Skkn Nâng cao hiệu quả hoạt động trải nghiệm ở trường tiểu học



1. Là tác giả ( nhóm tác giả) đề nghị xét công nhận sáng kiến: Nâng cao hiệu quả hoạt động trải nghiệm ở trường tiểu học.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

          3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (Công tác quản lí).

          4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu áp dụng thử: 8/2020.

 

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, môi trường giáo dục trong nhà trường là nơi quan trọng nhất. Trong đó hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh tự mình tham gia vào các hoạt động, tự mình khám phá, tự trải nghiệm để sáng tạo, tự hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường đã được thực hiện trong năm năm qua. Tuy nhiên mỗi trường học lại có sự quan tâm, cách làm khác nhau. Một số đơn vị, giáo viên còn ngại làm, ngại tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Chính vì vậy hiệu quả giáo dục toàn diện học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm chưa đạt được kết quả cao.

Những nguyên nhân mà các đơn vị thực hiện chưa hiệu quả, có thể nêu ra đó là:

-   Sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám hiệu nhà trường.

-   Cơ sở vật chất của các đơn vị còn hạn chế.

-   Thời gian để giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện trải nghiệm không đủ do phân phối chương trình chính khóa. Chủ yếu là tổ chức trong giờ sinh hoạt lớp.

-   Kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm của một số giáo viên chủ nhiệm còn hạn chế.

-   Chưa có sự phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt là vai trò của giáo viên tổng phụ trách Đội.

-   Chưa có các mô hình hay, cách làm sáng tạo để học tập, rút kinh nghiệm.

Với vai trò, ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm trong trường học. Bản thân tôi là một cán bộ quản lý, rất quan tâm, trăn trở làm thế nào để tổ chức, thực hiện tốt hoạt động này. Chính vì vậy tôi chọn đề tài: Nâng cao hiệu quả hoạt động trải nghiệm ở trường tiểu học.

 

5.2. Nội dung sáng kiến:

Để thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm trong nhà trường, bản thân tôi đã thực hiện các giải pháp sau:

Ø Tập huấn về hoạt động trải nghiệm cho đội ngũ giáo viên:

          Căn cứ vào chương trình năm học và hướng dẫn tổ chức thực hiện trải nghiệm của phòng GD-ĐT thị xã Bình Long. Ngay từ đầu năm học, tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, tập huấn cho đội ngũ giáo viên là yêu cầu quan trọng, cấp thiết.

          Chỉ đạo bộ phận chuyên môn, mời báo cáo viên tập huấn cho giáo viên về cách tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phân bố chương trình theo sách trải nghiệm; kỹ năng tổ chức trò chơi, hoạt náo; cách xây dựng giáo án dạy trải nghiệm,…Qua đó, giáo viên sẽ tổ chức hiệu quả hơn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm ở lớp.

Ø Thành lập các câu lạc bộ kỹ năng:

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đội trong hoạt động trải nghiệm, tập hợp và tổ chức các hoạt động. Nhà trường đã thành lập các đội nhóm, câu lạc bộ kỹ năng và phân công giáo viên có năng khiếu phụ trách câu lạc bộ. Qua đó, giúp học sinh có năng khiếu được sinh hoạt và phát triển các kỹ năng, năng khiếu của bản thân.

Hiện nay nhà trường có các câu lạc bộ: câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ vẽ tranh, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, câu lạc bộ tiếng Anh, đội văn nghệ, viết chữ đẹp,…

Ø Tổ chức đa dạng các hình thức và nội dung  hoạt động giáo dục trên lớp. 

          Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong các hoạt động trải nghiệm tại lớp học. Bởi giáo viên chủ nhiệm chính là người gần gũi học sinh, nắm bắt được năng khiếu, năng lực của học sinh và chính là người tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại lớp học.

          Hoạt động trải nghiệm có nội dung rất đa dạng và mang tính tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục. Vì thế, khi dạy học trên lớp, giáo viên cần tổ chức bằng nhiều hình thức, phương pháp dạy học khác nhau: cá nhân, nhóm, trò chơi, đố vui, ứng dụng công nghệ thông tin, các kĩ thuật dạy học tích cực. Đặc biệt là phương pháp Bàn tay nặn bột. Dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột chính là tổ chức hoạt động trải nghiệm ngay trong từng môn học.

Ø Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cấp trường thông qua tổ chức Đội.

          Tổ chức Đội, trong nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây chính là lực lượng chính tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở cấp trường, quy mô lớn hơn, tập hợp đông đảo học sinh hơn.

