Skkn Phát huy năng lực “Kết nối thông tin” cho học sinh lớp 12 – THPT qua đọc hiểu văn bản truyện và kí

A. ĐIỀU KIỆN, HOÀN CẢNH TẠO RA SÁNG KIẾN:

    Đọc hiểu văn bản là một trong những phương pháp dạy học theo hướng tích cực hiện nay. Nó phù hợp với mục đích, yêu cầu của giáo dục là dạy học theo định hướng phát triển các năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nó cũng xuất phát từ những yêu cầu thực tế của việc giảng dạy theo hướng tích hợp nhằm giúp học sinh biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; đáp ứng những yêu cầu của công tác đổi mới kiểm tra đánh giá việc giảng dạy môn Ngữ Văn trong nhà trường.

    Quá trình đọc hiểu văn bản văn học không chỉ nhằm giúp học sinh hiểu được những giá trị nội dung, nghệ thuật như cách phân tích, cảm nhận, bình giảng … thường thấy mà còn giúp học sinh biết cách đọc và nắm được cách tạo lập văn bản của tác giả để từ đó áp dụng cho việc đọc hiểu các văn bản khác. Hơn nữa, quá trình tiếp nhận văn học không chỉ dừng lại ở việc lĩnh hội các giá trị theo những chuẩn đã được định sẵn mà còn ở khả năng khám phá, khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Vì vậy, đọc văn vừa là tìm hiểu những giá trị tư tưởng, nghệ thuật qua việc thưởng thức cái hay, cái đẹp của câu chữ, kết cấu, thể loại, hình tượng …  vừa là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình và đối thoại với tác giả, để suy tư về cuộc đời mà từ đó tác động tích cực vào đời sống. Mục đích này rất cần năng lực kết nối thông tin giữa văn học với đời sống xã hội.

B. MÔ TẢ GIẢI PHÁP:

 I. Mô tả giải pháp trước khi tạo ra sáng kiến:

 1. Hiện trạng trước khi áp dụng giải pháp mới:

     Dẫu biết Văn học gắn liền với cuộc sống và luôn lấy thực tế đời sống làm đối tượng phản ánh, tuy nhiên trong quá trình giảng dạy thì có không ít giáo viên chưa chú trọng nhiều đến các vấn đề ngoài văn bản (như bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa; các yếu tố về địa lí tự nhiên; những thông điệp cuộc sống mà tác giả kín đáo gửi gắm…). Trước đây, giáo viên thường chỉ khai thác những yếu tố văn chương nghệ thuật mang tính đặc thù của bộ môn mà ít đề cập hoặc có cũng chỉ thể hiện trong phần hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Thực tế này cho thấy phần tạo tâm lí tiếp nhận đơn vị kiến thức mới đã không được chú ý, trong khi đó cần thấy được một nguyên tắc trước khi khai thác văn bản là cho học sinh được sống trong không khí của thời điểm tác phẩm ra đời. Vì vậy, nếu cứ đi theo cách tiếp cận quen thuộc thì quan niệm văn - sử - triết bất phân đã phần nào bị xem nhẹ.

     Thực trạng việc dạy – học và kiểm tra đánh giá trước đây (trước năm học 2012 - 2013) có thể được mô tả như sau:

    - Về phía giáo viên: Khi dạy văn bản văn học, giáo viên ít quan tâm đến khâu đọc một đoạn văn bản, nếu có thì thường chiếu lệ, đọc cho có, đọc cho xong, đọc cho nhanh để còn dành thời gian cho phần khác. Khi khai thác văn bản thường chỉ xoáy vào các yếu tố nghệ thuật với những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu… nhằm đem đến một không khí văn chương cho tiết học. Trong mỗi lời giảng của thầy cô giáo, học sinh dễ bị ngợp trước những ngôn từ có cánh, giọng điệu trầm bổng nhấn nhá, nét mặt và ánh mắt say sưa đến lạ kì. Các phương pháp dạy học được sử dụng, các kĩ thuật dạy học được triển khai, các chuyên đề lên lớp cũng được huy động nhưng tất cả đều hướng đến truyền thụ kiến thức cơ bản mang tính định hình theo giáo án mà giáo viên soạn sẵn.

    - Về phía học sinh: Khi học tiết đọc hiểu, học sinh như được tham gia vào một quá trình “đuổi tiếng bắt chữ” rất cực nhọc, khi chưa kịp hiểu từ này ý nọ thì phải chuyển cho kịp mạch văn của thầy cô. Học sinh chỉ được nghe qua và ghi lại một cách thụ động chứ ít có dịp được suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, trình bày theo cảm nhận riêng của mình. Học xong bài, có em nhớ tên rừng (tên tác phẩm) mà không biết đến một loại cây đặc thù (nội dung cụ thể), có em thì cây nào cũng biết nhưng đặc tính ra sao, ở rừng nào thì đã “chữ thầy, trả thầy”. Khi làm bài kiểm tra lại xảy ra hiện tượng “bổn cũ chép lại”, thầy chấm văn thầy.

   - Về công việc kiểm tra đánh giá: Nhìn chung ít có sự đầu tư thực sự có hiệu quả. Giáo viên ra đề theo những công thức sẵn có như phân tích/ cảm nhận/ bình giảng… rất chung chung; câu hỏi nhiều khi mang tính ngẫu hứng. Dù hình thức kiểm tra nói hay viết, dù thời gian làm bài ít hay nhiều (từ 15 phút đến 180 phút) thì số lượng câu hỏi và cách hỏi cũng không khác nhau nhiều. Việc đánh giá chất lượng bài viết có phần cảm tính, chủ yếu qua độ ngắn dài và qua những gì thầy cô đã dạy chứ ít trân trọng những sáng tạo cá nhân và sự kiến giải độc đáo của học sinh. Đây là vấn đề tồn tại khá lâu, thậm chí ở nhiều khâu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực của bộ môn.

      Ví dụ về một số đề kiểm tra chất lượng học kì I – Lớp 12 trước đây của Sở Giáo dục và đào tạo Nam Định:

       1. Nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” – Chủ tịch Hồ Chí Minh (Câu 1: 3 điểm - Đề kiểm tra năm học 2000 – 2001).

       2. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng (Câu 1: 2 điểm - Đề kiểm tra năm học 2001 – 2002).

       3. Hãy cho biết thật ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, thời gian công bố và giá trị cơ bản của tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Câu 1: 3 điểm - Đề kiểm tra năm học 2002 – 2003).

