Skkn Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận chứng minh cho học sinh lớp 8


 

1. Lời giới thiệu

Môn Ngữ văn trong chương trình THCS nói riêng và trong các cấp học nói chung có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh 4 kĩ năng đó là: “nghe - nói - đọc - viết”. Trong đó, phân môn Tập làm văn là phân môn có tính chất tích hợp các phân môn khác. Qua tiết Tập làm văn, học sinh có khả năng xây dựng một văn bản, đó là bài nói, bài viết. Nói và viết là những hình thức giao tiếp rất quan trọng, thông qua đó con người thực hiện quá trình tư duy - chiếm lĩnh tri thức, trao đổi tư tưởng, tình cảm, quan điểm, giúp mọi người hiểu nhau, cùng hợp tác trong cuộc sống lao động.  Ngôn ngữ (dưới dạng nói - ngôn bản, và dưới dạng viết - văn bản) giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển xã hội. Chính vì vậy, hướng dẫn cho học sinh nói đúng và viết đúng là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ nặng nề đó phụ thuộc phần lớn vào việc giảng dạy môn Ngữ văn nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. Vấn đề đặt ra là: người giáo viên dạy tập làm văn như thế nào để học sinh viết tốt bài văn của mình? Cách thức tổ chức, tiến hành tiết dạy Tập làm văn ra sao để đạt hiệu quả như mong muốn?

Chính vì vậy mà việc rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn cho học sinh THCS là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong việc tạo lập văn bản. Từ đó giúp học sinh hình thành ý thức và nhân cách cũng như trình độ học vấn cho các em ngay khi đang học bậc THCS và trưởng thành sau này.

Bản thân là một cán bộ quản lý, song ngoài công việc chính của bản thân tôi vẫn trực tiếp giảng dạy một lớp thuộc chuyên môn chính. Vì thế trong quá trình đứng lớp tôi đã nhận ra một vài vấn đề còn bất cập trong bộ môn của mình. Quả thực dạy cho các em có được hứng thú, niềm say mê yêu thích môn văn học đã khó, nay giúp các em tự diễn đạt, trình bày suy nghĩ của mình thành văn bản lại là một điều khó hơn. Đặc biệt là văn nghị luận chứng minh

Có thể nhận thấy Văn nghị luận chứng  minh một trong những thể loại khó của phân môn Tập làm văn. Trong quá trình tham gia vào các hoạt động học tập của những tiết học này, học sinh với vốn kiến thức còn hạn chế nên thường ngại nói, ngại viết. Nên viết, rèn cho các em biết cách diễn đạt, lập luận một văn bản nghị luận là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.

Trong thực tế dạy học tôi thấy bài văn của học sinh mình chưa đáp ứng được những yêu cầu của một văn bản trong nhà trường. Bài văn của các em vẫn còn hiện tượng lạc đề, lệch đề do không chú ý đến việc tìm hiểu đề. Đoạn văn trong bài thường sai quy cách. Bên cạnh đó là việc giữa các đoạn văn chưa có sự liên kết.

Bên cạnh đó chương trình dạy học phần nghị luận ở lớp 7,8 còn nặng nề về các khái niệm trìu tượng, yêu cầu, chú ý, ghi nhớ…làm cho các em thấy kiểu bài này thật là xa lạ và rắc rối. Vậy làm thế nào để học sinh có thể viết được một bài văn chứng minh đúng và hay? Câu hỏi đó luôn làm tôi trăn trở mỗi khi giảng dạy kiểu bài nghị luận chứng minh. Để có được một bài văn chứng minh hoàn chỉnh, học sinh được học lí thuyết và luyện từng kỹ năng với những thao tác cụ thể. Qua những bài cụ thể ấy, các em sẽ hiểu rõ hơn mình cần phải làm gì, làm như thế nào để đạt yêu cầu. Cái đích của các em vẫn là viết một bài văn nghị luận chứng minh hoàn chỉnh. Tuy nhiên lên lớp 8 các em mới bắt đầu tiếp xúc với kiến thức xây dựng đoạn văn. Việc vận dụng để thực hành cho các em có được luyện kỹ năng viết đoạn văn chứng minh đủ, đúng và hay thì con đường đi đến cái đích ấy không mấy khó khăn.

