Skkn giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho học sinh trong giảng dạy lịch sử địa phương và truyền thống nhà trường tại trường trung học phổ thông

 Skkn giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho học sinh trong giảng dạy lịch sử địa phương và truyền thống nhà trường tại trường trung học phổ thông 

Trong hệ thống các giá trị truyền thống Việt Nam đã được hình thành suốt hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nổi trội hơn cả là tinh thần yêu nước. Theo giáo sư Trần Văn Giàu: tình cảm, tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu của ngành giáo dục là “bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học…”. 



Tiếp đó, chỉ thị số 14/2011 /CT-TTG ngày 11/06/2001 của Thủ tướng chính phủ về việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông có mục tiêu là: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, yêu quê hương, gia đình, tinh thần tự tôn dân tộc”. Như vậy, giáo dục thế hệ trẻ hiện nay phải giáo dục con người có lòng yêu quê hương, đất nước. Trong thời kỳ hội nhập phát triển, vấn đề hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại là một trong những vấn đề các nhà trường đều quan tâm coi trọng. Khi học sinh được bồi dưỡng, giáo dục tốt về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… sẽ giúp các em được phát triển toàn diện, là nền tảng không thể thiếu để bước vào cuộc sống. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam… bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam”. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Có rất nhiều ý kiến mang nặng sự lo lắng, trăn trở về những thách thức hiện nay mà ngành giáo dục đang phải đối mặt. Đâu đó vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm nội quy, thiếu lễ độ với người lớn, thầy cô giáo, ham chơi, thờ ơ vô cảm hoặc phai nhạt lý tưởng, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo dục truyền thống cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhà văn Nga Ilia Erenbua đã từng chia sẻ rằng: “Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những vật tầm thường, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu cái thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Điều đó suy rộng ra, muốn giáo dục cho các em lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào thì đầu tiên phải giáo dục tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương, yêu những gì thân thương gần gũi nhất”. Bởi lẽ, trong trái tim mỗi người dân Việt, dù ở nơi đâu trên hành tinh này đều luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng, sắc son, thủy chung đối với nơi “chôn rau cắt rốn”, “nơi quê cha đất tổ”, nơi sinh ra, nuôi dưỡng ý chí, chắp cánh ước mơ và giúp ta khôn lớn trưởng thành. 

Khi nhắc đến việc giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, nhà giáo dục Xô Viết Sukhomlinski đã viết: “Đối với mỗi con người chúng ta, Tổ quốc bắt đầu từ một cái nhỏ bé dường như không lộng lẫy lắm và không có gì nổi bật. Cuộc sống của mỗi chúng ta, vĩnh viễn đến hơi thở cuối cùng chứa đựng một cái gì đó duy nhất và không gì thay thế được như bầu sữa mẹ, như sự âu yếm của mẹ, như lời nói thân yêu. Đó là miền quê thân yêu của chúng ta, nơi thể hiện hình ảnh sinh động của Tổ quốc”. Lịch sử địa phương là một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống, trách nhiệm công dân mà còn nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc, có ý thức phấn đấu, học tập tu dưỡng góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Như vậy, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh phải bắt đầu từ việc giáo dục cho các em nhận thức được tình yêu quê hương, đất nước, ý thức xã hội chủ nghĩa gắn chặt với nhau, tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại mới. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một nhiệm vụ bức thiết quyết định đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiệm vụ này muốn hoàn thành tốt cần đến sự tác động tổng thể của tất cả các môn học, trong đó môn lịch sử giữ một vai trò quan trọng. Tuy nhiên những năm gần đây, thực trạng giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh trong môn Lịch sử ở trường phổ thông có rất nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Học sinh đa phần ngán và sợ đối với môn lịch sử bởi sự hàn lâm, khô khan.

Giáo dục lòng yêu quê hương cho học sinh phổ thông được thực hiện thông qua các hoạt động của nhà trường nói chung, hoạt động giảng dạy các môn học nói riêng; trong đó việc dạy học lịch sử, hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là biết kết hợp giữa hoạt động ngoài giờ lên lớp với lịch sử địa phương. Đây là hoạt động có nhiều ưu thế hơn cả. Giảng dạy lịch sử địa phương sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người ở địa phương trong lịch sử đấu tranh dựng nước và cứu nước, hiểu biết về các di tích lịch sử, di tích văn hóa, nghệ thuật và những kinh nghiệm lao động của nhân dân địa phương. Từ đó các em có nhận thức đúng đắn về cuộc sống của địa phương trong quá khứ và hiện tại. Trên cơ sở hiểu biết đó, xây dựng cho các em niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, lao động cần cù, thông minh sáng tạo; tự hào về những cảnh đẹp thiên nhiên bình dị và thơ mộng, tự hào về những phong cách sinh hoạt văn hóa mang bản sắc độc đáo của địa phương. 

Chính niềm tự hào đó làm cho các em gắn bó với mảnh đất quê hương, có ý thức bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của địa phương một cách tự giác. Như vậy, nghiên cứu giảng dạy lịch sử địa phương cần được tiến hành một cách thường xuyên với nội dung, phương pháp phù hợp sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, kích thích được lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Xuất phát từ thực tiễn dạy học, từ chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của Đảng và vai trò, vị trí của môn Lịch sử, tôi lựa chọn đề tài: “Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho học sinh trong giảng dạy lịch sử địa phương và truyền thống nhà trường tại trường Trung học phổ thông” làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm của mình.

...

Link tải đầy đủ sáng kiến 73 trang: XEM VÀ TẢI XUỐNG

Previous Post Next Post