       4. Trình bày ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi? Phân tích đoạn thơ sau:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Namtừ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

     (trích “Đất nước”  của Nguyễn Đình Thi)

                                                 (Câu 1: 5 điểm - Đề kiểm tra năm học 2003 – 2004).

       5. Trình bày ngắn gọn một số nét tiêu biểu về nhà thơ Quang Dũng và hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Tây Tiến”? Nêu những câu thơ viết về chân dung anh bộ đội Tây Tiến đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với anh (chị) sau khi đọc bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng (Câu 1: 4 điểm - Đề kiểm tra năm học 2004 – 2005).

        Với cách hỏi về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và những nét chính về tác giả như trên thì không thể phân hóa và không phát huy được năng lực của học sinh, đôi khi còn xảy ra hiện tượng cóp/chép, gian lận. Như vậy, thực trạng của dạy học và kiểm tra phần văn bản văn học trước đây mang nặng tính sách vở. Nếu dùng cách nói có hình ảnh thì học sinh được ví như cái bình chứa một thứ dung dịch hỗn hợp về kiến thức do giáo viên đã pha sẵn và đổ vào đó một cách gượng ép. Không phủ nhận những ưu thế của phương pháp dạy học truyền thống tuy nhiên trước những đòi hỏi của xã hội về chất lượng sản phẩm của giáo dục thì cần có một sự thay đổi ở nhiều khâu, ở đó không thể không thay đổi trong cách dạy và cách học. Nhà bác học Ê-đi-xơn có câu: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nền văn minh là dạy cho con người biết tư duy”. Câu nói này cũng đồng nghĩa với việc dạy học nói chung và dạy đọc văn bản văn học nói riêng phải khơi được nguồn sáng tạo trong học sinh. Thực tế cho thấy, quá trình cảm thụ để hiểu văn học ở học sinh ngày nay rất hạn chế. Những nguyên nhân như tác động của cơ chế thị trường, công nghệ thông tin bùng nổ, những định hướng ngành nghề… đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của học sinh trong học tập bộ môn. Nhiều học sinh học văn chẳng qua là để đối phó với thi cử và  cũng có nhiều giáo viên đối phó với chuyện thi cử bằng phương pháp “đọc - chép”. Cho nên, từ năm học 2008 – 2009 nhưng triệt để nhất là từ năm học 2013 – 2014 và đặc biệt trong năm học này, Bộ GD và ĐT đã dùng kĩ thuật “móng tay nhọn” để bóc lớp “vỏ quýt dày” trong dạy/học Ngữ văn. Đó là đề thi đã được định dạng với 2 phần và cấu trúc khá rõ ràng. Trong đó, phần đọc hiểu (chiếm khoảng 30% điểm toàn bài) với 2 loại văn bản, văn bản nhật dụng có độ dài khoảng 250 chữ đến 500 chữ, văn bản văn học dài từ 50 chữ đến 400 chữ. Thậm chí, phần này còn xuất hiện những văn bản mà học sinh không được học trong chương trình. Những câu hỏi khai thác văn bản (khoảng 8 câu nhỏ) là một sự bao quát kiến thức của các phân môn như văn học, tiếng Việt, làm văn mà học sinh đã được học và câu hỏi kết nối thông tin luôn xuất hiện với mức từ 0,75 đến 1,0 điểm. Những điểm mới mẻ này đòi hỏi sự đầu tư thực sự trong cách dạy và nghiêm túc trong cách học.

2. Phân tích ưu nhược điểm của giải pháp cũ để cho thấy sự cần thiết của việc đề xuất giải pháp mới nhằm khắc phục nhược điểm của giải pháp cũ:

     Như đã nói, những ưu điểm của giải pháp cũ tức là cách dạy học và kiểm tra đánh giá mang tính truyền thống là không thể phủ nhận. Đó là nội dung bài dạy của giáo viên có ý tứ rõ ràng và mạch lạc, học sinh ghi chép có hệ thống và đảm bảo kiến thức cơ bản trọng tâm, quá trình tạo lập văn bản nghị luận của học sinh khi làm bài kiểm tra đã tránh được sự lan man và suy diễn.

     Tuy vậy, những nhược điểm của giải pháp cũ cũng khá nhiều, như đã tách rời quá trình ra đời của tác phẩm văn học với bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa; không phát huy được tư duy sáng tạo của học sinh; không phù hợp với mục tiêu giáo dục trong lộ trình đổi mới toàn diện… Học sinh học bài nào biết bài ấy mà không có mối liên hệ với những văn bản trong cùng giai đoạn, của cùng một tác giả hoặc có những điểm tương đồng về thể loại, đề tài, chủ đề. Học sinh ngại đọc văn bản, đọc mà chỉ xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết diễn biến ra sao, các nhân vật yêu ghét nhau thế nào, sống chết ra sao… hoặc đọc mà phụ thuộc vào cách người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo một khuynh hướng tư tưởng - tình cảm nào đó, trong khi cách đọc đồng sáng tạo lại không được chú ý.

     Từ những điểm mạnh và hạn chế của cách dạy văn bản văn học trước đây cùng với những yêu cầu mới trong công tác kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh hiện nay đã cho thấy sự cần thiết phải thay đổi toàn diện. Việc trang bị kĩ năng đọc hiểu văn bản cho học sinh là rất quan trọng, trong đó “kết nối thông tin” là khâu cuối cùng để đưa văn chương vào đời sống xã hội.

 II. Mô tả giải pháp sau khi có sáng kiến:

   1. Vấn đề cần giải quyết:

     Xuất phát từ mục tiêu dạy học bộ môn là phát triển các năng lực, phẩm chất cho học sinh qua các chủ đề như năng lực đọc – hiểu văn bản, năng lực tự thu thập thông tin và giải quyết tình huống; năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt qua việc trình bày suy nghĩ, cảm nhận; năng lực hợp tác, trao đổi; năng lực tự học và tự quản lí bản thân; năng lực ứng dụng CNTT. Để mục tiêu này đi đúng hướng và có kết quả như mong muốn thì quá trình dạy học cần lấy học sinh làm đối tượng phục vụ, nên dạy những cái học sinh cần chứ không nên dạy những thứ giáo viên biết và giáo viên muốn. Và những cái học sinh cần, ngoài kiến thức để phục vụ cho thi cử thì quan trong hơn chính là tri thức nhằm phục vụ cho cuộc sống. Đây chính là yêu cầu cần kết nối thông tin giữa văn học với đời sống xã hội.