Từ những suy nghĩ trăn trở đó, tôi mạnh dạn trình bày một số kinh nghiệm nhỏ của mình trong việc dạy kiểu bài nghị luận chứng minh với đề tài: “Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận chứng minh cho học sinh lớp 8”.  Những mong có được đóng góp nhỏ trong việc đổi mới phương pháp dạy – học Ngữ Văn nói chung và dạy văn nghị luận chứng minh nói riêng ở lớp 8 trường THCS .

2. Tên sáng kiến : Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận chứng minh cho học sinh lớp 8.   

3. Tác giả sáng kiến :


4. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến:

       

5. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:

Sáng kiến được áp dụng trong phân môn dạy tập làm văn THCS

6. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử

 Đây là sáng kiến lần đầu được sử dụng nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực và cũng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng phát triển của chương trình giáo dục hiện nay.

Thời gian bắt đầu thử nghiệm: Tháng 9 năm 2018 đến nay

7. Mô tả bản chất sáng kiến :

7.1. Về nội dung của sáng kiến.

7.1.1. Cơ sở để xây dựng sáng kiến

Trong những năm gần đây, việc dạy văn đã và đang trở thành một vấn đề nóng bỏng ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội. Dư luận cho rằng: Đã có nhiều giờ dạy văn khá thành công, người thầy dường như nhập thân vào bài giảng và đã truyền được tình yêu văn chương đến học trò. Song cũng có không ít giờ văn kém hấp dẫn và tâm huyết ở người thầy đã vơi cạn cho nên học trò chưa thực sự thích thú. Tìm được hứng thú trong giờ dạy văn cho học sinh đã khó nhưng việc rèn kỹ năng viết văn nghị luận cho học sinh lại càng khó hơn.

Trong chương trình Ngữ Văn Trung học cơ sở, bộ môn ngữ văn cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng xây dựng các kiểu văn bản với những phương thức biểu đạt như: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và văn bản hành chính công vụ. Với phương pháp tích hợp, ở từng khối lớp các em được đọc – hiểu Văn bản trước mỗi bài, làm ngữ liệu để hình thành cách thức tạo lập kiểu văn bản phù hợp. Các kiểu văn bản tự sự miêu tả và biểu cảm các em đã được làm quen ở các lớp dưới (cấp Tiểu học),  nhưng kiểu văn bản nghị luận thì hoàn toàn mới do các em chưa được học. Lên học kì II  lớp 7, các em bắt đầu làm quen với kiểu văn bản này. Ở lớp 8 các em đã tiếp xúc dần với kiểu văn bản nghị luận trong đó có các yếu tố miểu tả, tự sự, nghị luận. các em càng lớn lên càng có khả năng nâng cao cấp độ nhận thức, hình thành và phát triển các năng lực đánh giá, nhận xét một vấn đề trong đời sống xã hội và một vấn đề văn học sau này (lớp 9).

Để làm bài nghị luận có kết quả tốt Văn nghị luận đòi hỏi các em phải có kiến thức sâu rộng, có óc suy luận, phân tích tổng hợp. Ngay buổi ban đầu (lớp 7) tiếp xúc với kiểu văn bản này, các em đã hiểu được khái niệm phương pháp làm bài Nghị luân thông qua nhiều hình thức học tập, đặc biệt là thực hành những bài nghị luận đơn giản, lên các lớp trên các em mới có thể tạo lập được một văn bản nghị luận đạt hiệu quả. Lớp 8 học sâu hơn khi các em biết xây dựng đoạn văn hoàn chỉnh.

Có thể nói một cách khách quan, kiểu bài nghị luận nói chung và kiểu bài nghị luận chứng minh nói riêng là mới và khó đối với học sinh THCS, nhất là đối với học sinh lớp 7,8. Bên cạnh đó người giáo viên lại muốn học trò của mình làm được những bài văn hay nhưng đó không phải là một việc dễ. Bởi để có một bài văn hay trước hết phải biết xây dựng được đoạn văn, biết kết hợp một cách chặt chẽ giữa các đoạn, phải viết đúng, (đúng theo nghĩa tương đối, nghĩa là trong khuôn khổ nhà trường). Hay và đúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bài văn hay trước hết phải viết theo đúng yêu cầu của đề bài, đúng những kiến thức cơ bản, hình thức trình bày đúng quy cách … Muốn thế người viết không chỉ phải chú ý đến nội dung mà hình thức cũng phải rõ ràng.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu nắm được tình hình học tập của học sinh về phần văn nghị luận chứng minh trong chương trình Ngữ văn 8, tôi đưa một số biện pháp cụ thể sau:

