cho trẻ, giúp trẻ có thêm kiến thức để có một số thói quen tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, giúp các con hứng thú trong tiết học.

      *Giờ trả trẻ, tôi khích lệ trẻ khoanh tay chào ông, bà, bố, mẹ…khi tới đón, rồi khoanh tay chào cô giáo, tôi khuyến khích để trẻ tự lấy ba lô, đồ dùng cá nhân của mình, tự lấy dép đi,…hình thành ở trẻ một số thói quen tự phục vụ đơn giản có lợi cho sức khỏe.

   Qua việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện hình thành thói quen chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mọi lúc mọi nơi. Tôi thấy sức khỏe của trẻ được nâng lên rõ rệt, trẻ rất tự tin, nhanh nhẹn, hoạt bát trong các hoạt động, trẻ có thể tự làm một số việc đơn giản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và có thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày.

3. Biện pháp 3: Xây dựng môi trường học tập phù hợp với sự kiện.  

        Môi trường học tập có vai trò vô cùng quan trọng trong trường mầm non. Nó thúc đẩy sự tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá thế giới xung quanh làm tăng khả năng nhận thức về chăm sóc sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy tôi rất trú trọng xây dựng môi trường học tập cho trẻ hoạt động. Môi trường học tập bao gồm môi trường trong lớp học và môi trường ngoài lớp học.

     + Môi trường trong lớp học:

    Để kích thích trẻ hoạt động, trong lớp học

tôi tạo góc mở cho trẻ ,trên những mảng tường tôi xây dựng các bài tập cho trẻ hoạt động tạo cơ hội cho trẻ được thực hành, trải nghiệm để rèn luyện sức khỏe. Tôi cũng thường xuyên thay đổi môi trường góc vận động sao cho phù hợp với sự kiện, phù hợp từng vận động để trẻ được trải nghiệm nhiều hơn giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tốt hơn.

     Để làm được điều này, tôi đã xây dựng góc vận động cho trẻ hoạt động hàng ngày. Việc xây dựng góc vận động cho trẻ phải đảm bảo tính khoa học, thẩm mĩ và an toàn cho trẻ để thu hút trẻ đến với góc chơi. Qua đó trẻ được hoạt động thường xuyên hàng ngày, được chọn lựa vận động mà mình yêu thích để tập luyện, mỗi lần thực hiện sẽ giúp trẻ củng cố kỹ năng vận động đối với vận động đã biết hoặc khám phá ra cách thực hiện đối với vận động mới. Để xây dựng góc vận động đạt hiệu quả tôi đặc biệt quan tâm lựa chọn vị trí phù hợp đảm bảo đủ rộng cho trẻ hoạt động. Ở đây tôi sắp xếp các đồ dùng, dụng cụ thể dục sao cho gọn gàng, bắt mắt dễ lấy, dễ cất, có khoa học và phù hợp với chủ đề.

    Tôi thường xuyên cho trẻ hoạt động ở  góc vận động vào giờ hoạt động góc, trẻ được thỏa sức chơi các vận động mà trẻ thích giúp rèn luyện sức khỏe, sảng khoái tinh thần.

        Ở góc thao tác vai, tôi cũng trang trí các hình ảnh ngộ nghĩnh: bế em, cho em ăn, ru em ngủ, các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để giáo dục trẻ cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

        Để chăm sóc sức khỏe thật tốt cho trẻ, tôi luôn chú ý mọi hoàn cảnh để giáo dục trẻ cách bảo vệ sức khỏe.    

     + Môi trường ngoài lớp học

       Hiểu được tâm sinh lý của trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ 24-36 tháng rất hiếu động, tò mò, thích khám phá những điều mới lạ nhằm thỏa mãn nhu cầu hoạt động của mình. Vì vậy tôi rất quan tâm trú trọng đến môi trường ngoài lớp học đặc biệt là góc tuyên truyền.

        Bên ngoài lớp, tôi đã xây dựng góc tuyên truyền sinh động, hấp dẫn trẻ. Ở góc tuyên truyền của lớp, ngoài các nội dung giáo dục theo tuần, tôi rất quan tâm đến kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Bảng tuyên truyền là nơi tôi cập nhật thường xuyên các thông tin về dinh dưỡng, sức khỏe và phòng chống dịch bệnh dịch.Tôi xây dựng bảng tuyên truyền thể hiện thực đơn của trẻ hàng ngày ở lớp. Thực đơn được thay đổi hàng ngày hàng tuần một cách công khai để tất cả mọi người có thể nắm bắt nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khi ở lớp và có kế hoạch cho ăn cân đối ở nhà để trẻ được phát triển cân đối hài hòa.Tôi còn cập nhật cân nặng, chiều cao của trẻ theo từng quý để phụ huynh có thể kịp thời nắm bắt tình trạng sức khỏe của con mình so với các bạn cùng độ tuổi. Những trẻ suy dinh dưỡng được tôi đánh dấu bằng mực đỏ để tôi tiện chăm sóc. Ngoài ra tôi còn cập nhật thường xuyên các thông tin về dịch bệnh đang lan truyền về  căn bệnh do chủng mới virut Covit -19 để tuyên truyền sâu rộng tới mọi người, tôi kết hợp với y tế viết bài thông báo về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng chống dịch bệnh để mọi người có thêm hiểu biết về cách phòng tránh bệnh, không để dịch bệnh lây lan ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người và cộng đồng.