   2. Nét mới và sự khác biệt của giải pháp mới so với giải pháp cũ:

      Tên gọi của phân môn này từ bộ sách giáo khoa thí điểm phân ban đầu những năm 2000 là đọc hiểu đã cho thấy sự khác biệt so với cách gọi giảng văn như trước đây. Theo đó, các văn bản chỉ đạo chuyên môn không chỉ hướng đến thực hiện chương trình mang tính truyền thống mà còn nhằm giải quyết các vấn đề ngoài văn học như giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục kĩ năng sống, vận dụng kiến thức liên môn nhằm giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh hoặc dạy học theo chủ đề tích hợp và thiết kế giáo án tích hợp dành cho giáo viên…

       “Kết nối thông tin” cần được thể hiện từ khâu soạn bài đến các bước lên lớp của giáo viên và đầu ra của nó chính là kết quả học tập và năng lực, phẩm chất của học sinh được thể hiện trong thực tế đời sống. Do vậy, khi soạn bài, giáo viên cần chú ý đến việc tích hợp tri thức ở các lĩnh vực khác nhau để cùng giải quyết một vấn đề văn học. Trên lớp, giáo viên cần tổ chức các hình thức học tập để khai thác, phát huy và điều chỉnh năng lực tư duy của học sinh. Không khí giờ học phải thật tự nhiên, cởi mở, thân thiện thì mới khơi được những nguồn tài nguyên vô giá trong suy nghĩ của học sinh dành cho văn học. Giáo viên hạn chế lối “phô văn” bởi lẽ học sinh không phải là đối tượng “đồng sàng” nên dễ xảy ra hiện tượng “dị mộng”, học sinh chỉ cần kiến thức cơ bản của bài học mà thôi. Trong các đề kiểm tra, cần có câu hỏi liên hệ với cuộc sống xã hội và với trách nhiệm của học sinh. Khi chấm bài học sinh, giáo viên cần trân trọng những bài viết sáng tạo, những phát hiện thú vị và những kiến giải độc đáo. Giáo viên cũng cần cân nhắc khi đặt bút phê vào bài làm của học sinh, bởi một lời nhận xét đánh giá của thầy cô giáo có khả năng làm thay đổi nhận thức và ý thức học tập bộ môn.

   3. Cách thức và các bước thực hiện giải pháp mới:

      3.1. “Kết nối thông tin” là gì?

      “Kết nối thông tin” là cụm từ mới xuất hiện trong giảng dạy văn học từ vài năm trở lại đây. Trước đây, nó ít được đề cập do mục tiêu giáo dục và đinh hướng kiểm tra đánh giá. “Kết nối thông tin” thực chất là quá trình tìm ra mối liên hệ giữa văn học với văn học và giữa văn học với đời sống xã hội. Hiểu đơn giản, “kết nối thông tin” là sự liên hệ giữa vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học này với tác phẩm văn học khác hoặc trong văn học với những vấn đề đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội.

      3.2. Phân loại đề tài kết nối và nguyên tắc kết nối:

       Để sự “kết nối” không tùy tiện và tránh lối suy diễn chủ quan thì giáo viên nên định hướng thành những đề tài, chủ đề cụ thể nhằm tập trung được những suy nghĩ tích cực của học sinh. Chúng ta có thể tham khảo sách “Thực hành Làm văn 12” (NXB Giáo dục - 2009) và phân loại các vấn đề trong đời sống xã hội như sau:

       -  Nếu sản phẩm “kết nối” là một tư tưởng, đạo lí thì ta chia chúng thành những quan điểm đạo đức, lối sống; các vấn đề văn hóa, giáo dục, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc phương pháp tư tưởng.

      -  Nếu sản phẩm “kết nối” là một hiện tượng đời sống thì ta chia chúng thành hiện tượng liên quan đến môi trường sống tự nhiên của con người; hiện tượng liên quan đến môi trường xã hội hoặc hiện tượng tích cực đáng biểu dương, tiêu cực đáng phê phán.

     Tuy nhiên, sự kết nối cũng phải có những nguyên tắc cụ thể. Đó là, chỉ kết nối những thông tin thật sự liên quan đến nội dung chính và chủ đề của tác phẩm; kết nối phải đảm bảo đặc trưng, đặc thù của môn học; kết nối phải gắn với đời sống xã hội; kết nối mà không làm tăng nội dung và thời lượng của bài học dẫn đến tình trạng quá tải; không kết nối những vấn đề nhỏ nhặt tầm thường hay những vấn đề nhạy cảm …

     3.3. Các bước thực hiện quá trình kết nối thông tin:

      Những tác phẩm và trích đoạn truyện, kí trong chương trình Ngữ Văn 12 – THPT bao quát nhiều vấn đề trong đời sống văn học, đời sống xã hội mà tác phẩm ra đời. Ví dụ, những tác phẩm truyện và kí hiện đại Việt Nam đã phản ánh những biến động dữ dội của lịch sử nước nhà trong suốt hơn nửa thế kỉ với cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1945 - 1954), miền Bắc bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 - 1964), chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược (1965 - 1975), đất nước với những khó khăn muôn mặt thời hậu chiến và trước những tác động của nền kinh tế thị trường (1975 - 2000). Hoặc từ “bóng dáng bao trùm cả văn đàn Trung Quốc thế kỉ XX” của Lỗ Tấn, qua truyện ngắn Thuốc, chúng ta cần thấy được căn bệnh tinh thần của người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX; từ “hàng ngũ nhà văn lớn nhất thế kỉ XX” của M.Sô-lô-khốp để qua Số phận con ngườimà thấy được ý chí nghị lực và lòng nhân hậu của người Nga; từ “dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới” của Ơ.Hê-minh-uê (Mĩ) để nhận ra vẻ đẹp bình dị mà phi thường của người lao động trong  xã hội vô tình qua truyện ngắn Ông già và biển cả.

     Vậy làm thế nào để giúp học sinh biết “kết nối thông tin” giữa các tác phẩm, đoạn trích truyện và kí trong chương trình nói riêng và giữa tác phẩm văn học nói chung với đời sống xã hội? Chúng ta tiến hành theo các bước sau:

     a. Thứ nhất là khâu soạn giáo án:

     Không chỉ bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, giáo viên khi soạn bài cần lưu ý đến thái độ, phẩm chất và các năng lực cần đạt của học sinh qua các văn bản truyện và kí. Nội dung này được mô tả theo bảng sau (Tham khảo Kế hoạch dạy học môn Ngữ Văn - Năm học 2014 – 2015 của Trường THPT Giao Thủy):

STT

Văn bản

Thái độ, phẩm chất

Năng lực

 

 

 

1

 

 

 

Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

- Thái độ: Trân trọng những trang văn tài hoa - sản phẩm lao động nghiêm túc của Nguyễn Tuân; trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc và người lao động trên sông nước Đà giang.