7.1.2. Các giải pháp cụ thể

7.1.2.1: Hướng dẫn học sinh nắm chắc kiến thức lý thuyết:

Để học sinh hiểu và làm đúng yêu cầu của đề thì tôi hướng dẫn học sinh lớp 8 học kiến thức cơ bản của kiểu bài, từ đó vận dụng lý thuyết đã học vào thực hành, vận dụng viết đoạn văn chứng minh. Cụ thể kết hợp giữa học bài mới và luyện tập.

  Để viết được đoạn, bài văn nghị luận chứng minh có sức thuyết phục thì giáo viên cần hướng cho học sinh nắm được các yêu cầu sau: 

     Dấu hiệu, qui ước khi viết đoạn văn: Đoạn văn là một phần của văn bản được tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống hàng.

Luận điểm: Luận điểm trong bài văn nghị luận là những ý kiến, quan điểm, tư tưởng mà người nói (người viết) nêu ra để khẳng định một luận đề.

Luận cứ: là lí lẽ và dẫn chứng làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn tiêu biểu thgif mới làm cho luận điểm có sức thuyết phục.

Lập luận: là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục

Văn nghị luận chứng minh: là một phép lập luận dùng lí lẽ và dẫn chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ luận điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.

Các lí lẽ, dẫn chứng  phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích, được sắp xếp theo trình tự hợp lí thì mới có sức thuyết phục.

Các bước làm bài văn nghị luận chứng minh:

 Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa chữa. Tùy theo từng dạng đề bài mà xác định vấn đề chứng minh, xác lập hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng. Trong văn chứng minh thì các dẫn chứng là chủ yếu và không thể thiếu

+ Viết được các đoạn văn mạch lạc, liên kết chặt chẽ các phần, các đoạn.

Qui trình xây dựng một đoạn văn chứng minh:

 Xác định luận điểm cho đoạn văn chứng minh.

+ Chọn lựa cách triển khai (qui nạp hay diễn dịch).

+ Dự định số luận cứ triển khai:

+ Triển khai các đoạn văn thành bài văn.

+ Chú ý liên kết về nội dung và hình thức.

7.1.2.2.  Hướng dẫn học sinh vận dụng lý thuyết vào viết đoạn văn.

* Luyện viết đoạn mở bài.

Trước khi học kiểu bài nghị luận chứng minh, học sinh đã được học, được làm bài tập làm văn hoàn chỉnh như kiểu bài tự sự, miêu tả, biểu cảm. Đến kiểu bài chứng minh, cách viết có nhiều điểm khác và viết mở bài cũng có những yêu cầu khác phù hợp với kiểu bài nghị luận chứng minh. Vì vậy, việc rèn kỹ năng viết đoạn văn mở bài là điều cần thiết và sẽ là điều kiện thuận lợi cho học sinh làm các kiểu bài nghị luận sau này (giải thích, phân tích, nghị luận tổng hợp...).

 Yêu cầu:

Mở bài phải giới thiệu cho người đọc thấy rõ vấn đề sẽ chứng minh trong bài. Mở bài nên gọn, tự nhiên, phù hợp với bài viết, gây được tâm thế cho cả người viết và người đọc.

Bài “Cách làm bài văn nghị luận chứng minh” (Sách giáo khoa Ngữ văn 7) có hướng dẫn ba cách mở bài sau đây:

+ Đi thẳng vào vấn đề.

+ Suy từ cái chung đến cái riêng.

+ Suy từ tâm lý con người.

Trong thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy các em được làm quen với ba cách mở bài trên, nhưng khi cho đề bài khác, các em rất vất vả, khó khăn khi thực hiện yêu cầu đầu tiên đó là viết mở bài. Các em không biết bắt đầu như thế nào? Viết cái gì? Viết ra sao?...