Việc xây dựng cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp học đã giúp tôi tăng cường khả năng vận động và giáo dục dinh dưỡng – vệ sinh cho trẻ. Sức khỏe của trẻ từ đó được nâng cao, trẻ có hành vi văn minh trong ăn uống, sinh hoạt, dịch bệnh được phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời. Trẻ ăn uống ngon miệng, đa số trẻ tăng cân, trẻ thích đi lớp và đi lớp đều, đạt tỉ lệ chuyên cần cao.Tôi thấy hài lòng khi trẻ ngày càng có sức khỏe tốt và hình thành nên những thói quen tốt trong cuộc sống.

 4.Biện pháp 4:Phối hợp với y tế

      Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng, việc phối hợp với y tế chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nó giúp tôi thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu trong việc chăm sóc sức khỏe cho các con.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ là việc làm thường xuyên, hàng ngày của giáo viên, đặc biệt là giáo viên khối nhà trẻ. Do cơ thể các con còn non nớt, sức đề kháng yếu nên rất dễ dàng mắc các bênh ho, viêm họng, sốt… hoặc lây bệnh từ những người xung quanh, trẻ nhỏ không biết nói ra biểu hiện bệnh. Hiểu được điều đó, hàng ngày ngay từ khi đón trẻ tôi rất quan tâm kiểm tra sức khỏe của các con trước khi vào lớp, nếu trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi… tôi trao đổi để phụ huynh chăm sóc các cháu tại gia đình. Với những cháu được nhận vào lớp, tôi phối hợp với giáo viên cùng lớp bao quát các con thật kỹ càng trong tất cả các hoạt động. Nếu thấy trẻ quấy khóc, biếng ăn, không muốn chơi… tôi báo ngay viên y tế đến tại lớp khám, kiểm tra sức khỏe cho các con, đồng thời cho các con lên phòng y tế để nghỉ ngơi và tiện chăm sóc, ngoài ra có thể báo với gia đình nếu cần thiết.

    Đặc biệt, tôi thường xuyên trao đổi với nhân viên y tế viết bài tuyên truyền về các bệnh dịch thường gặp và cách phòng tránh bệnh dịch treo ở góc tuyên truyền để phụ huynh tham khảo và có cách đề phòng tốt hơn. Ngoài ra, khi chẳng may có bệnh dịch, tôi thông báo để nhân viên y tế phun thuốc phòng dịch. Những đợt không khí ẩm thấp, dễ xuất hiện muỗi, tôi cũng đề nghị với y tế và nhà trường phun thuốc muỗi để phòng bệnh cho trẻ.

  Qua những việc làm như vậy, tôi thấy trẻ lớp tôi rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn tham gia hoạt động. Các con được chăm sóc bảo vệ tốt nên rất an toàn, ít bị mắc các dịch bệnh khi thời tiết thay đổi.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

  5. Giải pháp 5: Phối hợp với các bậc phụ  huynh:

Chăm sóc - giáo dục trẻ không thể tách rời khỏi gia đình. Cùng với mục tiêu “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” thì phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo chăm sóc sức khỏe cho trẻ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Với phụ huynh tôi phối hợp dưới các hình thức sau:

a. Thông qua các buổi họp phụ huynh:

 Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, ngoài các nội dung về cơ sở vật chất, chương trình học tập chung,…tôi mạnh dạn trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng, phổ biến tới các bậc phụ huynh cách nuôi dạy con theo khoa học. Vì đây là lứa tuổi trẻ có sự phát triển rất nhanh về thể chất cũng như cân nặng, chiều cao nên việc chăm sóc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ vô cùng cần thiết. Trẻ nhanh nhẹn tiếp thu bài tốt hay thụ động, nhút nhát phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc của cô giáo và phụ huynh. Chính vì vậy phụ huynh cần phối hợp với nhà trường chăm sóc các con thật tốt dù ở nhà hay ở trường để trẻ có sức đề kháng với bệnh tật, luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Qua buổi họp này phụ huynh rất đồng tình với kế hoạch đầu năm của tôi.

