Skkn Biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tại trường tiểu học & Trung học cơ sở

 


Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: Biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tại trường tiểu học & Trung học cơ sở”.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (công tác Đội trường học.)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: ngày 18 tháng 09 năm 2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến: 

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói:

“ Vì lợi ích mười năm trồng cây

 Vì lợi ích trăm năm trồng người”

Câu nói ấy khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ, “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Người chịu trách nhiệm chính trong công tác giáo dục thế hệ trẻ là các thầy cô giáo và đặc biệt là giáo viên làm Tổng phụ trách, Phụ trách chi. Thành công của một tập thể - một Liên đội được xây lên bằng chính kết quả hoạt động của từng Chi đội. Nhất là trong xã hội hiện đại các em rất dễ nhiễm game, phim ảnh không lành mạnh dẫn đến sao lãng việc học tập và rèn luyện đạo đức.

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thông tin… thì giáo dục và đào tạo được coi là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ “Trồng người ” luôn được Đảng ta coi trọng. Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục đề ra Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", công tác Đội phải xây dựng mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục luôn có sự đổi mới và phù hợp với những yêu cầu của xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục toàn diện là giáo dục đức, trí, thể, mỹ là hoàn thiện nhân cách cho các em. Góp phần giáo dục được những con người có ý thức, có năng lực làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân và làm chủ xã hội trong tương lai là nhiệm vụ của tổ chức Đội hiện nay.

Các hoạt động của Đội trong nhà trường không chỉ tổ chức cho các em vui chơi giải trí sau thời gian học tập căng thẳng, mà còn giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra những sân chơi bổ ích “Học mà chơi, chơi mà học” và không tách rời nhiệm vụ học tập.

Đặc biệt là trường có 2 cấp học như trường Tiểu học & Trung học cơ sở.

Làm thế nào để tổ chức và phát huy một cách có hiệu quả các hoạt động của tổ chức Đội trong nhà trường? Làm thế nào để đội viên, thiếu niên, nhi đồng tự nguyện, tham gia tích cực các phong trào thi đua học tập và rèn luyện? Làm thế nào để gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập, rèn luyện đạo đức của thanh thiếu niên , nhi đồng? Đây luôn niềm trăn trở, băn khoăn của đội ngũ Tổng phụ trách Đội – những người thanh niên mang khăn quàng đỏ, người anh, người chị, người bạn đồng hành của thiếu nhi.

Đẩy mạnh phong trào “Thiếu nhi Bình Long thi đua làm theo 5 điều Bác dạy” là một trong trọng tâm công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2020 – 2021 của Hội đồng Đội thị xã Bình Long. Vấn đề luôn mới mẻ, bởi lẽ các em phải hiểu được ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy, từ việc hiểu ý nghĩa dẫn đến những hành động, việc làm cụ thể, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu quý lao động, giữ gìn vệ sinh và tính kỷ luật trong học tập và việc chấp hành nội quy nhà trường. Giáo dục thiếu niên nhi đồng qua 5 điều Bác Hồ dạy cần người tổ chức giáo dục có sự sáng tạo, mô hình phù hợp, xây dựng chương trình có tính nhân  văn cao, có giá trị đạo đức thuyết phục. Đây cũng là tính mới của sáng kiến.

Trong quá trình công tác, dựa vào thực tế tổ chức mô hình hoạt động Đội tại trường, tôi xin giới thiệu sáng kiến hoạt động Đội mang lại hiệu quả cao: “Biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tại trường tiểu học & Trung học cơ sở”.

5.2. Nội dung sáng kiến:

5.2.1. Thực trạng.

Liên đội Tiểu học & Trung học cơ sở Thanh Phú có tổng số học sinh 634 em, trong đó 290 nữ. Liên đội luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát kịp thời của Chi bộ - Ban giám hiệu nhà trường, của lãnh đạo Phòng giáo dục, của Đoàn - Đội cấp trên, của chính quyền địa phương.

