Skkn Rèn kĩ năng viết văn miêu tả cây cối cho học sinh lớp 4

 


Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

1. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài:

Với việc thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa mới hiện nay, nội dung dạy học Tiếng Việt ở giai đoạn 2 (lớp 4 - 5) được nâng lên ở mức độ cao hơn và hoàn thiệnhơn như yêu cầu hoàn chỉnh một số văn bản. Phân môn Tập làm văn có tính chất tổng hợp nó vận dụng toàn bộ các kĩ năng của học sinh được hình thành từ nhiều phân môn khác: (kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trình bày, kĩ năng tạo lập văn bản). Mỗi một bài văn là một sản phẩm không lặp lại của từng học sinh trước đề bài. Kết quả học tập của phân môn Tập làm văn phản ánh trình độ sử dụng Tiếng Việt, vốn tri thức và hiểu biết đời sống của học sinh.

 Trong văn miêu tả lớp 4 thì đối tượng để học sinh miêu tả là đồ vật, cây cối, loài vật. Văn miêu tả cây cối ở lớp 4 bắt đầu từ tuần 19 của học kỳ 2 đến hết tuần 28. Để viết được bài văn miêu tả cây cối sinh động giúp người đọc thấy được một cây, một vườn cây hay một loại được tả với những đặc điểm nổi bật về hình dáng, màu sắc, đặc điểm riêng biệt. Đây là yêu cầu cần đạt ở mỗi học sinh sau khi học xong thể loại văn miêu tả cây cối. Vậy làm thế nào để giúp học sinh thoát khỏi một bài văn miêu tả cây cối nghèo ý, ít hình ảnh, đó là nhiệm vụ và vấn đề đặt ra cần giải quyết có hiệu quả. Chính vì vậy tôi quyết định chọn đề tài: “Rèn kĩ năng viết văn miêu tả cây cối cho học sinh lớp 4”.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài:

2.1. Giúp học sinh:

Rèn cho học sinh kĩ năng xác định được trọng tâm của đề bài cần được miêu tả là một cây hay một loại cây, cây đó được miêu tả trong thời kỳ nào.

Rèn cho học sinh kĩ năng quan sát, tìm ý, lập dàn ý.

Rèn cho học sinh kĩ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn, liên kết đoạn văn, diễn đạt bài văn một cách lưu loát.

Rèn cho học sinh kĩ năng viết văn giàu hình ảnh và thể hiện được cảm xúc khi miêu tả cây cối.

Bồi dưỡng cho học sinh tình cảm yêu mến, biết trân trọng bảo vệ, chăm sóc cây cối.

 Có tiền đề tốt để học viết văn miêu tả cây cối ở lớp 5.

2.2. Giúp giáo viên:

Nhìn nhận lại sâu sắc hơn trong việc dạy văn miêu tả cây cối cho học sinh lớp 4, để từ đó giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp, biện pháp, hình thức tổ chức dạy học một cách linh hoạt.

        Giúp giáo viên nắm được cách nhận xét và sửa bài nhằm giúp cho học sinh phát huy kĩ năng viết văn miêu tả cây cối cho học sinh lớp 4.

Tự tìm tòi, nâng cao năng lực sư phạm, đúc rút kinh nghiệm trong giảng dạy Tập làm văn nói chung và trong dạy học sinh viết văn miêu tả cây cối nói riêng. Nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của mình.

3. Đối tượng nghiên cứu

Thể loại văn miêu tả cây cối lớp 4.

Học sinh lớp 4 A9, 4A8 Trường Tiểu học.

4. Giới hạn của đề tài:

        Thể loại văn miêu tả cây cối lớp 4.

 Thực trạng dạy - học viết văn miêu tả cây cối của học sinh lớp 4A9 và 4A8 Trường tiểu học công tác giảng dạy từ năm học: 2017 – 2018 và năm học: 2018 – 2019.

5. Phương pháp nghiên cứu.

Trong khi nghiên cứu đề tài tôi đã tiến hành song song nhiều biện pháp từ nghiên cứu thực trạng trên lớp mình dạy học đến việc tìm tòi, học hỏi, suy nghĩ để tìm ra cách giảng dạy tốt nhất. Tôi đã sử dụng các phương pháp như sau:

a)      Phương pháp nghiên cứu lí luận đọc sách và tham khảo.

b)    Phương pháp điều tra.

c)      Phương pháp thực nghiệm.

d)    Phương pháp đàm thoại.

e)      Phương pháp phân tích, thực hành.

g)    Phương pháp trao đổi.

h)    Phương pháp thống kê.

i) Phương pháp tổng kết, rút kinh nghiệm.