Qua buổi họp này, phụ huynh lớp tôi ngày càng có ý thức cao hơn trong việc kết hợp chăm sóc chế độ dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe cho trẻ tại gia đình. Tôi thấy đây là một biện pháp rất hay cần nhân rộng trong toàn trường.

b .Thông qua tuyên truyền.

Muốn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là trẻ 24-36 tháng thì việc tuyên truyền tới các bậc phụ huynh là không thể thiếu và hình thức tuyên truyền cũng vô cùng quan trọng. Làm thế nào để phụ huynh hiểu rõ, hiểu đúng và trúng vấn đề để cùng phối hợp thực hiện một cách hiệu quả nhất. Đây là một vấn đề không đơn giản đòi hỏi giáo viên phải khéo léo, biết cách nắm bắt tâm lý và nhu cầu của phụ huynh. Hiểu được điều này, tôi đã lựa chọn các hình thức tuyên truyền sau:

Qua thông tin đại chúng:

        Thông tin đại chúng là phương tiện tuyên truyền có phạm vi lớn và tầm ảnh hưởng rất sâu rộng. Chính vì vậy tôi đã lựa chọn phương pháp này để tuyên truyền về cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ tới toàn thể các bậc phụ huynh. Tôi trao đổi với phụ huynh thường xuyên cập nhật những thông tin về tình hình dịch bệnh trên tivi,báo đài để biết được nguyên nhân cũng như cách phòng tránh.

  Các con sẽ được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất nhờ sự phối hợp này.

Thông qua bảng tuyên truyền

Bảng tuyên truyền là nơi tôi thể hiện toàn bộ các kế hoạch học tập, thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, cách phòng chống bệnh dịch…tới các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi luôn dành một vị trí quan trọng cho việc tuyên truyền cách nuôi dạy con theo khoa học giúp phụ huynh có ý thức hơn nữa trong việc chăm sóc, dạy dỗ các con, ngoài ra tôi còn sưu tầm một số bài thơ, câu chuyện có nội dung về dinh dưỡng, sức khỏe hay các hành vi văn minh trong ăn uống… để phụ huynh có thể dạy trẻ ở nhà giúp trẻ hiểu rõ hơn về các loại thực phẩm mà trẻ ăn hàng ngày, từ đó kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn, cơ thể sẽ phát triển tốt hơn.

III.PKẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

1.     Kết quả đạt được

Từ khi áp dụng những giải pháp trên tôi thấy sức khỏe của trẻ được phát triển rõ rệt, trẻ có sức đề kháng tốt, cơ thể phát triển khỏe mạnh hơn, trẻ đi lớp đều đạt tỷ lệ chuyên cần cao. Điều quan trọng nhất là trong năm học này lớp tôi không còn trẻ suy dinh dưỡng. Đó là điều làm tôi rất phấn khởi, giúp tôi càng yêu nghề và có nghị lực hơn trong công tác.

  Cụ thể:

*Đối với cô:

+ Có kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc vệ sinh bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

+ Linh hoạt hơn trong việc lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động phát triển thể chất, giáo dục các kĩ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

+ Có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng môi trường học tập đảm bảo an toàn cho trẻ.

+ Được phụ huynh rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ.

Giữa năm tôi đã thực hiện 7 hoạt động nhờ BGH dự giờ và được đánh giá cao.  Đầu năm số lượng tiết khá và ĐYC chiếm tỷ lệ cao, có 2 tiết tốt. giữa năm số lượng tiết tốt đã tăng lên 4/7 tiết chiếm tỷ lệ 85,7% tăng 71,4% so với đầu năm. Số lượng tiết ĐYC không còn nữa, tiết khá chỉ còn lại 1/7 tiết chiếm tỷ lệ 14,3%. Đây là một sự tiến bộ rất lớn sau khi tôi đã áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

 

 

* Đối với trẻ:  Kết quả đánh giá trên 18 trẻ.

    + Trẻ có sức khỏe tốt say mê, hứng thú, mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động

    + Trẻ thích được đi lớp,đi lớp đều đạt tỷ lệ chuyên cần cao

    + Trẻ tự giác, tích cực hơn trong giờ học, nhanh nhẹn hơn trong các hoạt động.

    + Biết làm một số công việc tự phục vụ đơn giản: Cất ba lô, lấy dép, lấy cốc….

    + Trẻ có thói quen nề nếp tốt trong hoạt động hàng ngày ở lớp.

    + Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, trẻ có thể lực khỏe mạnh hơn. 