Đội ngũ giáo viên nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Học sinh chăm ngoan lễ phép và tham gia tốt các phong trào do nhà trường và liên đội tổ chức, phụ huynh học sinh quan tâm và có ý thức tốt trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Đội viên trong liên đội luôn sôi nổi, hăng hái tham gia mọi hoạt động nêu cao tinh thần đoàn kết:

Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Ngay từ đầu năm, Tổng phụ trách Đội đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi, dự thảo các mô hình hoạt động trọng điểm, xuyên suốt năm học - đây là vấn đề then chốt để các mô hình họat động Đội của liên đội ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình tổ chức giáo dục đạo đức cho học sinh. Bởi trường Tiểu học & Trung học cơ sở Thanh Phú mới sáp nhập từ tháng 7 năm 2019 đến nay. Tuy sáp nhập nhưng 2 cấp ở 2 điểm khác nhau. Đa số giáo viên Phụ trách chi là người đã có gia đình lại lớn tuổi, phần lớn làm kinh tế vườn và xem đây là nguồn thu nhập chính khi hết thời gian trên lớp. Mặt khác, đối tượng hoạt động là những em nhi đồng lớp 1 đến thanh thiếu niên lớp 9 trình độ tiếp thu khác nhau, do đó đòi hỏi Tổng phụ trách, Phụ trách chi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian.

Bản thân các đồng chí giáo viên phụ trách chi chưa được đào tạo qua trường lớp và chuyên môn công tác Đội, không ít giáo viên còn xem nhẹ công tác Đội trong trường học nên kết quả một số hoạt động phong trào Đội chưa cao.

  5.2.2. Các giải pháp

Với hiệu quả của sáng kiến: “ Biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tại trường tiểu học & Trung học cơ sở”trong nhà trường, dựa vào thực tế tại liên đội, tôi xin giới thiệu sáng kiến nêu trên với biện pháp cụ thể sau đây:

5.2.2.1. Công tác tham mưu ( đối với Ban giám hiệu).

Ngay từ đầu năm được sự chỉ đạo của hội đồng đội thị xã Bình Long về công tác Đội tại trường tiểu học và Trung học cơ sở. Tôi đã chủ động tham mưu với Ban giám hiệu về công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng theo 5 điều Bác Hồ dạy và lên kế hoạch định hướng cụ thể từng hoạt động theo tuần, tháng năm một cách cụ thể. Ngoài ra tham mưu Ban giám hiệu nhà trường đặt báo người Tổng phụ trách, báo Măng non, báo Khăn quàng đỏ để tham khảo học hỏi kinh nghiệm của Tổng phụ trách các trường bạn.

5.2.2.2. Đối với hội đồng sư phạm.

Việc phổ biến nội dung giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng cho tập thể giáo viên trong nhà trường và để mọi người hiểu đây là một hoạt động lớn của Đội, một mình Tổng phụ trách không thể nào làm được mà phải cần đến sự hỗ trợ của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì, thầy cô là những người gần gũi các em hàng ngày, tiếp xúc trực tiếp với các em nhiều, trong ánh mắt các em, thầy cô là những người mẫu mực nhất, có uy tín rất lớn đối với các em. Vì vậy tôi làm công tác tham mưu với Ban giám hiệu thành lập Hội đồng Phụ trách chi.

Nếu chúng ta được sự hỗ trợ của thầy cô là chúng ta đã giải quyết được một nửa công việc mà chúng ta muốn truyền đạt đến cho các em. Do đó, sau khi thống nhất với Ban giám hiệu nhà trường, tôi mạnh dạn đưa nội dung này thảo luận trong hội đồng sư phạm nhân dịp đầu năm, cụ thể là gắn với kế hoạch các khối, lớp hàng tháng.

5.2.2.3. Đối với các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng.

a. Bồi dưỡng ban chỉ huy đội các cấp.

Sau khi xây dựng được kế hoạch dựa theo nội dung chương trình mà Hội đồng đội ban hành, chuẩn bị đầy đủ tư liệu về công tác giáo dục các em theo 5 điều Bác dạy, tiến hành mở lớp bồi dưỡng ban chỉ huy đội các cấp, nội dung tập trung bồi dưỡng các em có khả năng tổ chức, tính chỉ huy, tính kỷ luật tự giác, tính tự quản cao.

Tham mưu BGH nhà trường triển khai kế hoạch trong buổi họp Ban chỉ huy liên, chi Đội để các em thực hiện tại chi đội mình. Bồi dưỡng Ban chỉ huy tốt sẽ giúp cho Tổng phụ trách rất nhiều trong việc chỉ đạo và hướng dẫn cho các bạn đội viên trong toàn trường.

b. Triển khai đến đội viên, thiếu niên, nhi đồng.

