Skkn Biện pháp nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2

 


 

1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: Biện pháp nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (Đạo đức)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 09/9/2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

 5.1.Tính mới của sáng kiến:

    5.1.1. Thực trạng:

        Môn Đạo đức là một trong những môn học bắt buộc để giáo dục nhân cách cho học sinh, nó là môn học cơ bản trang bị cho học sinh các chuẩn mực đạo đức, lối sống lành mạnh và cách sống có lí tưởng. Từ đó, các em biết cách vận dụng hành vi, chuẩn mực đạo đức đó vào cuộc sống.   

        Mục tiêu của môn Đạo đức ở lớp 2 là giúp cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và thẩm mĩ cơ bản, phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của các em với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo những chuẩn mực hành vi đạo đức đó. Nó từng bước hình thành cho học sinh kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh, lựa chọn và thực hiện các chuẩn mực hành vi đạo đức trong những tình huống cụ thể của cuộc sống; biết nhắc nhở bạn bè và người thân cùng thực hiện. Không những thế, nó còn hình thành thái độ tự trọng, tự tin, yêu thương, quý trọng con người; yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái chưa đúng, chưa tốt.   

         Tôi đã giảng dạy trong ngành giáo dục được 30 năm, trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy chất lượng học tập và thực hành môn Đạo đức của học sinh chưa đạt kết quả cao. Một số em có những biểu hiện chưa tốt trong cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè; có em chưa vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh chị, chưa có ý thức tự quản, bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh chung cho trường lớp và nơi công cộng,... Những tình trạng ấy vẫn xảy ra ở học sinh với các mức độ khác nhau. Đặc biệt có những em khi ở trên lớp thì có biểu hiện ngoan, lễ phép,... nhưng ngược lại về nhà thì lại chưa vâng lời, nói năng chưa lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị. Mặt khác, một số phụ huynh do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa quan tâm, giúp đỡ, động viên và khích lệ con em mình thực hiện những hành vi đạo đức đến nơi đến chốn; chưa tạo được mối liên hệ giáo dục thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Họ đã “khoán trắng” việc chăm sóc, giáo dục con em mình cho nhà trường.  

     5.1.2. Tính mới:

        Trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho học sinh không phải là vấn đề đơn giản. Trong xã hội có nhiều phim ảnh, mạng xã hội,... có nội dung không chuẩn mực với hành vi đạo đức đã tác động không tốt tới các em học sinh.Tâm lí học sinh Tiểu học thích “bắt chước” nên hành vi đạo đức của các em có thể thu nhận qua việc giao tiếp, qua tranh ảnh, sách báo, truyện, đài, phim, kịch,... Nhưng các em chưa biết phân biệt để lựa chọn hành vi đạo đức phù hợp cho mình mà lại bắt chước cái xấu, trái với chuẩn mực hành vi đạo đức một cách vô thức. Do đó, đòi hỏi người thầy phải có những phương pháp giáo dục phù hợp, giúp đỡ học sinh phát triển nhân cách một cách hoàn thiện, tránh cho các em tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, làm sao để cho các em có được lối sống thích nghi với thời đại. Song cũng cần phải cho học sinh thấy được những nét đẹp, những truyền thống cao quý của dân tộc. Chính vì điều đó, trong thời gian qua, tôi đã suy nghĩ để tìm ra biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2.

       Khi nhìn nhận thấy học sinh bị lệch chuẩn hành vi đạo đức, tôi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của các em, các yếu tố dẫn đến hành vi lệch chuẩn đó; tôi đến từng nhà của học sinh để tìm hiểu thêm nguyên nhân tác động đến các em, thường xuyên trao đổi với gia đình của học sinh để nắm bắt tình hình của các em khi ở nhà. Bằng tình yêu thương thực sự của mình, tôi luôn gần gũi chia sẻ, thông cảm, động viên, giúp đỡ, giáo dục các em.

       Khi giảng dạy, tôi luôn tìm các phương pháp phù hợp lồng ghép lại với nhau để giáo dục các em một cách hoàn mĩ nhất.