Sau khi các em làm quen với những cách mở bài trên, tôi đưa ra các đoạn văn mở  bài sai để học sinh nhận ra lỗi sai. Từ đó, học sinh có thể hiểu được yêu cầu của đoạn văn mở bài và viết đúng.

Bài tập : Có hai đoạn mở bài cho đề chứng minh:

“Ca dao là tiếng hát về tình cảm gia đình đằm thắm và ngọt ngào.”

a) Trong  gia  đình Việt Nam có những tình cảm ngọt ngào và đằm thắm. Thứ  tình cảm ngọt ngào, đằm thắm thiêng liêng ấy mà hầu như ai trong mỗi con người chúng ta đều có là tình cảm gia đình. Chính vì vậy, ta có thể khẳng định rằng: Ca dao là tiếng hát về tình cảm gia đình đằm thắm và ngọt ngào.

b) Chúng ta được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Trong lời ru của bà, của mẹ. Lòng nhân ái của cha. Những tình cảm đó được dân gian gửi gắm vào ca dao.

Hãy nêu nhận xét của em về những mở bài đó.

Hướng dẫn:

a. Nêu được vấn đề chứng minh nhưng cách diễn đạt chưa đạt yêu cầu.

Câu (1), (2) diễn đạt còn vụng, luẩn quẩn, không thoát ý, lặp từ "ngọt ngào đằm thắm".

          Câu (1), (2) chưa nói gì đến ca dao, vậy mà câu (3) đã khẳng định: "Ca dao là...".

b. Nêu vấn đề chứng minh song lại cụ thể, chi tiết, chưa có sức khái quát vấn đề. Sai ngữ pháp ở câu (2), (3).

* Giáo viên cho học sinh tham khảo các mở bài sau:

Cách 1: Để ca ngợi tình cảm của người lao động xưa, ca dao có nhiều bài nghe tha thiết và cảm động. Lời ca ngọt ngào và đằm thắm biết bao khi ngợi ca tình cảm gia đình.

Cách 2: Ca dao là cây đàn muôn điệu, là tiếng nói đời sống tình cảm tâm hồn đất Việt xưa. Những lời ca ấy diễn tả thật chân thành và xúc động về tình cảm của con người. Và tiếng hát về tình cảm gia đình trong ca dao ngọt ngào và đằm thắm biết bao.

Cách 3: Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng trong trái tim mỗi chúng ta, là cơ sở để giáo dục nhân cách con người. Cha ông ta rất coi trọng tình cảm con người và để lại những lời ca thật ngọt ngào đằm thắm ngợi ca tình cảm thiêng liêng ấy.

Có nhiều cách mở bài:

* Mở bài trực tiếp: Đi thẳng vào vấn đề chứng minh, đề bài yêu cầu chứng minh vấn đề gì thì viết luôn vấn đề đó. Cách này ngắn gọn, đúng vấn đề nhưng dễ khô khan.

* Mở bài gián tiếp:

Không đi thẳng vào vấn đề chứng minh mà dẫn dắt vấn đề bằng nhiều cách:

+ Nêu xuất xứ của vấn đề chứng minh, đưa ra một so sánh, một câu tục ngữ, ca dao, một câu nói hoặc trích dẫn thơ... (có nội dung tương đương).

+ Nêu lý do đưa đến bài viết (vấn đề chứng minh có cần thiết, có thiết thực với đời sống không?...)

Sau phần dẫn dắt là phần:

+ Nêu vấn đề chứng minh.

+ Phạm vi chứng minh.

+ Trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề chứng minh đã nêu ở đề bài.

Để có thể viết đúng, theo hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể thực hiện được yêu cầu. Song từ chỗ đạt yêu cầu ấy, học sinh cần vươn tới cái đích là viết hay. Vì vậy, giáo viên cần đưa ra các bài tập luyện diễn đạt - lựa chọn cách diễn đạt hay để phần mở bài đúng với vai trò của nó là làm cho người đọc có được ấn tượng ban đầu về bài viết, tạo âm hưởng chung cho toàn bài.

* Luyện viết phần thân bài:

 Thân bài là phần trọng tâm có nhiệm vụ:

+ Phát triển những ý chính đã nêu ở phần mở bài.