 - Phẩm chất: Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước; tình yêu lao động; ý thức rèn luyện bản thân và học hỏi những kinh nghiệm sống quý báu

- Năng lực đọc hiểu văn bản kí hiện đại giai đoạn từ năm 1945 đến hết XX.

- Năng lực tạo lập VB nghị luận về kí hiện đại như nghị luận về  đoạn trích, một hình tượng, một ý kiến - nhận định…

- Các năng lực khác: “kết nối thông tin”, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

  

  2

Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

- Thái độ: Trân trọng những trang văn tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường và vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên xứ Huế; ý thức bảo tồn và quảng bá di sản đất nước cho bạn bè quốc tế.

 - Phẩm chất: Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, yêu cảnh trí non sông, tự hào với những giá trị tinh thần của dân tộc.

 

 

 

3

 

 

 

Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (Võ Nguyên Giáp)

- Thái độ: Biết sẻ chia với những khó khăn, nguy nan của nước Việt Nam mới trong những ngày đầu và trân trọng  những quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa đất nước và nhân dân, giữa lãnh tụ và quần chúng.

- Phẩm chất: Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tin vào Đảng và chế độ, tấm lòng kính trọng lãnh tụ, khát vọng cống hiến; biết quý trọng những giá trị lịch sử qua những tháng năm gian khó của dân tộc.

 - Năng lực đọc hiểu văn bản kí hiện đại giai đoạn từ năm 1945 đến hết XX.

- Các năng lực khác: “kết nối thông tin”, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

Vợ chồng A Phủ

(Tô Hoài)  

- Thái độ: Cảm thông với nỗi thống khổ của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến và thực dân; trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng mãnh liệt và quá trình vùng lên tự giải phóng của đồng bào vùng cao.

- Phẩm chất:

 + Khát vọng hạnh phúc, tự do; ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

 + Tình yêu gia đình, lòng hiếu thảo với cha mẹ, lòng nhân ái, khoan dung...

 + Tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

- Năng lực đọc hiểu văn bản truyện chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954.

- Năng lực tạo lập VB nghị luận về truyện truyện chống Pháp giai đoạn 1945 – 1954 như nghị luận về  đoạn trích, một hình tượng, một ý kiến - nhận định…

- Các năng lực khác: “kết nối thông tin”,  năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

 

 

 

 

5

 

 

 

 

Vợ nhặt (Kim Lân)

- Thái độ: Hiểu và đồng cảm trước tình cảnh sống thê thảm của người nông dân trong nạn đói năm 1945; trân trọng niềm tin tưởng vào tương lai; đồng tình với khát vọng sống ở những con người nghèo khổ khi cận kề miệng vực cái chết.

- Phẩm chất:

 + Khát vọng hạnh phúc; lòng nhân ái, ...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

6

 

Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

- Thái độ: Biết trân trọng nghị lực sống phi thường và khát khao tự do của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong chiến tranh.

- Phẩm chất:

 + Lòng trung thành với cách mạng, lòng căm thù giặc, khát khao lí tưởng.

 + Tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước; lòng nhân ái, khoan dung...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

- Năng lực đọc hiểu văn bản truyện chống Mĩ giai đoạn 1965 - 1975.

- Năng lực tạo lập VB nghị luận về truyện chống Mĩ giai đoạn 1965 – 1975 như nghị luận về  đoạn trích, một hình tượng, một ý kiến - nhận định…

 - Các năng lực khác: “kết nối thông tin”,  năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

 

 

 

7

 

 

 

Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

- Thái độ: Trân trọng tình yêu n­ước, lòng căm thù giặc, tình cảm gia đình ... là sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nư­ớc.

- Phẩm chất:

 + Lối sống giàu khát khao lí tưởng.

 + Tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước; lòng nhân ái, khoan dung...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

 

8

 

 

Bắt sấu rừng U Minh hạ (Sơn Nam)

- Thái độ: Biết trân trọng vẻ đẹp của con người Nam Bộ và khát vọng cao đẹp của họ trong những ngày đầu mở đất và xây dựng cuộc sống.

- Phẩm chất:

  + Tình yêu yêu quê hương đất nước; lòng nhân ái, khoan dung...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 + Sống ngay thẳng, chất phác, thuần hậu; biết rèn trí, luyện tài; dám đương đầu với khó khăn gian khổ.

- Năng lực đọc hiểu văn bản truyện ngắn giai đoạn 1965 - 1975.

- Các năng lực khác: “kết nối thông tin”,  năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

 

 

 

 

9

 

 

 

 

Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng)

- Thái độ: Trân trọng những giá trị của văn hóa truyền thống trước những tác động của nền kinh tế thị trường đối với con người.

- Phẩm chất:

 + Lối sống giàu tình nghĩa, biết đối nhân xử thế...

 + Tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước; lòng nhân ái, khoan dung...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

 

- Năng lực đọc hiểu văn bản truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại giai đoạn sau 1975.

 - Các năng lực khác: năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …             

 

 

 

10

 

 

Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)

 

- Thái độ: Trân trọng những suy nghĩ và lối sống tích cực, những giá trị văn hóa truyền thống của người Hà thành.

 - Phẩm chất:

 + Lòng trung thực; lối sống ứng biến, linh hoạt thức thời.

 + Tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước; lòng nhân ái, khoan dung...

 + Đức tính tự lập, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

 

 

11

 

 

 

Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

- Thái độ: Trân trọng những hi sinh thầm lặng và cao cả của người phụ nữ VN...  Hiểu được quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, về cách nhìn đời và nhìn người trong cuộc sống.

- Phẩm chất:

 + Lòng trung thực, lối sống giàu tình thương, biết hi sinh...

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng.

- Những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật: phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện; nghệ thuật chân chính luôn gắn với cuộc đời, vì cuộc đời.

- Năng lực đọc hiểu văn bản và tạo lập VB nghị luận về truyện hiện đại giai đoạn sau năm 1975 như nghị luận về  đoạn trích, một hình tượng, một ý kiến - nhận định.