       Tâm lí học sinh Tiểu học thường thích bắt chước nên tôi thường xuyên lên Internet sưu tầm các tranh ảnh, clip,... có nội dung giáo dục lành mạnh phù hợp với nội dung bài giảng cũng như các hoạt động ngoại khóa để lồng ghép giáo dục các em.    

       Năm học 2020-2021, tổng số học sinh lớp tôi chủ nhiệm là 36 em, qua giao tiếp, khảo sát đầu năm học (chưa áp dụng biện pháp của sáng kiến) học sinh hoàn thành tốt 10 em, đạt tỉ lệ 27,8 %, học sinh hoàn thành 26 em, đạt tỉ lệ 72,2%; đến cuối học kỳ I (đã áp dụng biện pháp của sáng kiến) học sinh hoàn thành tốt 22 em, đạt tỉ lệ 61,1 %, học sinh hoàn thành 14 em, đạt tỉ lệ 38,9 %.

 5.2. Nội dung sáng kiến:

  5.2.1. Biện pháp nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2.

     Để nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2, tôi đã thực hiện biện pháp sau:

- Linh động chọn phương pháp dạy sao cho phù hợp với nội dung từng bài.

- Tìm hiểu tâm lí, nhận thức của học sinh.

- Lựa chọn, sử dụng triệt để, hiệu quả đồ dùng dạy học. 

- Thông qua các môn học khác để dạy đạo đức cho học sinh.

- Xây dựng các kiến thức chuẩn mực và hành vi đạo đức tốt cho học sinh dựa vào các hoạt động ngoại khoá.

- Kết hợp với các môi trường giáo dục để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh.

 5.2.2. Tổ chức thực hiện các biện pháp.

5.2.2.1. Linh động chọn phương pháp dạy sao cho phù hợp với nội dung từng bài.

          Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Do vậy, khi giảng dạy, tôi đã lựa chọn kết hợp giữa các phương pháp cho phù hợp với đặc trưng của môn học. Khi lựa chọn và vận dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức, tôi căn cứ vào: Mục tiêu bài giảng; Đặc điểm của học sinh; Điều kiện thực tế. Mỗi phương pháp cần phải sử dụng đúng thời điểm của tiết dạy.

       Ví dụ: Khi dạy bài 11 "Lịch sự khi nhận và gọi điện thoại" (tiết 1)

+ Hoạt động 1: Quan sát mẫu hành vi.

Bước 1: Cho học sinh đóng vai diễn lại kịch bản có mẫu hành vi đã chuẩn bị.

Bước 2: Yêu cầu học sinh đàm thoại để nhận xét về cuộc nói chuyện điện thoại vừa xem.

+ Hoạt động 2: Thảo luận nhóm:

Bước 1: Học sinh được thảo luận ghi việc nên làm và không nên làm khi gọi điện thoại.

Bước 2: Học sinh trình bày nội dung được thảo luận.

+ Hoạt động 3: Liên hệ thực tế:

             Trong hoạt động này học sinh được luyện tập theo mẫu hành vi chuẩn.

      Hay là khi dạy Bài 2 “Biết nhận lỗi và sửa lỗi”

  Các phương pháp cần xác định là: kể chuyện, nêu gương, thảo luận nhóm, động não, tập luyện theo mẫu hành vi, đóng vai, tổ chức trò chơi. Phương pháp kể chuyện được sử dụng trong hoạt động 1- Tiết 1. Tôi kể chuyện Cái bình hoa với kết thúc mở. Sau đó chia nhóm, giao việc để các nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi phân tích truyện xác định ý nghĩa của hành vi nhận lỗi và sửa lỗi. Sang hoạt động 2, tôi tiếp tục giao việc cho các nhóm thảo luận và bày tỏ ý kiến, thái độ của mình về những hành vi đúng, chưa đúng. Ở tiết 2 - Trong hoạt động 1, học sinh được đóng vai theo tình huống, các em lựa chọn và thực hiện hành vi nhận lỗi và sửa lỗi. Chuyển sang hoạt động 2, tôi tổ chức cho học sinh chơi trò chơi Ghép đôi - Qua trò chơi, học sinh biết cách ứng xử các tình huống nhận lỗi và sửa lỗi.