2. PHẦN NỘI DUNG

1. Cơ sở lí luận:

      Như chúng ta đã biết, cấp Tiểu học là nền móng cho việc hình thành nhân cách của học sinh. Là cấp học cung cấp những tri thức khoa học ban đầu về tự nhiên và xã hội, trang bị những kiến thức, kĩ năng đầu tiên về hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng, phát huy những tình cảm, thói quen và đức tính tốt của con người. Trong các môn học của cấp Tiểu học thì Tiếng Việt là môn học giữ vị trí quan trọng bởi nó là công cụ để giao tiếp và tư duy. Không một quốc gia nào không chăm lo đến việc dạy tiếng mẹ đẻ. Trong cuộc sống, muốn người khác biết những điều mình đã nhìn thấy, đã sống, đã trải qua…chúng ta phải miêu tả. Trong văn học, các câu chuyện, các cuốn tiểu thuyết, thậm chí ngay cả trong văn nghị luận hay văn viết thư, nhiều lúc ta cũng chen vào các đoạn văn miêu tả. Vì vậy văn miêu tả nói chung và miêu tả cây cối nói riêng có một vị trí quan trọng trong sáng tác văn chương, trong chương trình Tập làm văn lớp 4.

Trong thực tế giảng dạy, tôi thấy phần lớn học sinh còn lúng túng, vụng về, gặp nhiều khó khăn khi làm văn miêu tả cây cối. Số học sinh làm được một bài văn hay, có sáng tạo rất ít. Hầu hết khi miêu tả cây cối các em chỉ đưa ra những câu văn chung chung, trong các câu văn chưa có hình ảnh so sánh, nhân hóa, câu văn thì rườm rà, diễn đạt ý còn lủng củng. Điều này làm tôi trăn trở và lo lắng.

Xuất phát từ cơ sở mang tính lí luận trên, nhằm đáp ứng nhu cầu: Làm thế nào để các em viết được những câu văn, đoạn văn, bài văn hay về miêu tả cây cối. Làm sao để giúp các em tự tin, phấn khởi và yêu thích phân môn Tập làm văn. Vì vậy, tôi quyết định chọn đề tài: “Rèn kĩ năng viết văn miêu tả cây cối cho học sinh lớp 4’’. Qua đó giúp giáo viên tự điều chỉnh phương pháp dạy học để tiết học diễn ra nhẹ nhàng và có hiệu quả cao.

2. Thực trạng dạy và học viết văn miêu tả cây cối của học sinh Tiểu học hiện nay.

a)    Đối với giáo viên.

          Phòng giáo dục đào tạo thị xã Buôn Hồ và Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát huy hết khả năng giảng dạy của giáo viên cũng như khả năng học tập của học sinh. Bản thân tôi được nhiều năm trực tiếp giảng dạy khối 4 nên ít nhiều tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Mặt khác tôi không ngừng học tập để đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm và luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

          Việc dạy cho học sinh đạt được 4 kĩ năng: nghe - nói - đọc - viết là một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên. Việc đó đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ, tận tâm, biết tích hợp, tổng hợp kiến thức một cách khoa học nhất. Nhưng hiện nay giáo viên chúng ta chủ yếu là dạy sao cho hoàn thành mục tiêu tiết dạy. Chưa hướng dẫn cụ thể cho học sinh biết cách quan sát tỉ mỉ về đối tượng miêu tả, ít tích hợp, ít sửa sai, cụ thể mà còn mang tính chung chung. Đôi lúc, giáo viên còn rập khuôn, thiếu sự dẫn dắt gợi mở cho học sinh tìm ra những từ, ý hay khi miêu tả cây cối. Việc rèn kĩ năng viết bài cho học sinh chưa thường xuyên. Nhận xét bài cho học sinh trong quá trình chấm chưa cụ thể như: bài văn chưa hay, bài viết chưa chân thực, dùng từ chưa chính xác…, hoặc nhìn thấy lỗi của các em nhưng giúp các em sửa lại còn lúng túng hoặc ngại ghi lời nhận xét cho các em. Trong quá trình giảng dạy nhiều giáo viên chỉ chú ý hướng dẫn học sinh tìm ý, lập dàn bài, làm bài mang tính chất khung sườn, chưa chú ý nhiều đến hướng dẫn học sinh quan sát gợi mở cung cấp vốn từ ngữ miêu tả các biện pháp nghệ thuật cho học sinh, rèn các kĩ năng liên kết câu, đoạn. Một số giáo viên hướng dẫn chung chung để học sinh tự mày mò hoặc sao chép văn mẫu. Giáo viên chưa khơi gợi được sự ham học, yêu thích môn học.