    + Trẻ có sức đề kháng tốt hơn, ít ốm vặt, đi học đều và tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

    + Đa số trẻ đã mạnh dạn nhanh nhẹn có thói quen vệ sinh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe tốt.

    Việc chăm sóc sức khỏe của trẻ giữa năm so với đầu năm tăng lên rõ rệt. 100% trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh. Số trẻ nhanh nhẹn, mạnh dạn có một số thói quen vệ sinh tốt chiếm tỷ lệ cao. Nhiều trẻ đã làm một số công việc tự phục vụ đơn giản, có ý thức vệ sinh chăm sóc sức khỏe.

* Về phía phụ huynh:

     + Phụ huynh có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

     + Nhiệt tình trong công tác kết hợp với nhà trường để cùng giáo dục  chăm sóc sức khỏe cho trẻ cho trẻ.

     + Thường xuyên quan tâm tình hình sức khỏe của trẻ trước khi đến lớp và khi đón về.

    + Đưa con đi lớp đầy đủ hơn, đúng giờ hơn, đạt tỷ lệ chuyên cần cao hơn.

   *Về phía nhà trường.

    + Nâng cao chất chăm sóc sức khỏe cho nhà trường

    + Phụ huynh rất tin tưởng vào chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ của nhà trường

    +Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp.

2.     Bài học kinh nghiệm

      Sau một năm thực hiện với lòng say mê, kiên trì kết hợp với việc sử dụng các biện pháp trên một cách linh hoạt. Tôi nhận thấy và rút ra bài học kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe cho trẻ như sau:

      + Để chăm sóc sức khỏe cho trẻ, trước hết phải lập kế hoạch tổ chức các hoạt động rõ ràng ngay từ đầu năm học.

      + Xây dựng môi trường trong lớp, môi trường ngoài lớp, bảng tuyên truyền cập nhật thường xuyên, phong phú..

     + Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phối kết hợp với phụ huynh+ Thực hiện tốt các tiết dạy và các chuyên đề chăm sóc sức khỏe.

      + Tổ chức thể dục sáng cho trẻ thường xuyên, liên tục, đều đặn và đúng giờ kết hợp nhạc hay và dụng cụ tập luyện đẹp.

      + Giáo dục cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe  ở nhiều thời điểm trong ngày để tạo thói quen cho trẻ.

      + Rèn trẻ một số kĩ năng tự phục vụ đơn giản, trẻ biết cách chăm sóc giữ gìn sức khỏe cho bản thân.

 

                            PHẦN C: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1.     KẾT LUẬN

    Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng là sự tổng hợp toàn bộ các nội dung giáo dục dinh dưỡng, rèn luyện thể chất, chăm sóc vệ sinh… cho trẻ giúp trẻ có một sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tự tin khi thực hiện hoạt động. Qua một năm thực hiện đề tài, trẻ lớp tôi đã có sức khẻ tốt và rất nhanh nhẹn, linh hoạt khi tham gia các hoạt động trong ngày. Đây cũng là cơ sở vững chắc, là tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

Sáng kiến kinh nghiệm này có thể áp dụng với các trường mầm non ở nông thôn, các trường có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn giống như trường tôi .

2.     KHUYẾN NGHỊ

    Qua việc thực hiện đề tài nghiên cứuMột số kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non”. Tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

a, Đối với nhà trường: 

       - Nhà trường bổ xung mua sắm thêm trang thiết bị  ( Bình nóng lạnh, cây nước nóng cho trẻ, nhà vệ sinh riêng cho từng lớp, phòng vệ sinh riêng cho bạn trai, bạn gái…. ) để giáo viên có thể chăm sóc sức khỏe cho trẻ một cách tốt nhất.

      - Nhà trường tạo điều kiện xây cho mỗi khu một góc vận động để trẻ được mở rộng không gian chơi, hỗ trợ việc phát triển vận động cho trẻ tốt hơn.

      - Tổ chức các chuyên đề chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh….để giáo viên có thêm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

      - Thường xuyên phối hợp phòng y tế khám sức khỏe định kì cho trẻ. 

 b,  Đối với cấp trên: 

        Đề nghị cấp trên quan tâm đến cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, các phòng chức năng… để khuân viên trường đảm bảo đủ điều kiện về diện tích cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi vì hiện nay trường tôi có cơ sở vật chất rất khó khăn.

Trên đây là bản sáng kiến kinh nghiệm của tôi. Qua thời gian tìm tòi và nghiên cứu không sao tránh khỏi những thiếu xót, rất mong được bạn bè, đồng nghiệp, BGH nhà trường và cấp trên đóng góp ý kiến để bản sáng kiến kinh nghiệm được hoàn thiện hơn.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post