 - Các năng lực khác: “kết nối thông tin”,  năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …             

 

 

 

 

12

 

 

 

 

Thuốc

(Lỗ Tấn)

- Thái độ: Phê phán sự mê muội đớn hèn, sự lạc hậu của ng­ười Trung Hoa đầu thế kỉ XX và sự cấp thiết phải có phương thuốc chữa bệnh cho quốc dân: làm cho ng­ười dân giác ngộ cách mạng và cách mạng gắn bó với nhân dân.

 - Phẩm chất:

 + Lối sống giàu tình thương, sự chia sẻ và cảm thông.

 + Ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, biết hi sinh vì tự do, hạnh phúc.

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

 

 

 

 

- Năng lực đọc hiểu văn bản truyện hiện đại nước ngoài.

 

 

 

 

 

- Các năng lực khác: “kết nối thông tin”,  năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản bản thân, năng lực công nghệ thông tin …

 

 

13

 

 

Số phận con người (M.Sô-lô-khốp)

- Thái độ: Biết đồng cảm, sẻ chia với số phận éo le, trắc trở của con ngư­ời trong cuộc sống. Con người phải có đủ bản lĩnh và lòng nhân hậu để làm chủ số phận của mình, vư­ợt lên sự cô đơn, mất mát, đau thương.  

- Phẩm chất:

 + Lòng trung thực, sự kiên cường và nhân hậu, vị tha.

 + Lối sống giàu nghĩa tình, biết yêu thương và lòng trắc ẩn, cảm thông với mọi người.

 + Đức tính tự lập, tự tin, tự chủ, có tinh thần vượt khó và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

 

 

 

 

 

14

 

 

 

 

 

Ông già và biển cả (Ơ.Hê-minh-uê)

- Thái độ: Trân trọng vẻ đẹp của con người trong cuộc hành trình nhọc nhằn nhằm thực hiện khát vọng giản dị mà lớn lao; bài học về lối viết đơn giản, tránh sự hoa mĩ mà rỗng tuếch.

- Phẩm chất:

 + Lòng trung thực, sự kiên cường trong lao động, có niềm tin vào cuộc sống, ...

 + Lối sống giàu nghĩa tình, biết yêu thương và lòng trắc ẩn, cảm thông với mọi người.

 + Ý chí và nghị lực của con người trong công cuộc chinh phục, chế ngự và chống chọi với sự dữ dội của thiên nhiên.

 + ....

    b. Thứ hai là việc tổ chức sư phạm một giờ lên lớp:

     Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến quá trình khai thác văn bản. Giáo viến cần hướng dẫn học sinh phát hiện ra mối liên hệ giữa các vấn đề văn học với đời sống xã hội và lồng ghép vào việc đọc hiểu văn bản. Để làm tốt điều này, học sinh cần xác định rõ bố cục của tác phẩm, nắm được nội dung và vị trí của các đoạn văn tiêu biểu, biết nhận ra những chi tiết quan trọng và hình ảnh giàu tính sáng tạo góp phần vào thành công của tác phẩm.

     Hãy theo dõi bảng minh họa sau, nếu ta kết nối thông tin bảo vệ môi trường vào trong một số bài đọc hiểu:

STT

Tên bài

Chi tiết, hình ảnh

Kết nối thông tin bảo vệ môi trường

1

Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

- Chi tiết: Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Hình như đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi...

- Hình ảnh: Ven bờ sông Đà, con hươu thơ ngộ, đàn cá dầm xanh... 

  Qua cảm nhận vẻ đẹp và sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của sông nước miền tây Bắc bộ, cần nâng cao ý thức trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên, biết gìn giữ nguồn tài nguyên nước – môi trường sống mà người dân tộc Thái đã ăn đời ở kiếp với nó và hàng triệu người dưới xuôi hưởng lợi từ nguồn thủy điện sông Đà .

2

Ai đã đặt tên cho dòng sông?

(Hoàng Phủ Ngọc Tường)

- Chi tiết: ..., vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ... hoặc ...sông Hương chếch về hướng chính bắc, ...  lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau của ngoại ô Vĩ Dạ...

- Hình ảnh: sông Hương nơi thượng nguồn, ngoại vi thành phố, giữa lòng thành phố,...

  Từ bức tranh kinh thành Huế và hình ảnh của dòng sông Hương thơ mộng, chúng ta phải biết tự hào về một vùng đất đã một thời mang diện mạo, tâm hồn của con người Việt Nam để có định hướng và biện pháp bảo tồn các danh thắng thiên tạo và nhân tạo.

3

Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

- Chi tiết:..Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương ....... ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...

- Hình ảnh: rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

  Từ việc cảm nhận về vẻ đẹp của rừng xà nu và sự tàn phá của bom đạn hãy liên hệ đến ý thức bảo vệ rừng (Nên nhớ rằng, Mĩ không chỉ dùng bom đạn để phá hủy mà còn dùng cả vũ khí hóa học để hủy diệt hàng triệu hec-ta rừng).

4

Bắt sấu rừng U Minh hạ (Sơn Nam)

- Chi tiết: Bài hát của ông Năm Hên: "U Minh đỏ ngòm/ Rừng tràm xanh biếc!"

- Hình ảnh: "Sấu lội từng đàn",  

  Từ bức tranh thiên nhiên vùng U Minh Hạ - một thế giới bao la, kì thú hãy liên hệ đến ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã và những khu rừng nguyên sinh hiện nay.

5

Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)

- Hình ảnh: cây si cổ thụ đền Ngọc Sơn bị đổ sau một trận bão.  

  Qua chi tiết cây si cổ thụ ở đến Ngọc Sơn bị đổ sau một trận bão được mọi người cứu sống cho thấy thái độ gìn giữ, bảo tồn “cây di sản” hiện nay; từ đó hãy liên hệ với hiện tượng chặt phá 6700 cây xanh của Hà Nội trong thời gian gần đây.

6

Ông già và biển cả (Ơ.Hê-minh-uê)

- Chi tiết: “...Với cái miệng mím chặt, cái đuôi nhịp nhàng, chúng ta lái thuyền đi như thể hai anh em.... Ta chỉ thạo hơn cu cậu ở mỗi cái trò mánh lới; còn cu cậu thì đâu có làm hại ta chút mảy may”.

- Hình ảnh: Con cá kiếm, biển cả.

Cuộc săn đuổi và bắt con cá kiếm của ông lão Xan-ti-a-gô cho ta bài học về cách ứng xử của con người trong công cuộc chinh phục và chế ngự thiên nhiên.