          Để thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm ở cấp trường, chúng ta sẽ bố trí 01 tháng 01 hoạt động trọng tâm, gắn với chủ đề, chủ điểm của tháng. Như các hoạt động: tìm hiểu về biển đảo, an toàn giao thông, kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm thực tế, du khảo về nguồn, học làm người có ích, chăm sóc đài tưởng niệm,…

          Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giờ ra chơi trải nghiệm, xây dựng góc trò chơi dân gian  đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trải nghiệm.

Ø Các bước tiến hành một hoạt động trải nghiệm.

          Căn cứ vào nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm và tâm sinh lý học sinh tiểu học. Để có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả, cần xây dựng các bước sau:

- Bước 1: Đặt tên cho hoạt động

          Là một việc làm cần thiết vì tên của hoạt động tự nói lên chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động. Tên hoạt động cũng tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn; tạo ra trạng thái tâm lý đầy hứng khởi và tích cực của học sinh. Vì vậy, cần có sự tìm tòi, suy nghĩ để đặt tên hoạt động sao cho phù hợp và hấp dẫn.

          - Bước 2: Xác định mục tiêu của hoạt động.

          - Bước 3: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động.

          - Bước 4: Chuẩn bị hoạt động.

          + Nắm vững nội dung và hình thức hoạt động đã được xác định và dự kiến tiến trình hoạt động.

          + Dự kiến những phương tiện, điều kiện cần thiết để hoạt động có thể được thực hiện một cách có hiệu quả như các tài liệu, phương tiện (âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, băng đĩa, máy tính, máy chiếu...), phòng ốc, bàn ghế, kinh phí...

          + Dự kiến phân công nhiệm vụ cho các tổ, nhóm hay cá nhân.

          + Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức hoạt động...

          + Dự kiến những hoạt động của giáo viên và học sinh...

          - Bước 5: Lập kế hoạch.

          - Bước 6: Thiết kế chi tiết hoạt động.

          - Bước 7: Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động.

- Bước 8: Phân tích, đánh giá kết quả hoạt động.

- Bước 9: Rút kinh nghiệm.

- Bước 10: Khen thưởng hoặc phê bình nếu có. 

 

Ø Tính hiệu quả:

Sau khi thực hiện những biện pháp nêu trên, tôi thấy cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục nói chung và hoạt động trải nghiệm ở nhà trường nói riêng đã đáp ứng đầy đủ các hoạt động. xây dựng được các góc trải nghiệm, như: thư viện xanh, góc trò chơi dân gian,…

Giúp giáo viên nhận thức rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy vai trò của Tổng phụ trách Đội trong các hoạt động trải nghiệm cấp trường.

Thành lập được các câu lạc bộ, đội nhóm theo sở thích, năng khiếu, đề cao tính tự nguyện, tự quản của học sinh.

Việc phối kết hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm phong phú giúp các em có hứng thứ hơn khi học tập và tham gia các hoạt động.

Xây dựng được các mô hình mới trong các hoạt động trải nghiệm: giờ ra chơi trải nghiệm, học làm người có ích, du khảo về nguồn,…

Hình thành được các bước cơ bản để tổ chức một hoạt động trải nghiệm thành công.

 

5.3 Về khả năng áp dụng của sáng kiến:

Với sáng kiến kinh nghiệm này, phạm vi ứng dụng của nó cho tất cả các trường học có thể đạt hiệu quả cao.

 

6. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không

 

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

          - Đảm bảo cơ vật chất.

          - Có không gian sân trường thoáng mát để xây dựng thư viện ngoài trời.

          - Đảm bảo nguồn kinh phí đảm bảo tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

          - Sự phối kết hợp với các đoàn thể trong nhà trường.

- Phải lựa chọn các phương pháp cho vừa sức; phù hợp đặc điểm, sở thích và khả năng, sở trường của học sinh, tránh lối áp đặt, nhồi nhét .

- Các hình thức hoạt động phải linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện, môi trường hoạt động thực tế.

- Cần động viên, khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm kịp thời.

 

8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

- Sau khi được tập huấn về phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm đã tự giác tổ chức các hoạt động vào giờ sinh hoạt lớp hiệu quả. Học sinh hứng thú tham gia.

- Các hoạt động trải nghiệm đã phong phú hơn, thu hút học sinh hứng thú tham gia hơn. Qua đó giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức, trải nghiệm về cuộc sống, hình thành các kỹ năng sống cơ bản. Học sinh được tham gia các hoạt động nhóm, các em đoàn kết, yêu thương và tự tin hơn. Qua đó, phát hiện các em có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng.

- Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường góp phần thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời biết chia sẻ và quan tâm tới mọi người xung quanh.

- Làm tốt hoạt động trải nghiệm cũng là góp phần quan trọng cho thành công của phong trào xây dựng “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giúp các em cảm thấy “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Post a Comment

Previous Post Next Post