     5.2.2.2. Tìm hiểu tâm lí, nhận thức của học sinh.

        Tìm hiểu chung về nhận thức, tâm lí của học sinh để định hướng các biện pháp giáo dục đạo đức là yêu cầu cần thiết đối với người thầy. Điều này sẽ giúp các thầy cô giáo hiểu rõ học sinh: Các em nghĩ gì? yêu gì? chưa yêu gì? Các em nghĩ đúng hay chưa đúng? Qua đó mà tìm ra cách định hướng khi truyền đạt nội dung giáo dục, thông tin giảng dạy sẽ đến với mỗi em một cách dễ dàng, phù hợp, đi sâu vào nhận thức của học sinh.

        Vì học sinh Tiểu học rất thích khen, nên tôi nắm bắt được tâm lí này của các em để kịp thời động viên, khích lệ học sinh học tập, rèn luyện.

        Trẻ em thường hay nói thật, nói những gì mà các em nghĩ, đây là ưu điểm của học sinh chúng ta. Nếu chúng ta biết cách khai thác sẽ đem lại hiệu quả giáo dục tích cực. Vì vậy, tôi đã đặt những câu hỏi mang tính khơi gợi, tạo sự hứng thú cho các em hăng hái nói nhiều hơn, thật thà hơn, giúp các em chủ động hơn trong mỗi tiết học. Tôi chỉ là người tổ chức, hướng dẫn học sinh mỗi câu trả lời nhằm khuyến khích những suy nghĩ đúng đắn và sớm giải thích, bác bỏ những tư tưởng lệch lạc nơi các em. Cách làm này giúp cho bài học đạo đức thực sự khắc sâu hơn, mỗi câu trả lời hồn nhiên của các em trong các tiết học sẽ góp phần nhận thức bài học cuộc sống cho mình.

         Trong các tiết học, tôi luôn tạo không khí thoải mái gần gũi với học sinh, làm cho các em tự tin biểu lộ những suy nghĩ trong sáng, thật thà của mình: “Bây giờ cô trò mình sẽ tâm sự cùng nhau nhé!”

Ví dụ:Trong bài “Quan tâm, giúp đỡ bạn”

Tôi nói: “Cô biết trong lớp mình có rất nhiều em đã quan tâm, giúp đỡ bạn, em nào xung phong kể lại cho cô và các bạn cùng nghe.” Có nhiều em kể trước lớp những việc làm quan tâm, giúp đỡ bạn. Tôi đề nghị cả lớp tuyên dương những bạn đã làm được việc tốt đó.

Đối với công việc này, tôi kiên trì, nhẫn nại, vì thông thường các em rất ít nói ra những cảm nhận sâu kín của mình, bởi lẽ chưa tìm được sự tin cậy, chia sẻ ân cần của thầy cô. Cho nên, để thuyết phục được các em tạo nên sự tin cậy là cả một quá trình. Hơn thế nữa, khi nhận được những lời tâm sự thật lòng của các em tôi đáp lại sự tin cậy ấy bằng cách cởi bỏ những thắc mắc của các em, thuyết phục các em đến với cái tốt một cách tự nhiên, trong sáng. Như vậy, lâu ngày các em sẽ xem cô giáo như là người mẹ tin cậy biết lắng nghe và giúp các em giải quyết những khó khăn, thắc mắc trong cuộc sống.

   5.2.2.3. Lựa chọn, sử dụng triệt để, hiệu quả đồ dùng dạy học. 

          Để thực hiện đổi mới phương pháp, việc sử dụng đồ dùng dạy học là rất quan trọng. Đồ dùng dạy học có tầm quan trọng trong sự thành công của một tiết dạy. Vì vậy, trước mỗi tiết dạy tôi đã chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng phục vụ cho tiết dạy của mình. Mỗi khi thiết kế bài học tôi đã căn cứ vào mục tiêu, nội dung tính chất, hình thức của bài học để lựa chọn thiết bị dạy học cho phù hợp, dễ sử dụng.    