b) Đối với học sinh:

  Học sinh phần đông là ngoan, hiền và ham thích môn học nhưng đây lại là môn học khó. Nó đòi hỏi học sinh cần làm chủ quá trình hình thành kĩ năng sản sinh văn bản trên cả hai hình thức văn bản nói - văn bản viết. Trong thực tế, tôi thấy rằng học sinh có nhiều hạn chế như:

Khả năng quan sát khi miêu tả còn sơ sài, chưa biết sử dụng các giác quan để quan sát, quan sát chưa theo trình tự hợp lí, chưa biết chọn lọc những đặc điểm nổi bật hay vẻ đẹp riêng của cây mà mình tả.

Còn lúng túng khi lập dàn bài chi tiết cho một bài văn miêu tả cây cối.

Cách vận dụng từ ngữ trong bài văn còn hạn chế (còn lặp từ, chưa biết dùng đại từ thay thế…), chưa biết dùng nghệ thuật so sánh hay nhân hóa để làm cho bài văn miêu tả cây cối thêm sống động.

Kĩ năng đặt câu, nối câu tạo đoạn, liên kết đoạn văn, viết đoạn văn, kĩ năng diễn đạt…còn hạn chế. Các em chưa biết cách sắp xếp ý khi viết bài, bố cục thiếu rõ ràng, chưa khoa học.

Các em chưa hiểu rõ đặc điểm cơ bản của văn miêu tả cây cối, chưa phân biệt được sự khác biệt giữa văn bản miêu tả cây cối với kiểu bài văn miêu tả đồ vật trước đó.

Trong tiết trả bài, học sinh chưa được sửa lỗi và tự sửa lỗi kĩ càng, đầy đủ; các em cảm thấy nặng nề, thất vọng về bài viết của mình.

Các em chưa thực sự cảm thấy yêu thích môn học. Dùng văn mẫu một cách chưa sáng tạo, chỉ biết rập khuôn mà chưa biết chọn lọc thành cái riêng của mình. Từ những khó khăn trên mà kết quả bài văn miêu tả cây cối của các em chưa được cao.

Trong phần trên tôi đã đề cập những vấn đề chung thường gặp ở bài văn miêu tả cây cối của học sinh lớp 4: bài văn ngắn, câu cụt, kể lể, ít hình ảnh… Sau đây là những minh chứng cụ thể.

Lỗi chính tả: Học sinh chủ yếu vẫn thường sai phụ âm đầu l/n (chủ yếu), s/x, d/r/gi. Ở đây, tôi sẽ không đề cập sâu vấn đề này.

Lỗi dấu câu: Không dùng dấu câu: Xảy ra nhiều với học sinh. Các em không sử dụng hoặc ít sử dụng dấu chấm, dấu phẩy trong một câu hoặc trong một bài văn hoặc sử dụng dấu câu sai. Ví dụ: Gốc cây đa xù xì phải đến năm sáu người ôm mới xuể. Rễ cây to. Xù xì. Như một bầy trăn khổng lồ cuồn cuộn nửa chìm nửa nổi ôm lấy gốc đa cắm sâu vào lòng đất.

Câu không đủ thành phần. Ví dụ: lá tròn và to.

 Câu thừa thành phần (lặp lại thành phần một cách không cần thiết). Ví dụ: Em rất thích cây phượng trên sân trường em, ngay trước lớp em…

 Câu sai nghĩa. Ví dụ: Gốc cây bàng màu xanh nhưng lá cây bàng lại vô cùng xanh tươi.

Câu không rõ nghĩa. Ví dụ: Em chưa được thấy quả bàng chín nhưng một bạn kể cho em nghe là nó rất tuyệt vời.