     Không chỉ các vấn đề thuộc môi trường tự nhiên mà các vấn đề thuộc môi trường xã hội cũng luôn được phản ánh qua từng tác phẩm, đoạn trích. Vì vậy, giáo viên nên có những gợi ý mang tính định hướng giúp học sinh thấy được đâu là những vấn đề tích cực cần được biểu dương, nhân rộng, đâu là những vấn đề tiêu cực cần được uốn nắn, điều chỉnh, phê phán, lên án... Ví dụ:

    - Tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân): Vẻ đẹp của người lao động bình thường mà tài trí, dũng cảm; nếu thiên nhiên là vàng thì người lao động chân chính là vàng mười đã qua thử lửa.

    - Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?(Hoàng Phủ Ngọc Tường): Vẻ đẹp của mảnh đất và con người xứ Huế xưa và nay.

   - Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):

    + Phê phán những hủ tục của người dân tộc thiểu số trước đây mà đến nay những hệ lụy của nó vẫn tồn tại như tục cho vay nặng lãi, lợi dụng thần quyền để át chế đầu độc tinh thần (giống nạn buôn thần bán thánh), mê tín (tin vào ma quỷ: bắt về trình ma...  ); không đồng tình với những suy nghĩ và hành động tiêu cực (như ăn lá ngón tự tử)…

    + Ngợi ca sức sống tiềm tàng trong mỗi con người dù có bị đẩy vào đường cùng không lối thoát; khát vọng  tự do, hạnh phúc, ý chí nghị lực và niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

  - Truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân): Truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”; khát vọng và niềm ham sống, khát vọng hạnh phúc; nghị lực sống và tinh thần lạc quan, không bao giờ mất niềm tin ở ngày mai tươi sáng.

  - Truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành): Ngợi ca lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, lòng trung thành với cách mạng; truyền thống quê hương; nghị lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh để nêu cao tấm gương “tàn nhưng không phế”; chân lí đấu tranh cách mạng: nếu con đường đấu tranh bất bạo động không có kết quả thì ắt phải dùng bạo lực cách mạng tức là khởi nghĩa vũ trang (ví dụ: xung đột sắc tộc, tôn giáo thì nên dùng biện pháp ôn hòa; cuộc chiến chống khủng bố và chống ngoại xâm thì cần phải kiên quyết, mạnh mẽ dù phải tổn thất, hi sinh).

  - Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi): Ngợi ca truyền thống gia đình, con cái không chỉ là sự tiếp nối cha mẹ ở huyết thống mà còn ở truyền thống; lí tưởng của thanh niên trong thời đại ngày nay (tinh thần xung phong, xung kích: đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên).

  - Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu): Mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống (nghệ thuật vị nhân sinh); suy nghĩ về cách nhìn nhận, đánh giá những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống; tấm lòng nhân hậu, vị tha và đức hi sinh; quan niệm về hạnh phúc (hạnh phúc không phải là những gì xa vời mà là những thứ rất đời thường, bình dị như khi nhìn đàn con được ăn no); pháp luật và đời sống (làm sao cho dân hiểu và biết đưa pháp luật vào trong thực tế cuộc sống); nạn bạo hành gia đình; hiện tượng đói nghèo và thất học; mối liên hệ giữa hoàn cảnh sống với sự phát triển tính cách, phẩm chất của con người.

  - Truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh hạ (Sơn Nam): Lối sống nhân ái, dám đương đầu với hiểm nguy (khác hẳn với lối sống vô cảm của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay).

  - Trích đoạn tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng): Truyền thống gia đình, dân tộc và phẩm chất con người trước những biến động của cuộc sống xã hội.

  - Truyện ngắn Một người Hà Nội (Nguyễn Khải): Vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội xưa và nay; lối sống năng động, ứng biến, thức thời của con người trong từng hoàn cảnh cụ thể; phê phán thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen, toan tính.

  - Truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn): Phê phán sự mê tín, cả tin; phê phán sự xa rời quần chúng của người cách mạng; lên án sự thờ ơ vô cảm của một bộ phận nhân dân (hiện tượng đáng báo động của xã hội Trung Quốc ngày nay mà chúng ta cần suy ngẫm, như: chênh lệch giàu nghèo quá lớn giữa thành thị và nông thôn; quan chức cao cấp bị truy tố vì vi phạm pháp luật; giới trẻ có lối sống vô cảm, thích hưởng thụ…).

  - Truyện ngắn Số phận con người (M.Sô-lô-khốp): Ngợi ca lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, nhân hậu vị tha; phản ánh những bất cập và chưa kịp thời trong chính sách đãi ngộ với người có công với đất nước; hậu quả nặng nề của chiến tranh vệ quốc…

  - Truyện ngắn Ông già và biển cả (Ơ.Hê-minh-uê): Ý chí kiên cường, lòng kiên trì và niềm tin ở năng lực của bản thân; quá trình theo đuổi để biến ước mơ thành hiện thực; lối sống giản dị, không phô trương (“áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”).

    c. Thứ ba, “kết nối thông tin” còn phải được thể hiện qua việc kiểm tra, đánh giá các năng lực của học sinh:

     - Mục đích của việc kiểm tra miệng tức là rèn năng lực nói (nói văn), giáo viên cần chú ý cho học sinh cách phát âm đúng quy tắc, ngôn ngữ đúng phong cách, xử lí tình huống khéo léo, phong thái chững chạc tự tin, trả lời ngắn gọn...

     - Mục đích kiểm tra giấy tức là rèn năng lực viết (viết văn), ngoài khả năng tạo lập văn bản với từ ngữ và cú pháp đạt chuẩn mực trong Tiếng Việt, giáo viên còn luyện cho học sinh khả năng phân tích, cảm thụ văn học theo đúng đặc trưng thể loại, biết sử dụng kết hợp các thao tác lập luận, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng...

     Theo đó, trong đề kiểm tra, ngoài những câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu về tác phẩm, đoạn trích cần có phương án trả lời ngắn thì giáo viên nên dành nội dung kiểm tra xoay quanh một đoạn văn, một chi tiết hoặc một hình tượng tiêu biểu nào đó. Việc làm này không chỉ đánh giá được kiến thức văn học (giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật) mà còn là năng lực biết vận dụng tri thức văn học đã được học vào trong cuộc sống. Có thể tham khảo một số ví dụ sau:

    Đề 1 (Cho bài kiểm tra với thời lượng ngắn hoặc phần đọc hiểu của bài trên 2 tiết):   

    Đọc đoạn văn sau được trích trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) và cho biết:

   “... Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

    - Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...”.