Tuyên truyền cho tất cả các em đội viên trong liên đội về chương trình năm học, những yêu cầu cơ bản cần đạt được theo 5 điều Bác Hồ dạy, giúp Ban chỉ huy liên đội, chi đội xây dựng kế hoạch và nhắc nhở đội viên thực hiện cụ thể như sau:

   b.1. Học sinh nắm được nguồn gốc, xuất xứ 5 điều Bác Hồ dạy:

  Muốn các em thực hiện tốt lời Bác dạy, thì trước hết phải cho các em biết 5 điều Bác Hồ dạy xuất xứ từ đâu, nội dung từng điều như thế nào? Phần này, bản thân tôi đã sưu tầm ở Tạp chí Người phụ trách Đội, mạng Internet để triển khai đến các em trong buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đội, sinh hoạt chủ điểm.

  b.2. Giúp học sinh thuộc và nhớ 5 điều Bác Hồ dạy:

Để giúp học sinh thuộc 5 điều Bác Hồ dạy bản thân tôi đã tham mưu với BGH nhà trường để mỗi lớp học đều có gắn bảng 5 điều Bác Hồ dạy trang trí ở nơi các em dễ nhìn và học thuộc.

Liên đội quy định: Khối tiểu học thì khi giáo viên bước vào lớp cả lớp đứng dậy chào giáo viên sau đó đồng thanh đọc 5 điều Bác Hồ dạy.

Khối THCS: Sau khi xếp hàng vào lớp (15 phút đầu giờ) Ban chỉ huy chi đội cho cả lớp đọc 5 điều Bác Hồ dạy.

5.2.2.4 Các hình thức giúp các em thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

  a. Hình thức giúp các em thực hiện: “Lòng Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Đây là điều đầu tiên Bác Hồ dạy những công dân nhỏ tuổi phải biết yêu tổ quốc mình, phải biết yêu đồng bào mình. Bác dạy các em rèn luyện để đạt phẩm chất đầu tiên của một công dân - con người được sống trong dân tộc và chính Bác đã đặt tình yêu đó lên trên hết, đã coi toàn thể nhân dân Việt Nam là đồng bào. Người đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quí báu của dân tộc ta”. Để thực hiện lời dạy này tôi đã chú trọng tổ chức các hình thức:

* Giúp các em hiểu biết một số sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước:

- Bằng hình thức tuyên truyền các ngày lễ lớn của dân tộc trước cờ, thông qua nhóm phát thanh măng non, câu lạc bộ ông kể cháu nghe…,

- Tổ chức giờ chào cờ đầu tuần hướng về Tổ Quốc một cách trang nghiêm, ý nghĩa ngay từ tuần học đầu tiên của năm học và duy trì đến cuối năm học.

- Tổ chức tốt các ngày sinh hoạt chủ điểm lịch sử trong năm, nội dung trong giờ sinh hoạt không chỉ đơn thuần là bài tuyên truyền đọc suông trên diễn đàn, mà tôi còn lồng ghép các nội dung khác như văn nghệ theo chủ đề, thi tìm hiểu thông qua một mô hình sân chơi để các em khắc sâu hơn kiến thức. Ngoài ra, để thực hiện tốt giờ sinh hoạt chủ điểm, tôi còn phát động cho các em sưu tầm tài liệu, tranh ảnh... theo chủ điểm đó.

- Giúp các em nắm bắt về Lịch sử dân tộc thông qua việc tổ chức thực hiện tốt trong chương trình Rèn luyện đội viên, hội thi vẽ tranh “ Việt Nam – Cu Ba thắm tình đoàn kết”do Hội đồng Đội trung ương phát động. Sau khi triển khai thực hiện tôi đã kiểm tra, đánh giá và khen thưởng những em có bài làm tốt để động viên, khích lệ.

·Minh hoạ: Đây là một trong những bức vẽ được tuyên dương trước cờ của em Thị Sơ Hy học sinh lớp 9A.

                         

 

Để thể hiện lòng yêu đồng bào, trước hết phải giáo dục cho các em hiểu về cội nguồn, biết truyền thuyết lịch sử của dân tộc Việt Nam được sinh ra trong một bọc trứng, cùng một bào thai. Kể cho các em nghe câu chuyện “Trăm trứng nở trăm con” và giới thiệu sách để các em cùng tìm đọc.