Câu không có sự tương hợp về nghĩa giữa các thành phần câu, giữa các vế câu. Ví dụ: Khoảng vườn trồng rau bắp cải là rộng và dài nhất, vài cây bắp cải đang cuộn tròn ngồn ngộn bao phủ màu xanh tươi bao la.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Hình thức câu, từ lặp lại nhiều lần. Ví dụ: Cây thuốc bỏng nhà em trồng được nhiều năm. Cây thuốc bỏng lá đơn. Cây thuốc bỏng có hoa mọc thành chùm. Cây thuốc bỏng nhà em chịu hạn tốt. Cây thuốc bỏng nhà em hoa không thơm như những hoa khác. Cây thuốc bỏng để chữa bỏng cho trẻ em và người lớn.

Chưa liên kết chặt chẽ giữa các câu trong đoạn, trong bài. Các liên kết câu trong đoạn văn cũng chưa được chặt chẽ.

 Ví dụ: Cây phượng rất to. Cây có nhiều cành. Lá phượng xanh biếc xòe rộng che nắng cho chúng em. Hoa phượng màu đỏ.

Đoạn văn như vậy được coi là tạm được vì đúng ý. Câu văn rõ nghĩa. Nhưng miêu tả như vậy chỉ cần vài câu là tả xong một cây phượng. Và nó cũng rất chung chung, không làm nổi bật được nét riêng của cây phượng mình tả có gì khác biệt với những cây khác không.

Đọc bài văn miêu tả cây cối của các em, ta còn thấy sự khô khan, nghèo cảm xúc, sự liệt kê lan man, dài dòng, lủng củng, lộn xộn, không lột tả được đối tượng miêu tả, đôi khi còn bịa đặt. Ví dụ: Cây cam do ông nội em trồng rất lâu, lá cam màu xanh, bà em hái lá cam để nấu nước gội đầu. Cánh hoa nhỏ li khi hoa cam rụng bằng hạt đậu bằng quả cam bằng quả bóng bàn. Bà bảo em mang cam sang biếu nhà hàng xóm…

Nhiều em muốn bắt chước cho bài văn hay hơn đã sử dụng biện pháp so sánh, nhân hoá một cách tuỳ tiện. Ví dụ: Em chưa dám trèo cây đa một lần nhưng em và hơn chục bạn lần đi vòng quanh gốc mà ôm không xuể.

Như vậy, ta thấy bài văn miêu tả cây cối của học sinh mắc rất nhiều lỗi. Tuỳ theo các mức độ khác nhau. Ở đây đặt ra một vấn đề cấp thiết là dạy học sinh viết văn sao cho mạch lạc, giàu hình ảnh, tái hiện được cụ thể, sinh động đối tượng miêu tả. Làm sao cho người đọc thấy được cây cối như hiện ra trước mắt một cách sống động, gần gũi thân thương.

3. Nội dung và hình thức của giải pháp.

a. Mục tiêu của giải pháp.

Giải quyết các tồn tại trong giáo viên, khắc phục những nhược điểm của học sinh khi viết một bài văn miêu tả cây cối.

Đưa ra một số biện pháp, giải pháp để viết văn miêu tả cây cối sinh động và giàu cảm xúc.

Giáo viên tích cực chủ động hơn trong giảng dạy, giúp học sinh học tốt hơn trong khi học Tập làm văn.

Giúp học sinh tự mình làm được một bài văn miêu tả cây cối có hình ảnh và từng bước nâng cao dần trong việc quan sát để tạo ra một bài văn có hồn, chân thật và trong sáng, tạo tiền đề cho học sinh học tốt hơn phân môn Tập làm văn.

Phát triển hoạt động nhận thức của học sinh, giúp các em biết liên tưởng, tích hợp, tập cho các em có thói quen tham khảo tài liệu, đọc sách báo và phát triển nhu cầu tự học. Đó là phương tiện tốt nhất để các em giao tiếp, ứng xử trong mọi trường hợp.

Giúp học sinh tích lũy kiến thức Tiếng Việt trong mỗi giờ học nhiều hơn, sâu sắc hơn, nâng cao cả về mặt kiến thức lẫn các kĩ năng ngôn ngữ.

b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp.

Để khắc phục tình trạng trên và tổ chức tiết dạy - học Tập làm văn miêu tả cây cối có chất lượng hơn, phù hợp với học sinh đang dạy. Tôi đã thực hiện nội dung và các cách thức thực hiện giải pháp rèn bài văn miêu tả cây cối cho học sinh gồm 3 bước:

Bước 1: Phân loại đối tượng học sinh.