          Hiện nay, trang thiết bị và đồ dùng dạy học môn Đạo đức còn hạn chế về tranh ảnh nên tôi đã tích cực sưu tầm thêm các tranh ảnh và những nội dung giảng dạy khác trên Internet để phục vụ cho công tác giảng dạy tốt. Ngoài ra, tôi sử dụng các đồ dùng tự làm chuẩn bị trước mỗi tiết học và những đồ dùng cần thiết cho từng hoạt động của từng bài. Ví dụ: Khi dạy bài 11 “Lịch sự khi nhận và gọi điện thoại ” tôi chuẩn bị một số đồ dùng như: Bộ đồ chơi điện thoại hoặc là điện thoại thật loại để bàn sử dụng trong tiểu phẩm ở hoạt động 1 - Tiết 1. Cuối tiết dạy phần củng cố, tôi giới thiệu đến học sinh một clip ngắn nói về cuộc nhận và gọi điện thoại.

   5.2.2.4. Thông qua các môn học khác để dạy đạo đức cho học sinh.

Dạy môn Đạo đức thông qua các môn học khác là hình thức giáo dục rất quan trọng. Dạy đạo đức cho học sinh không chỉ bó hẹp ở một môn học Đạo đức mà có thể nói rằng dạy đạo đức ở mọi lúc, mọi nơi và tất cả các môn học.

          Ví dụ: Trong dạy môn Tự nhiên và Xã hội, học sinh được nhận biết các loài vật sống dưới nước, trên cạn và nêu được ích lợi của chúng. Khi học đạo đức bài 14: “Bảo vệ loài vật có ích” học sinh sẽ tiếp thu và có hành vi bảo vệ loài vật có ích một cách nhanh hơn, tốt hơn.

   5.2.2.5. Xây dựng các kiến thức chuẩn mực và hành vi đạo đức tốt cho học sinh dựa vào các hoạt động ngoại khoá.

        Trước khi cho học sinh tham gia chào cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa, tôi đều dặn các em phải tập trung quan sát, lắng nghe tiếp thu các hành vi chuẩn mực đạo đức.

Ví dụ:Thông qua các tổ chức Đoàn - Đội, các buổi sinh hoạt Đội, sinh hoạt Sao nhi đồng, thông qua các buổi chào cờ dạy cho các em những tấm gương tốt ở trường, ở lớp, đồng thời cũng nhắc nhở những em chưa thật sự cố gắng. Từ đó kích thích tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức của các em. Điển hình như các phong trào: “Nuôi heo đất tình thương”, “Mua tăm ủng hộ người mù”, “Cây mùa xuân cho bạn”, “Áo trắng tặng bạn”, “Kế hoạch nhỏ”, … giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, ý thức tiết kiệm để làm những việc có ích. Ngoài ra, các cuộc giao lưu như: Kể chuyện đạo đức; Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam20/11, phong trào “Nghĩa tình biên giới”,… giáo dục cho học sinh tinh thần: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”.

   5.2.2.6. Kết hợp với các môi trường giáo dục để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh.

     Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh, tôi luôn kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục. Cùng với nhà trường, gia đình cũng góp phần quan trọng trong hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì thế, tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng bằng các hình thức tổ chức: Họp phụ huynh học sinh, thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Từ đó, có kế hoạch giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết hợp với phụ huynh học sinh, thông qua các hoạt động ở nhà, ở trường để kiểm tra đánh giá các hành vi đạo đức của các em. Cũng bằng hình thức này, tôi trao đổi cùng phụ huynh giúp đỡ những học sinh chưa tiếp cận được với hành vi đúng đắn, uốn nắn để hướng các em theo kịp cùng bạn bè và có những mối quan hệ ứng xử tốt trong cuộc sống.

         Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng với gia đình, cộng đồng tạo một vòng tay giáo dục khép kín, một môi trường lành mạnh, thân thiện làm cho việc giáo dục đạo đức thường xuyên hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn.

         Tóm lại: Tất cả các biện pháp trên đều nhằm đạt tới một mục đích cuối cùng là: Học sinh sẽ biết ứng xử tốt nhất các mối quan hệ với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và biết giữ gìn, bảo vệ, vệ sinh môi trường, nơi công cộng,… Các em nắm vững các chuẩn mực hành vi đạo đức; biết thực hành vận dụng hàng ngày để những hành vi đạo đức đó trở thành phẩm chất đạo đức tốt của người học sinh trong nhà trường, gia đình và xã hội.