Thể hiện lòng yêu đồng bào còn là tình yêu làng xóm, yêu tổ tiên, yêu người thân, yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Thông qua các hoạt động như vệ sinh trường, lớp, đường làng, các hoạt động của phong trào xây dựng trường học thân thiện, lớp học thân thiện, học sinh tích cực, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ miền Trung bị lũ lụt, phong trào cây mùa xuân cho bạn; ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn…

· Minh hoạ: Sinh hoạt đầu tháng 10 tôi cho một số em trong ban chỉ huy liên đội và nhóm phát thanh măng non thực hiện.

Đặt câu  hỏi như: Đố bạn nào biết trong tháng 10 có ngày lễ lớn nào?

+ Ngày 20 – 10 Chào mừng ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam.

+ Ngày 15 – 10 Chào mừng ngày thành lập Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Chủ điểm của tháng 10 là: “Chăm ngoan- học giỏi”.

Kể câu chuyện: “Người mẹ nhường sự sống cho con”.

- Sau đó gợi ý các câu hỏi để các bạn trả lời:

+ Biết nghề nghiệp của cha mẹ, công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.

+ Biết làm việc tốt để vui lòng cha mẹ.

+ Thể hiện các việc làm của người con hiếu thảo, lễ phép, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ.

+ Biết về gương đoàn viên thanh niên cộng sản như chị Võ Thị Sáu, Lý tự Trọng.

 b. Làm thế nào để giáo dục các em:“Học tập tốt, lao động tốt”?

Từ việc định hướng cho Các em thiếu niên, nhi đồng luôn “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Điều thứ hai Bác dạy các em phải “học tập tốt, lao động tốt”, nghĩa là học phải đi đôi với hành. Học tốt để trở thành người lao động tốt, nâng cao trí thức đồng thời phải gắn liền với thực tiễn. lời dạy của Bác nhưng cũng là phương châm giáo dục của Đảng ta để Đoàn, Đội tổ chức các phong trào thiếu nhi luôn gắn liền với công tác giáo dục thế hệ trẻ với các hoạt động để các em trưởng thành.

Học tập tốt là nhiệm vụ hết sức quan trọng của người học sinh, Bác luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, vào công sức học tập của các em bằng sự quan tâm sâu sắc. Ngoài việc học tốt ở lớp theo sự hướng dẫn của thầy cô giảng dạy, các em còn phải thi đua tham gia các hoạt động ngoại khoá để nâng cao kiến thức. Về nhà, học bài, chuẩn bị bài đầy đủ, siêng đọc sách, vận dụng tốt những điều đã học vào thực tế cuộc sống.

Để giúp các em học tập tốt, trước hết, là tạo cho các em một môi trường học tập thân thiện. Đó là thực hiện tốt cuộc vận động của ngành giáo dục trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với nội dung này, về phía công tác Đội, tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường phát động xây dựng lớp học thân thiện, tạo sự đoàn kết thân ái trong tập thể lớp, trang trí cây xanh và trưng bày hình ảnh hoạt động của lớp để tạo không khí lớp học được sáng hơn.

Đi đôi với học tập là lao động, lao động tốt sẽ giúp rèn luyện thân thể, “tuỳ theo sức của mình” để tham gia lao động ở trường, ở nhà, lao động phục vụ bản thân, gia đình và tập thể.

Trước hết là giáo dục các em biết yêu lao động tránh thói lười biếng, các em hay trốn né trách nhiệm là các em chưa phát huy năng lực của mình. Trong các buổi lao động của lớp nên phân công, giao việc cụ thể, có lời động viên để các em hăng hái.

Định kỳ, mỗi chi đội phải được tham gia một buổi lao động chủ nhật xanh, thứ bảy tình nguyện nhằm xây dựng môi trường học đường do nhà trường tổ chức.

· Minh hoạ:            

 

Tóm lại thực hiện lời dạy của Bác “Học tập tốt, lao động tốt” thì phương thức cơ bản thực hiện đối với thiếu niên, nhi đồng là bất cứ khi thực hiện yêu cầu, nội dung nào đều phải đi từ việc học tập để hiểu biết kiến thức, nội dung đó rồi đến sự phấn đấu rèn luyện thể hiện qua các hoạt động học tập, vui chơi, lao động….trong tập thể và sinh hoạt hàng ngày của từng cá nhân. Để từ đó tự đánh giá kết quả hay được tập thể đánh giá, công nhận. Đây là quá trình khép kín có tính logic đảm bảo đúng yêu cầu giáo dục.

 c. Vì sao phải “Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt”?

Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo nên những thắng lợi trong mọi hoạt động của tập thể. Đối với thiếu niên, nhi đồng thực hiện lời dạy của Bác nghĩa là xây dựng tình bạn tốt, thương yêu lẫn nhau và có ý thức kỷ luật trong tập thể. Từ đó để học tốt, rèn luyện tốt, hoạt động tốt và biết yêu thương để trưởng thành.

· Minh hoạ: Để giáo dục các em tinh thần đoàn kết, tôi đã đưa ra nhiều phong trào hoạt động mang tính thi đua tập thể để từng thành viên trong lớp cùng chung tay: Phong trào kế hoạch nhỏ, phong trào heo đất tình thương, thi đua tuần học tốt qua 2 chặng, chặng 1 từ 14/9/2020 đến 31/12/2020; chặng 2 từ 4/1/2021- 15/5/2021, nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong các em. Có thi đua thì có khen thưởng, tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu khen thưởng hàng tháng cho các tập thể xếp loại xuất sắc dẫn đầu về nề nếp, khen thưởng theo học kỳ và đợt thi đua. Cụ thể đợt 1 tặng giấy khen và tiền thưởng cho tập thể lớp 6C đạt lớp xuất sắc toàn diện, 3 tập thể đạt xuất sắc về phong trào thi đua của liên Đội: 9B, 8A, 9A.

Ngoài ra, để các em thấm nhuần hơn lời dạy của Người, mỗi buổi tập huấn Ban chỉ huy, tôi đều phát động sưu tầm các câu nói, lời dạy của Bác trong đó có lời dạy về tinh thần đoàn kết.

Kỉ luật là sự tự rèn luyện giúp chúng ta tự sửa chữa, tạo khuôn nếp, giúp chúng ta trở nên hoàn hảo hơn”. Bác cũng đã thực hiện rất tốt tính kỉ luật trong đời sống và công việc. Ý thức kỉ luật cũng là điều hết sức quan trọng của người học sinh trong nhà trường. Ngay từ ngày đầu năm học, các em đã được triển khai về những nội quy, quy định ở trường, đội sao đỏ cũng đã được thành lập nhằm theo dõi mọi nề nếp sinh hoạt trong nhà trường của các lớp, các em đã biết tự quản tốt, chấp hành nội qui của trường. Ngoài ra, Liên đội cũng đã thành lập các nhóm giúp bạn học tốt, đôi bạn cùng tiến để các em đoàn kết và biết giúp đỡ nhau trong qua trình học tập cũng như khi các bạn bị bệnh tật, đau ốm không đến trường được thì các em đã cùng nhau đến thăm và động viên bạn mình….

 d. Làm gì để “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”?

Đây là điều Bác chăm lo cho mọi trẻ em đều có sức khoẻ tốt, được sống trong môi trường sạch đẹp, điều rất căn bản là Bác dạy trẻ em phải biết thực hiện xây dựng cuộc sống của mình có sức khoẻ, có môi trường sống đẹp tốt lành và cả giữ gìn sự trong sạch của lời nói, hành động đẹp trong cuộc sống của mỗi con người nhất là tuổi trẻ. Đến nay ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu đến môi trường sống, bệnh dịch Covit - 19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam chúng ta làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống thì chúng ta lại càng thấm thía lời dạy của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng là “giữ gìn vệ sinh thật tốt”.

Giữ gìn vệ sinh tốt là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ cho mình và một phần cho người khác. Hiện nay, vấn đề môi trường luôn được nhiều người quan tâm. Môi trường học đường cũng là việc cần tập trung để xây dựng trường học thân thiện, phòng chống bệnh dịch cũng là vấn đề cấp bách, “Chống dịch như chống giặc”. Thực hiện năm không của bộ y tế cũng là giữ vệ sinh cho mình, bảo vệ sức khoẻ cho mình, đồng thời cũng là bảo vệ sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng. Việc giữ vệ sinh phải đi đôi với việc rèn luyện sức khoẻ để phát triển thể lực và trí tuệ. Các em không những giữ vệ sinh cho mình mà còn có trách nhiệm giữ vệ sinh tốt trong cộng đồng.

Thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước đại dịch COVID-19! Để thực hiện tôi đã tổ chức hội thi vẽ tranh phòng chống dịch Covit – 19. Đây là một số hình ảnh các em vẽ trong cuộc thi.