Bước 2: Tích lũy kiến thức.

Bước 3: Phương pháp làm bài.

Sau đây tôi sẽ đi chi tiết vào từng bước cụ thể.

Bước 1. Phân loại đối tượng học sinh.

Để thực hiện giải pháp của mình, đầu tiên tôi tiến hành nắm bắt đối tượng và khả năng tiếp thu của học sinh. Việc phân loại học sinh đã giúp tôi phân hóa các đối tượng học sinh trong từng tiết học tốt hơn, từ đó có các biện pháp thích hợp đối với các em học sinh. Với các em có mức tiếp thu chậm hơn tôi hướng dẫn cho các em quan sát cây cối theo trình tự đi đúng bố cục bài văn sau đó mới dùng một vài hình ảnh so sánh, nhân hóa lồng vào bài văn. Khi viết bài các em chỉ cần giới thiệu bài trực tiếp và kết bài không mở rộng. Những học sinh có kiến thức kĩ năng vượt trội hơn hẳn những em khác tôi đi sâu vào hướng dẫn cho các em cách dùng các biện pháp tu từ, cảm xúc của mình khi miêu tả. Hướng dẫn cho các em cách mở bài gián tiếp và kết bài mở rộng.

Ví dụ: Viết mở bài cho bài văn miêu tả cây tre.

+ Đối với học sinh chưa hoàn thành hoặc hoàn thành tôi chỉ cần hướng dẫn cho các em mở bài trực tiếp như: “Nhà em có trồng một bụi tre trước nhà”.

Những với học sinh hoàn thành kiến thức môn học hay vượt trội môn học tôi hướng dẫn các em cách viết gián tiếp như sau: Nói đến Cu Ba người ta nói đến mía. Nói đến Cam –pu – chia người ta nghĩ ngay đến thốt nốt. Nói đến miền Nam nước Việt các em hát ngay câu hát quen thuộc “Miền Nam em nhiều dừa”. Và người Việt miền Bắc không thể không nhắc đến cây tre.

Với phần kết bài cũng vậy tôi hướng dẫn cho các em có kiến thức kĩ năng tốt sử dụng kết bài mở rộng: Thế đấy cây tre đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam. Từ những sinh hoạt thường ngày đến những cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, cây tre luôn có mặt. Cây tre luôn đồng hành cùng dân tộc. Chả thế mà cây tre đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất của con người Việt Nam ta.

Theo cách kết bài này học sinh nêu được sự gắn bó của cây tre đối với con  người Việt Nam và cây tre là tượng trưng cho phẩm chất của người Việt Nam.

Bước 2.Tích lũy kiến thức.

Để làm được bài văn miêu tả cây cối hay thì việc tích lũy kiến thức thực tế là rất cần thiết. Muốn có được nguồn kiến thức ấy các em phải tập quan sát thực tế, ghi chép vào kí ức và vào sổ tay để có thể làm bài tốt.

Về kiến thức trong sách, phải chọn lựa, ghi chép, học thuộc để có thể tái hiện khi làm bài. Kiến thức mà các em tích lũy trong môn tiếng việt còn là kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp trong phân môn luyện từ và câu hay kể chuyên… Thông qua các chủ điểm các em sẽ chọn lọc được các từ ngữ và mở rộng vốn từ của mình. Ngoài ra cuối mỗi tiết tập đọc tôi thường cho học sinh tìm những câu văn hay trong bài, những câu văn mang tính nghệ thuật cao để các em cảm nhận được biết cách sử dụng nó để đưa vào văn bản của mình.

Ví dụ: “Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang đuột - lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại tưởng như lá héo. Khi trái chín hương tỏa ngào ngạt, vị ngọt đến đam mê”(Sầu riêng SGK trang 34 Tiếng việt 4 tập 2 - Mai Văn Tạo)

Về kiến thức ngoài sách việc đọc sách, đọc báo thêm ngoài chương trình sẽ bổ sung cho các em những hiểu biết về thực tế cuộc sống, về kiến thức văn học và các nội dung cần diễn đạt. Với học sinh có kiến thức kĩ năng tốt việc đọc sách, báo là hết sức quan trọng nâng tầm cao suy nghĩ tưởng tượng và khả năng thể hiện trong bài làm của các em. Để giúp cho việc tích lũy kiến thức của các em được tốt tôi hướng dẫn các em hình thành cuốn: “Sổ tay văn học về cây cối” Trong cuốn sổ đó các em sẽ ghi những từ ngữ hay những câu danh ngôn, châm ngôn, những câu văn, những đoạn văn hay về cây cối. Sắp xếp như vậy khi làm bài các em sẽ dễ lấy tư liệu. Kiến thức thực tế và kiến thức sách vở đã giúp cho tâm hồn chúng em phong phú và là nguồn tư liệu dồi dào để các em lựa chọn và làm bài.