         Dùng lý lẽ và dẫn chứng (luận cứ) làm sáng rõ vấn đề nêu ở phần mở bài.

Thân bài gồm nhiều đoạn văn:

+ Mỗi đoạn văn chứng minh diễn đạt một ý cơ bản (luận điểm), ý này thường đặt ở đầu đoạn văn hoặc cuối đoạn văn. Nội dung các câu trong đoạn cần hướng vào nội dung của câu chủ đề (ý cơ bản - luận điểm) và có nhiệm vụ làm sáng rõ luận điểm ở câu chủ đề đó.

+ Trong đoạn văn chứng minh cần đảm bảo sự thống nhất giữa ý cơ bản của toàn đoạn và dẫn chứng, giữa dẫn chứng và lời văn phân tích.

Việc sử dụng dẫn chứng không theo nguyên tắc bình quân mà ý nào quan trọng thì đưa dẫn chứng nhiều, ý nào không quan trọng thì dùng dẫn chứng ít.

Có nhiều cách đưa dẫn chứng:

+ Dẫn trực tiếp: Dẫn nguyên văn một câu, một đoạn... chính xác như nguyên bản (khi sử dụng phải đặt trong dấu ngoặc kép và có chú thích khi cần).

+ Dẫn gián tiếp: Chỉ cần đại ý, đảm bảo đúng ý, không cần chính xác câu chữ như nguyên tác (khi phải tóm tắt câu chuyện, tóm tắt nhiều hành động, lời phát biểu hoặc một đoạn văn mà mình không thuộc...).

+ Có thể đưa dẫn chứng liệt kê (khi ý đã rõ ràng, hiển nhiên hoặc không cần chi tiết hoặc dùng dẫn chứng sau soi sáng cho dẫn chứng trước...).

+ Có thể đưa dẫn chứng kèm theo phân tích thuyết minh.

Bài tập : Hãy nhận xét cách đưa dẫn chứng ở hai đoạn văn sau:

      1. “Tiếng Việt trong cấu tạo của nó là một thứ tiếng khá đẹp. Nét đẹp ấy được tác giả Đặng Thai Mai khẳng định: Tiếng Việt là thứ tiếng giàu chất nhạc. Điều đó, khiến chúng ta nhớ đến các bài thơ, những áng văn sinh động, đa thanh, giàu chất nhạc trong kho tàng văn học Việt Nam. Ta hãy lắng nghe đoạn thơ sau:

"Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng".

Nhạc tính của Tiếng Việt đã tấu lên ở âm sắc, những thanh điệu, cú pháp đẹp đẽ, uyển chuyển, sinh động biết bao trong đoạn thơ ấy.”

® Đưa dẫn chứng trực tiếp.

      2. Trong cổ tích, bao giờ cái thiện cũng thắng cái ác. Cô Tấm sau bao lần chết đi sống lại rồi vẫn được làm hoàng hậu. Thạch Sanh qua bao lần oan khổ đã được làm vua. Chàng Sọ Dừa cuối cùng đoàn tụ hạnh phúc cùng cô Út dịu hiền...

                                                             (Bài làm của học sinh)

® Đưa dẫn chứng gián tiếp.

* Luyện tập đưa và phân tích dẫn chứng

Việc sắp xếp dẫn chứng rất quan trọng trong văn chứng minh. Đưa dẫn chứng nào trước, để dẫn chứng nào sau là một kỹ năng để bài viết mạch lạc, khoa học và nhiều khi còn thể hiện sắc thái tình cảm.

Bài tập  : So sánh hai đoạn văn

1. Tiếng hát ngợi ca tình cảm vợ chồng trong ca dao cũng ngọt ngào, tha thiết biết bao. Cuộc sống cơ cực, bần hàn đến nỗi họ phải dùng những thứ mà người khác bỏ đi, thế mà bằng cử chỉ âu yếm, chăm sóc cho nhau, những thứ đó trong bữa cơm đạm bạc của họ trở nên tuyệt ngon với niềm vui hạnh phúc:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”

Dù trong nghèo túng họ vẫn thương yêu, thuỷ chung với nhau:

“Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

Đó là sự thuỷ chung, son sắt, chia sẻ vất vả trong lao động cực nhọc, kiếm sống gian nan, nhưng họ vẫn hát lên tiếng ca đầy ân nghĩa:

 “Rủ nhau lên núi đốt than

Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành

Củi than nhem nhuốc với tình

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”

2. Tiếng hát ngợi ca tình cảm vợ chồng trong ca dao cũng tha thiết ngọt ngào biết bao. Đó là sự thuỷ chung chia sẻ vất vả trong lao động cực nhọc kiếm sống gian nan nhưng họ vẫn hát lên tiếng ca ân nghĩa:

“Rủ nhau lên núi đốt than

Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành

Củi than nhem nhuốc với tình

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”

Và dù trong nghèo túng, họ vẫn yêu thương thuỷ chung với nhau:

“Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

Cuộc sống cơ cực, bần hàn đến nỗi họ phải dùng những thứ mà người ta bỏ đi, bằng cử chỉ âu yếm, chăm sóc cho nhau, những thứ đó trong bữa cơm trở nên tuyệt ngon với niềm vui hạnh phúc:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”

Hướng dẫn:

Đoạn 1: Dẫn chứng sắp xếp như vậy sẽ có cảm giác trình bày lộn xộn, làm nhạt đi cảm xúc của người viết.

Đoạn 2: Dẫn chứng được sắp xếp theo thứ tự tăng dần (tình cảm vợ chồng thuỷ chung, ấm áp trong lao động cực nhọc - nghèo túng - bần hàn cơ cực).

* Luyện tập cách diễn đạt, trình bày.

         Giáo viên chỉ rõ cho học sinh thấy: nếu không có đoạn phân tích thì người đọc không thể hiểu được tại sao người viết lại dùng dẫn chứng này cho lập luận ấy. Để viết hay, hấp dẫn, người viết phải biết trình bày linh hoạt giữa hai yếu tố: dẫn chứng và phân tích.

Bài tập : Giáo viên đưa ra tình huống - Học sinh thảo luận

Có người nói: "Làm văn chứng minh cũng dễ thôi, chỉ cần nêu luận điểm và dẫn chứng là xong". Ví dụ sau khi nêu luận điểm "Tiếng Việt ta giàu đẹp", chỉ cần dẫn ra câu ca dao :

Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng...

Theo em, nói như vậy có đúng không? Để làm được văn chứng minh, ngoài luận điểm và dẫn chứng, còn cần phải có thể điều gì? Có cần chú ý tới chất lượng của luận điểm và dẫn chứng không? Chúng cần phải như thế nào thì đạt yêu cầu?

Hướng dẫn:

Giáo viên lưu ý cho học sinh thấy là qua câu trả lời, người nói tỏ ra không hiểu về cách làm văn lập luận chứng minh. Chứng minh trong văn nghị luận đòi hỏi phải phân tích, diễn giải sao cho dẫn chứng "nói lên" điều mình muốn chứng minh. Điều cần lưu ý nữa là dẫn chứng phải tiêu biểu. Câu ca dao trên làm theo thể lục bát, tiêu biểu cho Tiếng việt đẹp về thanh điệu, vần nhịp nhưng phải diễn giải thì điều cần chứng minh ở đó mới có sức thuyết phục.

* Luyện tập liên kết đoạn: Đoạn văn không tồn tại độc lập, riêng biệt mà  là một bộ phận của bài văn, khi viết đoạn, phải xác định xem đoạn văn ấy nằm ở vị trí nào của bài văn, có thế mới tạo được sự liên kết, liền mạch của bài viết.

Bài tập 1: Tìm hiểu cách liên kết đoạn của hai đoạn văn trong văn bản "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta".

“Lịch sử ta đã có những cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cùng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc..."

Hướng dẫn:

Hai đoạn văn cùng hướng về nội dung: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Đoạn 1: Tinh thần yêu nước của nhân dân trong quá khứ.

+ Đoạn 2: Tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hai đoạn văn liên kết liền mạch không chỉ bằng nôi dung của các câu văn mà tác giả còn sử dụng câu chuyển ý rất tự nhiên"Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước". Không chỉ có tác dụng liên kết mà còn diễn tả được lịch sử dân tộc anh hùng mang truyền thống yêu nước từ ngàn xưa được nối tiếp trong dòng chảy của thời gian, trong mạch nguồn sức sống của dân tộc.