  

Trước hết tôi đã xây dựng cho các em có ý thức, thói quen vệ sinh trường, lớp, không vứt rác bừa bãi, biết nhặt rác bỏ vào thùng. Trực nhật đúng giờ, tham gia dọn vệ sinh khu vực được phân công trước buổi học. Hàng tháng, các lớp tham gia lao động chăm sóc cây xanh, bồn hoa theo kế hoạch. Hướng dẫn các em biết cách xử lý các tình huống cấp cứu thông thường. tạo cho các em thế chủ động trước những sự cố làm ảnh hưởng, hoặc làm hại đến sức khoẻ và phẩm chất của mình.

·  Minh hoạ: Tháng 12 tôi xây dựng chuyên đề “Phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích” trong tiết chào cờ thân thiện.

Chương trình cụ thể:

- Cán bộ nói về các vụ đuối nước và tai nạn đáng tiếc xảy ra trong cả nước thời gian qua.

- Tình hình đuối nước tại địa phương.

  

-   Kể câu chuyện giáo dục kỹ năng sống “ Giáo sư và ông lái đò”.

-   Qua câu chuyện rút ra bài học cho bản thân như thế nào?

-   Hướng dẫn các em xử lý một số tình huống khi cứu đuối và tai nạn thương tích thường xảy ra.

-   Học sinh được thực hành tại chỗ.

-   Vận động các em tham gia các lớp học bơi tại địa phương.

Vệ sinh tốt còn thể hiện ở việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, tác phong gọn gàng, sạch sẽ. Tôi đã phối hợp với nhân viên chữ thập đỏ nhà trường tuyên truyền các bệnh như sốt xuất huyết, phòng bệnh theo mùa, vệ sinh an toàn thực phẩm... để giúp cơ thể phòng tránh một số bệnh.

 e. Giáo dục các em “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Đây là ba đức tính cần có trong mỗi con người. Bác mong mỗi trẻ em nước ta luôn luôn rèn luyện để dạt được những phẩm chất của con người nói chung, gắn với phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh. Để các em thực hiện tốt lời dạy này, sau khi giảng giải bằng lí thuyết, tôi đã chú trọng phương pháp nêu gương, biểu dương đức tính của các em để cùng nhau học tập.

Tổ chức sinh hoạt liên đội dưới cờ: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương tốt”. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời phong trào “Nhặt được của rơi trử lại người đánh mất”, phong trào “ giúp bạn học tốt”. Ngoài ra còn kết hợp với thư viện trường giới thiệu sách, vẽ tranh theo bìa sách…

Các em còn nhỏ tuổi, hình thức giáo dục tốt nhất ở đây là phương pháp nêu gương để các em bắt chước, làm theo. Qua những câu chuyện mà các em đã được nghe dưới cờ, cũng là động lực để thúc đẩy việc làm tốt của các em, hiểu được điều Bác dạy về đức tính thật thà dũng cảm.

·  Minh Họa:

Học kì I vừa qua em Đặng Thị Ngọc Hoa học sinh lớp 8B nhặt được 500.000đ đã đưa cho Tổng phụ trách trả lại cho em Phan Thị Trúc Ly học sinh lớp 9A. Em Dương Thanh Lâm học sinh lớp 9A, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em vẫn cố gắng vươn lên và kết quả 9 năm liền em là học sinh giỏi, là Liên đội trưởng từ lớp 6 đến lớp 8. Em giúp đỡ bạn trong lớp cùng tiến bộ như em Trần Kim Anh, Phạm Bảo Trân và đến năm nay thì Trân và Lâm đều đạt học sinh giỏi cấp thị môn Giáo dục công dân và Ngữ văn. Điều đáng nói là các em đang ôn thi chuẩn bị thi cấp Tỉnh vào tháng 3 năm 2021.

5.2.2.5. Công tác kiểm tra.

Khi đã có trong tay một đội viên tiên phong, sẵn sàng đi đầu trong mọi hoạt động, chúng ta không nên coi nhẹ trách nhiệm của mình về công tác kiểm tra, đôn đốc các em.

Chúng ta có nhiều cách triển khai sinh hoạt khác nhau. Ví dụ như đi cùng với đội sao đỏ để quan sát. Nếu các em làm đúng ta cần tuyên dương khen thưởng kịp thời, công khai. Nếu các em có sai sót thì ta không nên trách cứ các em mà giảng giải cho các em nhận ra chỗ sai của mình, rút kinh nghiệm lần sau.