Ví dụ: Sau khi học xong bài tập đọc “Sầu riêng” Tiếng Việt 4 tập 2/34

Học sinh cần tích lũy từ: ngọt ngào, quyến rũ, quyện.

 

Bước 3. Phương pháp làm bài:

b.3.1. Tìm hiểu chung:

a) Khác với tả đồ vật văn miêu tả cây cối cần phải đi theo trình tự nhất định: các em có thể chọn một trong hai trình tự sau:

-  Miêu tả theo trình tự thời gian của cây.

+ Mùa: miêu tả theo trình tự bốn mùa trong năm (xuân- hạ - thu- đông).

+ Miêu tả theo trình tự các buổi trong ngày (sáng- trưa- chiều - tối).

+ Miêu tả theo trình tự phát triển của cây (khi còn bé đến lúc cây trưởng thành, ra hoa kết trái…)

- Miêu tả theo trình tự không gian: trên - dưới - xa - gần, từ khái quát đến cụ thể.

b) Trong bài văn miêu tả cây cối các em cần sử dụng các giác quan vào bài văn miêu tả.

+ Thị giác: nhìn (màu lá xanh tươi mới, thân nâu trầm ấm…)

+ Thính giác: nghe (tiếng lá rơi xào xạc, những tán cây lao xao khi gió về…)

+ Khứu giác: ngửi thấy (mùi hoa thơm ngát…..)

+ Vị giác: mùi vị (quả mọng và ngọt như mía lùi…)

+ Xúc giác: cảm nhận thấy (thân cây xù xì nhưng ấm áp như bàn tay mẹ…)

b. 3.2. Rèn kĩ năng phân tích đề bài.

Việc tìm hiểu đề bài có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là bước định hướng cho cả quá trình làm bài. Định hướng đúng hay sai sẽ quyết định làm bài sai hay đúng. Muốn tìm hiểu đề bài phải đọc đề bài nhiều lần, xác đinh thể loại và kiến thức cần huy động để làm bài. Tìm hiểu đề bài là một bước rất quan trọng các em cần chú ý để tránh xa đề, lạc đề, giúp cho định hướng bài viết của mình tốt hơn.

Một đề bài đưa ra cho học sinh thường ẩn chứa đến ba yêu cầu: Yêu cầu về thể loại (kiểu bài); yêu cầu về nội dung; yêu cầu về trọng tâm.

Ví dụ: Đề bài: Mùa xuân đến, trăm hoa đua nở, em hãy tả lại một cây hoa mà em yêu thích. Với đề bài trên, ẩn chứa ba yêu cầu sau:

Yêu cầu về thể loại của đề là: Miêu tả một cây hoa.

Yêu cầu về nội dung là: Mùa xuân.

Yêu cầu về trọng tâm: Cây hoa em thích. Trong thực tế, không phải đề bài nào cũng xác định đủ ba yêu cầu. Chẳng hạn:

Với đề bài: Tả một cây có bóng mát mà em yêu thích.

Với đề này chỉ có yêu cầu về thể loại và trọng tâm.

Việc xác định đúng trọng tâm của đề bài giúp cho bài viết thu hẹp nên các em có được ý cụ thể, chính xác, tránh viết tràn lan, lung tung.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

b. 3.3. Rèn kĩ năng quan sát và tìm ý.

         Quan sát là xem xét để thấy, để biết rõ sự vật, hiện tượng nào đó (quan: xem, xem xét - sát: xét - thẩm xét). Khi làm văn miêu tả cây cối nhất thiết phải cho học sinh tiếp xúc và quan sát kĩ cái cây mà mình tả bằng nhiều giác quan: mắt thấy, tai nghe, tay sờ... Điều quan trọng là học sinh được ngắm cây thật và quan sát nhiều lần, quan sát tỉ mỉ ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh. Trong quá trình quan sát đó, chúng ta còn hướng dẫn học sinh tìm ra những nét chung, nét tiêu biểu của cái cây mà mình tả.