Có nhiều cách liên kết đoạn (liên kết nội dung, liên kết hình thức...)

+ Các câu viết trên là liên kết nội dung.

+ Có thể dùng những quan hệ từ, những phụ từ để liên kết.

Bài tập 2: Hãy viết hai đoạn văn chứng minh trình bày hai ý sau:

1. Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có.

2. Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.

Ngoài những kỹ năng viết đoạn văn đã được rèn luyện nhiều, bài tập này chú ý kỹ năng liên kết đoạn. Với hai đoạn văn này, học sinh có thể dùng những câu liên kết đoạn như sau:

+ Văn chương không những gây ra cho ta những tình cảm mà ta không có mà còn luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.

+ Không chỉ đem đến cho ta những tình cảm ta không có mà văn chương còn làm cho những tình cảm ta sẵn có trở nên sâu sắc và thiết tha hơn

* Luyện viết đoạn kết bài.

Trong thực tế, tôi nhận thấy học sinh rất ít chú ý đến đoạn kết bài, chỉ tóm lược nội dung của bài hay liên hệ đôi câu công thức là xong. Đó là một thói quen xấu, làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng bài viết. Vì thế, giáo viên cũng cần dành thời gian thích đáng để học sinh được luyện viết đoạn văn kết bài.

* Kết bài phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

+ Phần kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần trên.

+ Kết bài nêu ra ý kiến khái quát, tổng hợp, đánh giá vấn đề đã trình bày.

* Có 4 cách kết bài:

+ Tóm tắt nội dung đã nêu ở thân bài.

+ Phát triển: Mở rộng thêm vấn đề đặt ra trong đề bài.

+ Vận dụng: Nêu phương hướng, bài học áp dụng hay phát huy, khắc phục vấn đề nêu trong bài.

+ Liên tưởng: Mượn ý kiến tương tự, những ý có giá trị để thay thế cho lời tóm tắt của người làm bài.

Yêu cầu của kết bài cũng giống như mở bài, không chỉ đúng mà còn phải hay. Muốn làm được điều đó, giáo viên phải luyện cho các em viết, phải cho các em ý thức được rằng nếu chưa có một kết bài ưng ý thì chưa bằng lòng vì bài viết chưa hoàn chỉnh.

Trong bài ‘‘Cách làm bài văn nghị luận chứng minh’’ có hướng dẫn viết đoạn kết bài tôi đưa ra một số bài tập như sau:

Bài tập 1: Nêu nhận xét của em về các đoạn kết bài của đề bài: Chứng minh "Ca dao là tiếng hát về tình cảm gia đình đằm thắm và ngọt ngào".

Kết bài 1: Những tình cảm trên chứng tỏ một tình cảm gia đình đằm thắm và ngọt ngào, thể hiện bằng những câu ca dao.                                                       

Kết bài 2: Tình cảm gia đình gắn bó ngọt ngào, đằm thắm được thể hiện rõ trong ca dao như những lời ca ngọt ngào, đằm thắm nhất. Thể hiện trong cuộc sống hàng ngày những tình cảm trong sáng.

Hướng dẫn: Cả 2 kết bài đều chưa đạt yêu cầu, chưa gây được tình cảm ấn tượng, tạo dư âm cho người đọc về bài viết.

Kết bài 1: Nhắc lại nội dung của vấn đề chứng minh - diễn đạt vụng về.

Kết bài 2: - Lỗi lặp từ, diễn đạt không thoát ý.

Bài tập 2: Hãy viết ít nhất hai kết bài cho đề bài sau:

Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Sau khi đã được giáo viên hướng dẫn, học sinh viết được những đoạn kết bài như sau:

1. Lòng biết ơn "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" - là phẩm chất đạo đức vô cùng cao quý và cần có trong mỗi con người. Nó sẽ trở nên sâu sắc, ý nghĩa khi được thể hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể. Ai cũng có lòng biết ơn, có lối sống ân nghĩa, thuỷ chung thì mọi người luôn sống gần nhau hơn, xã hội sẽ là một gia đình chung ấm áp biết bao!         (Nguyễn Phương Anh – 8E)

2. Bằng hình ảnh ẩn dụ giản dị, mộc mạc, câu tục ngữ cho ta bài học luân lý sâu sắc. Nó nhắc nhở chúng ta về đạo làm con, đạo thầy trò, nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc. Lòng biết ơn phải được khắc sâu vào tâm hồn mỗi chúng  ta, phải được gìn giữ bền vững mãi mãi cùng với thời gian.