     1. Bữa cơm ngày đói gợi nhớ đến nạn đói vào năm nào của dân tộc ta?    

     2. Câu chuyện của bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói đã cho chúng ta bài học gì về tinh thần và nghị lực sống?

     3. Từ nội dung của đoạn văn, hãy liên hệ và nêu suy nghĩ về bữa cơm gia đình trong một số gia đình hiện nay?

   Đề 2 (Cho bài kiểm tra với thời lượng ngắn hoặc phần đọc hiểu của bài trên 2 tiết):  

   Đọc đoạn văn sau được trích trong truyện ngắn Ông già và biển cả(Ơ.Hê-minh-uê) và trả lời các câu hỏi bên dưới: “...Với cái miệng mím chặt, cái đuôi nhịp nhàng, chúng ta lái thuyền đi như thể hai anh em. Rồi đầu óc lão bắt đầu hơi lẫn lộn và lão nghĩ con cá đưa ta hay ta đang đưa nó vào bờ? Nếu ta đang kéo nó phía sau thì chẳng có vấn đề gì và nếu con cá trên thuyền nằm đờ ra, thì cũng chẳng có vấn đề gì. Nhưng ông lão và con cá lại đang cặp kè lướt đi nên lão nghĩ, cứ để cu cậu đưa ta vào bờ nếu việc đó làm hài lòng cu cậu. Ta chỉ thạo hơn cu cậu ở mỗi cái trò mánh lới; còn cu cậu thì đâu có làm hại ta chút mảy may”.

    1. Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn trên là gì?

    2. Những thủ pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn văn trên?

    3. Các yếu tố ngôn ngữ: như thể hai anh em, cặp kè lướt đi, cu cậu cho thấy mối quan hệ giữa ông lão và con cá như thế nào?

    4. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của cái trò mánh lới mà con người thể hiện trong cuộc sống?

   Đề 3 (Cho phần làm văn trong bài kiểm tra với thời lượng trên 2 tiết):  

   Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành? Từ cuộc đời của nhân vật này, anh/chị hãy nêu suy nghĩ về nghị lựccủa con người trong cuộc sống?

    Như vậy, với ba đề minh họa trên, dễ thấy câu 3 (đề 1), câu 4 (đề 2) và ý hỏi thứ hai (đề 3) là câu hỏi nhằm kết nối thông tin. Để làm tốt những câu hỏi dạng này, yêu cầu:

    - Về hình thức: Trình bày ngắn gọn, diễn đạt rõ ràng mạch lạc, kiến thức cơ bản trọng tâm (có thể trong đề đã yêu cầu về dung lượng và hình thức văn bản).

    - Về nội dung: Cần trả lời các câu hỏi:

    + Vấn đề được kết nối được hiểu như thế nào?

    + Vấn đề này tồn tại trong xã hội ra sao? Những ảnh hưởng tốt/ không tốt của nó trong đời sống xã hội? Những giải pháp để phát huy/ hạn chế?

    + Bài học liên hệ trong cuộc sống và học tập của bản thân?

    3.4. Hiệu quả từ việc kết nối thông tin:

      Thực tế cho thấy, việc kết nối thông tin trong tiết dạy đọc hiểu vừa đảm bảo kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kĩ năng vừa tạo không khí sôi nổi trong giờ học. Nhờ đó, giáo viên tránh được tình trạng thuyết trình và học sinh cũng tự rèn được khả năng tư duy văn học. Các phương pháp học tập như suy nghĩ độc lập, trao đổi cặp đôi (nhóm), phát biểu cá nhân (thay mặt nhóm) và khả năng nghe văn - nói văn - đọc văn - viết văn... thực sự không còn là lí thuyết suông. Học sinh không còn tình trạng chán văn, không còn cảm giác bị tra tấn trong mỗi giờ học văn, hoặc gây “thảm họa” văn chương qua các bài kiểm tra. Không chỉ hoàn thành kiến thức của bài học, học sinh còn tích cực tham gia các diễn đàn văn học và các cuộc thi liên quan đến bộ môn được tổ chức. Ví dụ trong năm học 2013 – 2014, cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn của học sinh phổ thông, đề tài “Hiện tượng Chí Phèo trong xã hội hiện nay” của em Hoàng Anh Tú và Lâm Nguyễn Trung Đức (11B9) đã đạt giải Nhì cấp Tỉnh và giải Ba cấp Bộ. Bài viết được mở đầu khá hấp dẫn: “Chí Phèo đã đi từ trang sách của Nam Cao để bước ra ngoài đời thực và trở thành một cái tên để chỉ những người cùng đồ hung dữ luôn bơi ngược dòng đời sống. Từ đó, cái tên Chí Phèo không còn là nhân vật văn học mà trở thành từ để gọi cho hiện tượng không kiểm soát được bằng lí trí. Ngay cả trong văn chương, người ta dùng chữ “Chí Phèo” để nói về người khác với tất cả sự coi thường. Từ “Chí Phèo” đã trở thành một danh từ, một tính từ để chỉ và miêu tả một mẫu người đặc biệt trong xã hội mà người ta đã quen dùng”. Các nội dung “kết nối” trong bài dự thi này gồm sự phân hóa giai cấp trong xã hội thực dân phong kiến, lối sống và cách ứng xử của con người, tác hại nhiều mặt của bia rượu, kiến thức về pháp luật... được các em thể hiện khá sáng tạo: Trong truyện của Nam Cao, Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là một kiểu người và nhân vật này mang nặng trên vai những vấn đề xã hội. Chí Phèo không đơn thuần là vấn đề của người cố nông, mà suy cho cùng đó là vấn đề con người. Nó đã khái quát nên bản chất của xã hội thực dân nửa phong kiến (...). Tuy nhiên trong đời sống xã hội hiện nay, khi mà Chí Phèo trong truyện đã chết cùng với xã hội đã đẻ ra nó thì Chí Phèo hiện đại - Chí Phèo của thế kỉ XXI lại xuất hiện và mỗi ngày một nhiều. Chí Phèo xưa uống rượu với chuối xanh thì Chí Phèo nay rất đa dạng và phong phú về nhu cầu ẩm thực. Kẻ túng thiếu thì ở nhà uống rượu suông; người có điều kiện thì đi nhà hàng, khách sạn để uống bia lon, rượu ngoại, ăn đặc sản… Nghe có vẻ phi lí, nực cười nhưng đó là sự thực 100%! Xưa, cả làng Vũ Đại (một xã hội Việt Nam thu nhỏ) mới có một cái tên Chí Phèo, thì nay đâu đâu cũng có, dù là nơi bình dân hay sang trọng, thậm chí có ở trong mỗi gia đình...