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

         Áp dụng cho toàn thể học sinh lớp 2 Tiểu học.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

        Học sinh, các tổ chức giáo dục trong và ngoài nhà trường.

8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

        Qua quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài: Biện pháp nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2” đã đạt được những kết quả sau:

 

Năm học

2020- 2021

 

Kiến thức, kĩ năng

Hoàn thành tốt

Hoàn thành

Chưa hoàn thành

TS

%

TS

%

TS

%

Khảo sát đầu năm

10

27,8

26

72,2

0

0

Cuối HKI

22

61,1

14

38,9

0

0

 

Phương pháp giáo dục đạo đức với nhiều hình thức đa dạng và phong phú đã thực sự cuốn hút học sinh. Tôi thấy các em đã tích cực, chủ động học tập và thực hiện tốt các hành vi đạo đức. Lớp học đã trở thành nơi mà các em có thể tin tưởng ở thầy cô, bạn bè để bày tỏ những cảm nhận thơ ngây về cuộc sống. Các em đã làm chủ được những buổi sinh hoạt ngoại khoá, các tiết học Đạo đức, biết tạo cho mình nhận thức đúng đắn qua sự góp ý của bạn bè và sự hướng dẫn của thầy cô. Tôi cảm thấy mình được lắng nghe, hiểu và gần gũi các em hơn sau mỗi tiết học. Điều này giúp tôi dễ dàng bám sát quá trình học tập cũng như giáo dục đạo đức cho các em.

       Trong các tiết học, các em đã biết cách liên hệ đến tình yêu thương gia đình, tình bạn bè, thầy cô giáo, bảo vệ môi trường; biết lễ phép với người lớn; biết phân biệt cái đúng, cái chưa đúng; biết nhận lỗi và sửa lỗi. Các em đã hiểu được những giá trị đạo đức, lối sống bằng những hành động thực tiễn. Các em tự giác thực hành những điều tốt đã học; không đồng tình và không làm theo những cái xấu, cái chưa đúng. 

* Bài học sau khi thực hiện sáng kiến:

      Để nâng cao hiệu quả học tập và thực hành môn Đạo đức cho học sinh lớp 2, người giáo viên cần phải:

         - Trong dạy học môn Đạo đức, khi thiết kế một bài dạy cần xác định các mục tiêu chính xác, rõ ràng, đảm bảo đủ 3 yêu cầu quy định. Xây dựng phong trào thi đua dạy tốt - học tốt môn Đạo đức dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi tiến hành dạy học trên lớp, để chuyển tải kiến thức tới học sinh một cách nhẹ nhàng, sinh động gắn với các hoạt động cụ thể, đồng thời để giáo dục đạo đức cho các em tôi đã khéo léo sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, các hình thức tổ chức khoa học và phù hợp. Từ đó, các em biết áp dụng bài học vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày.

          - Người giáo viên phải thực sự có lòng nhiệt tình, say mê với nghề nghiệp, với lương tâm trách nhiệm của người thầy. Mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng và chuẩn mực đạo đức để học sinh học tập và noi theo. Vì vậy, mỗi giáo viên cần chú ý tới cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc chuẩn mực của mình để học sinh bắt chước làm theo.

          - Người giáo viên cần phải luôn luôn có ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực để đáp ứng với yêu cầu ngày một đổi mới của xã hội. Muốn thế, người giáo viên phải dành nhiều thời gian để tự tìm tòi, nghiên cứu và tham gia tích cực vào các lớp chuyên môn nghiệp vụ do ngành, phòng Giáo dục và nhà trường tổ chức.

- Mỗi giáo viên trong quá trình công tác phải xem trường là ngôi nhà chung của toàn thể thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, các đồng nghiệp là những người thân của mình để từ đó có thể chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm cho nhau, cùng nhau nâng cao tay nghề, làm tốt công tác giáo dục các em.

- Làm tốt công tác kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm tạo ra môi trường giáo dục khép kín, tạo bầu không khí lành mạnh xung quanh học sinh để hình thành và phát triển tư tưởng, tình cảm, hành vi và thói quen đạo đức tốt cho các em.

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post