                                                          ( Hoàng Khánh Chi -  8E)

Có thể nói rằng để viết được một bài văn đúng và hay là rất khó, bởi ngoài việc có kiến thức vững vàng nó còn đòi hỏi người viết phải vận dụng nhiều kĩ năng khác nhau. Nhìn chung các kĩ năng đó các em đã được học nhưng do đặc điểm lứa tuổi, cũng như thời gian thực hành còn hạn chế nên người giáo viên phải có biện pháp giúp các em thành thạo những kĩ năng đó mới mong các em vận dụng tốt được.

7.2 Về khả năng áp dụng của sáng kiến

         Khi áp dụng các giải pháp, biện pháp trên để hướng dẫn học sinh lớp 8 biết cách làm bài văn nghị luận chứng minh, năm học 2018 – 2019 tôi thấy học sinh có hứng thú học tập và tiến bộ ró rệt.  Quan trọng hơn là học sinh đã biết viết được bài văn nghị luận chứng minh đúng và hay.

Chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rất nhiều. Và trong năm học này điều đáng chú ý là một số em trước đây không viết được một đoạn văn hoàn chỉnh thì bây giờ cũng dễ dàng viết được đoạn, bài văn đạt yêu cầu.

Đề tài này tôi đã nghiên cứu và thực hiện tương đối thành công ở trường THCS Tích Sơn. Tôi nghĩ có thể áp dụng được ở một số trường THCS trong thành phố Vĩnh Yên.

8. Những thông tin bảo mật (nếu có): không

9. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến

Học sinh nắm được những bước cơ bản của của đoạn văn để viết tốt bài văn.

10. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử:

 Khi học sinh có kiến thức và kỹ năng tạo lập văn bản, các em sẽ có được sự tư duy logic trong nói, viết. Các vấn đề về xã hội sẽ được các em trình bày một cách ngắn gọn rõ ràng và có tính thuyết phục cao đối với người đọc, người nghe.

10.1. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

 Nắm được cách diễn đạt, và nắm được các bước viết đoạn văn thuyết minh, các  em sẽ biết vận dụng, liên hệ thực tế để làm tốt một bài văn nghị luận

10.1. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân:

Thực tế qua bài viết số 6 văn nghị luận có yếu tố biểu cảm lớp 8E (2018 - 2019) cho thấy  các em nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là:

       Kết quả

Kết quả khi chưa áp dụng:

Tổng số

Giỏi

Khá

Trung bình

Yếu-kém

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

40

0

0

06

15

20

50

14

35

 

Kết quả khi áp dụng:

Tổng số

Giỏi

Khá

Trung bình

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

40

2

0.5

8

20

24

60

6

15

Sau một thời gian giảng dạy lớp 8E trường THCS Tích Sơn tôi đã kịp thời tìm ra nguyên nhân vì sao bài làm văn nghị luận của các em chưa đạt kết quả chưa cao. Tôi nhanh chóng tìm ra giải pháp của bản thân cá nhân tôi mong rằng chất lượng bài làm của các em từng bước nâng cao dần lên. Học sinh đã có bước chuyển biến đáng kể cụ thể giảm tối đa hoc sinh yếu kém.

Trên đây là những định hướng của bản thân về phương pháp dạy học phân môn Tập làm văn thể loại văn nghị luận chứng minh được rút ra trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên việc vận dụng phương pháp dạy học có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi giáo viên, đối tượng học sinh ở từng địa phương. Vì thế trong quá trình dạy học, mỗi giáo viên cần linh hoạt trong việc thiết kế bài giảng, linh hoạt sử dụng phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học, phát huy tối đa khả năng tìm tòi sáng tạo của học sinh trong giờ học, chắc chắn chúng ta sẽ có được những thành công.

11. Danh sách những tổ chức/cá nhân tham gia áp dụng thử, hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu(nếu có):

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post