       Cũng ở cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn của học sinh phổ thông trong năm học này, đề tài “Người phụ nữ - nạn nhân chính của bạo hành gia đình” do em Nguyễn Văn Minh và Phan Việt Anh (Lớp 11B11) thực hiện, bài viết có một số nội dung kết nối thông tin rất sâu sắc. Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình trong “Vợ chồng A Phủ” được cho là hậu quả của chế độ phong kiến miền núi; trong “Chiếc thuyền ngoài xalà do đời sống vật chất sau chiến tranh còn muôn vàn thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu thì bài viết còn chỉ ra những nguyên nhân của vấn nạn này trong xã hội ngày nay, trong đó có đoạn: “Thứ nhất, tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại khá nặng nề trong một bộ phận nhân dân. Cái quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã khiến cho bao người phụ nữ khi sinh con một bề đã phải mang điều tiếng, (…). Những chính sách của Đảng ta đã tạo cho người phụ nữ nhiều cơ hội để khẳng định mình và nhất là được sống “một vợ một chồng” nhưng đâu đó người phụ nữ vẫn còn bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Thứ hai, xuất phát từ quan niệm cho rằng đàn ông là phái mạnh, phụ nữ là phái yếu. Thực ra, nếu xét về góc độ di truyền thì thể trạng của người đàn ông thường to lớn và khỏe mạnh, tính cách bẩm sinh cũng thường mạnh mẽ và hiếu chiến, khác với sự yếu đuối và nhạy cảm ở người phụ nữ. Cách ứng xử của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội cũng thường nghiêng về phía hành động mạnh mẽ và quyết đoán. Vì vậy, trong các vụ bạo hành thể xác không khỏi ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ thường mang nỗi đau khủng khiếp của vũ lực, có người phải mang thương tật suốt đời. Thứ ba, là từ sự giáo dục. Một nghiên cứu cho thấy, ngay từ nhỏ nếu nam giới được giáo dục tốt, lớn lên nếu được tuyên truyền công tác phòng chống bạo lực gia đình thì tỉ lệ gây ra bạo lực gia đình sẽ thấp hơn và ngược lại (…). Như vậy, chỉ với việc tìm hiểu nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình mà bài dự thi của các em có sự kết nối các thông tin rất phong phú như quan niệm bảo thủ, lạc hậu từ thời nho giáo đến những chính sách ưu việt của Đảng ta ngày nay, từ những kiến thức về di truyền học đến tâm lí học, giáo dục học...

 

*

*       *

*

 

       Có thể nói, “kết nối thông tin” là một nhu cầu chính đáng của con người trong thời đại mới và trong quá trình học tập cũng vậy, việc “kết nối thông tin” là một trong những phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp với lộ trình đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Thiết nghĩ, đề tài này có phạm vi đề cập không lớn nhưng tính chất của nó thì không hề nhỏ. Cá nhân người viết rất cần sự chia sẻ, góp ý của cơ quan chuyên môn, các thầy giáo, cô giáo và các bạn đồng nghiệp với tinh thần cầu thị cao nhất!

 4. Điều kiện cần thiết để áp dụng giải pháp mới:

     Để sáng kiến này được áp dụng vào thực tế giảng dạy và học tập, yêu cầu:

     - Giáo viên phải thực sự đổi mới cách thức tổ chức tiết đọc hiểu văn bản văn học, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy học, câu hỏi phát vấn cần phát huy các năng lực của học sinh từ năng lực chung (gồm: hợp tác, tự học, thu thập và xử lý thông tin, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo…) đến năng lực chuyên biệt (gồm: đọc hiểu, cảm thụ thẩm mĩ, sử dụng ngôn ngữ, tạo lập văn bản nói và viết…). Câu hỏi kiểm tra đánh giá không chỉ thực hiện theo ma trận với các mức độ kiến thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) mà còn hướng đến các năng lực, phẩm chất của học sinh.

     - Học sinh cần phải nhận thức được vai trò của môn học trong việc hoàn thiện nhân cách, tâm hồn và năng lực sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trước những thách thức của ngôn ngữ mạng.

 5. Khả năng áp dụng vào thực tế của giải pháp mới:

     Việc áp dụng sáng kiến “Phát huy năng lực kết nối thông tin cho học sinh lớp 12 – THPT qua đọc hiểu văn bản truyện và kí” vào quá trình dạy học bộ môn là có tính khả thi. Bởi lẽ, sáng kiến này đã cung cấp cho người dạy những yêu cầu cụ thể về thái độ, phẩm chất và các năng lực cần đạt của từng tác phẩm truyện và kí theo định hướng dạy học theo chủ đề tích hợp. Mặt khác, trong từng bài, đều có sự gợi ý đến những vấn đề được kết nối với cuộc sống nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới trong kì thi THPT Quốc gia hiện nay.

 6. Những đối tượng, cơ quan, tổ chức có thể áp dụng giải pháp mới:

     Sáng kiến này có thể được coi như một tài liệu tham khảo trong quá trình giảng dạy đọc hiểu văn bản văn học dành cho giáo viên Ngữ văn ở các trường phổ thông kể cả giáo dục thường xuyên.

C. HIỆU QUẢ DO SÁNG KIẾN ĐEM LẠI:

 I. Hiệu quả kinh tế: không

 II. Hiệu quả về mặt xã hội:

     Sáng kiến “Phát huy năng lực kết nối thông tin cho học sinh lớp 12 – THPT qua đọc hiểu văn bản truyện và kí” đã giúp cho bản thân tôi và những đồng nghiệp khác có thêm một cách thức tiếp cận văn bản văn học trong mối liên hệ với đời sống xã hội. Văn chương không chỉ gắn với quan niệm “thi dĩ ngôn chí” hay “văn dĩ tải đạo” mà thực sự phải “vị nhân sinh”. Quả không sai khi người ta khẳng định văn học là nhân học, học sinh học văn là quá trình học làm người. Những tri thức mà các em có được từ những tác phẩm văn học không chỉ làm giàu đời sống tinh thần mà còn là hành trang quý giá đi suốt cuộc đời các em. Đây chính là hiệu quả to lớn về mặt xã hội của sáng kiến này.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Post a Comment

Previous Post Next Post