Chúng ta cần chủ động bám sát tình hình hoạt động của các em. Tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường, kết hợp với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm( Phụ trách chi) tạo điều kiện tốt cho các em học tập và rèn luyện. Chỉ đạo và xử lý kịp thời những vướng mắc của các em trong quá trình thực hiện.

·  Minh hoạ:

Đề cao ý thức phê bình và tự phê bình, tuyên dương nhắc nhở kịp thời những hành vi sai phạm một cách cởi mở và dân chủ.

Mỗi tháng bình chọn lớp xuất sắc. Tuyên dương dưới cờ, đồng thời động viên các lớp khác noi theo.

Mỗi học kì tôi có tổng kết và tham mưu Ban giám hiệu phát thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu như bạn: Nguyễn Thị Ngọc Hoa lớp 8B, Dương Thanh Lâm 9, Đặng Thị Ngọc Dung lớp 6A…

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến: Sáng kiến này có thể áp dụng cho các trường Tiểu học & Trung học cơ sở trong toàn tỉnh Bình Phước.

6. Những thông tin cần được bảo mật: không có 

7.  Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

Để có được điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và sự nhiệt tình của đội ngũ Phụ trách chi, sự hăng hái thi đua của học sinh thì bản thân người phụ trách Đội như tôi, đã tham mưu với Ban giám hiệu trường để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, kinh phí tổ chức và đồng nhất trong hoạt động.

Bản thân Tổng phụ trách biết cách sắp xếp công việc, lên kế hoạch một cách khoa học, sáng tạo, tìm tòi nhiều mô hình, sáng kiến, kích thích sự sáng tạo, chủ động và thu hút thiếu niên nhi đồng tham gia.

8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

Học kì I năm học 2020-2021 việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy ở liên đội Tiểu học & Trung học cơ sở Thanh Phú đã có những biến chuyển rõ rệt. Khi chưa có sáng kiến về công tác giúp thiếu niên, nhi đồng hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thì hầu như các em học sinh tham gia thực hiện một cách đối phó không hiệu quả. Các em không hứng thú sau mỗi lần sinh hoạt, các em như bị ép buộc phải tham gia.

Nhưng sau khi đưa sáng kiến Biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tại trường tiểu học & Trung học cơ sở”  áp dụng  thực tế tại trường thì nề nếp học sinh được ổn định, các em ngoan, lễ phép và học tập hiệu quả hơn.

Sự gắn kết giữa Tổng phụ trách và Phụ trách chi (là giáo viên chủ nhiệm) khối, lớp giữa Tiểu học và Trung học cơ sở trong việc hỗ trợ giúp các em thực hiện tốt 5 điều bác Hồ dạy trường đạt hiệu quả.

Học kì I vừa qua đã khen thưởng 31 em học sinh giỏi, 80 em tiên tiến. 10 em đạt học sinh giỏi cấp thị xã và chuẩn bị thi cấp tỉnh vào tháng 3 năm 2021. Đặc biệt là em Dương Thanh Lâm Học kì I năm học 2020 – 2021 Lâm đã đạt học sinh giỏi nhất trường được các bạn tin yêu.

Để đạt được những kết quả nêu trên, tôi đã rút ra được một số bài học sau:

1.   Trước hết Tổng phụ trách phải tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, với đội ngũ giáo viên trong trường.

 2. Bản thân người Tổng phụ trách phải suy nghĩ tìm tòi cách thức làm sao cho phù hợp với đơn vị mình, người Tổng phụ trách phải thực sự là người yêu nghề, tìm mọi biện pháp để đưa phong trào ngày một tốt hơn. Chăm lo xây dựng củng cố tổ chức, phấn đấu đạt danh hiệu liên đội mạnh. Không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi những kỹ năng cơ bản cần thiết trong công tác thiếu nhi, nghiệp vụ công tác Đội.

3. Kiểm tra hướng dẫn lựa chọn và bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, nhất là đội ngũ Ban chỉ huy Đội để hỗ trợ cho mình trong việc theo dõi, nhắc nhở Đội viên và tổ chức các hoạt động Đội

4. Tổng phụ trách phải có sự sáng tạo, nhạy bén trong công việc, phải là người tìm ra những phương pháp để giúp các em tham quan thực tế thường xuyên. Quan tâm hướng dẫn các em đội viên phấn đấu thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy, đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ các cấp.

5. Phải đánh giá được việc làm của các em học sinh, tuyên dương, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập và rèn luyện đạo đức.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post