Các em cần phải tìm ý đúng với đề bài và trọng tâm của bài. Đây là dịp để các em huy động những hiểu biết do quan sát, ghi chép ở thực tế và sách vở. Muốn tìm hiểu ý các em phải đặt ra câu hỏi: đề bài yêu cầu chúng ta miêu tả cây gì? Loại cây gì? Vào thời gian nào? Để làm được bài văn miêu tả cây cối này các em cần viết những ý nào? Ý nào có trong sách, ý nào quan sát từ thực tế đời sống? Ý nào lấy ở sổ tay văn học?

b. 3.4. Lập và hoàn thiện dàn ý chi tiết.

Để lập được dàn ý cho một bài văn hay thì việc đầu tiên các em phải tìm ý đúng với đề bài. Có ý rồi chúng ta sẽ sắp xếp ý thành một dàn ý rõ ràng cụ thể, hợp lí sẽ giúp các em làm tốt bài văn hơn. Dàn ý có thể chỉ là những nét chính, ý chính. Dàn ý cũng có thể chi tiết, tùy theo yêu cầu và thời gian làm bài. Chẳng hạn khi quan sát theo một trong hai trình tự trình tự thời gian hoặc không gian. Một cái cây cụ thể, có thể là cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa. Cây đó là cây được trồng ở khu vực trường em hoặc nơi em ở…, ghi chép lại những gì mình đã quan sát được vào giấy nháp, sau đó tôi tiến hành hướng dẫn các em lập dàn bài chi tiết.

Ví dụ: Lập dàn bài chi tiết chung cho bài văn miêu tả cây cối thường đi theo các bước sau.

1. Mở bài: Giới thiệu cây (hoặc tả bao quát về cây). Có thể mở bài bằng một trong những cách sau:

a)     Giới thiệu ngay cây cần tả (mở bài trực tiếp)

b) Nói về những chuyện có liên quan để dẫn giới thiệu cây cần tả (mở bài gián tiếp)

2. Thân bài:

Tả từng bộ phận của cây hay tả từng thời kỳ phát triển của cây.

a)     Tả bao quát.

- Tả tầm cao tán lá đặc biệt nổi bật của cây khi mới nhìn hoặc nhìn từ xa.

b) Tả chi tiết từng bộ phận của cây khi mới nhìn hoặc tả từng thời kỳ phát triển của cây.

- Tả lần lượt từng bộ phận của cây (từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên)

+ Rễ cây có đặc điểm gì?

+ Gốc cây to hay nhỏ?

+ Chiều cao của thân cây? Vỏ cây như thế nào?

+ Lá hình dáng, màu sắc? Tán lá có mấy tầng lá dày hay thưa?

+ Hoa: màu sắc, những nét đặc biệt về hình dáng hoa và các hoa?

+ Quả (nếu có) những nét đặc biệt về hình dáng màu sắc của quả, chùm quả.

- Hoặc tả từng thời kì phát triển của cây (Ra lá - Trưởng thành - Đơm hoa - Đậu quả)

- Tả cảnh vật hoặc các yếu tố liên quan đến đời sống của cây như gió, sương, chim chóc, sinh hoạt của con người…

- Kể một kỉ niệm đáng nhớ về cây.

3. Kết bài: Có hai kiểu kết bài.

- Nêu cảm nghĩ về cây là kết bài không mở rộng.

- Sau khi kết thúc việc miêu tả, em có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (Kết bài mở rộng).

b. 3. 5.  Hình thành câu - đoạn - bài văn:

Sau khi lập được dàn ý cho đối tượng cần miêu tả. Giáo viên giúp học sinh biết chọn từ, chọn câu văn và biết sử dụng nghệ thuật tu từ trong bài để bài văn có hình ảnh, có cảm xúc, gây ấn tượng với người đọc. Rõ ràng trong thực tế giảng dạy muốn có một bài văn hay thì phải có đoạn văn hay, muốn có đoạn văn hay cần có câu văn hay, có hình ảnh, mang sức gợi cảm, gợi tả, phản ánh đúng yêu cầu đề bài đặt ra. Song muốn có những câu văn có sức nặng như thế là yêu cầu học sinh biết dùng từ đúng nghĩa, sát nghĩa. Đây là điều quan trọng mà mỗi giáo viên không thể bỏ qua, phải coi đây là một khâu quyết định thành công hay thất bại của bài viết của học sinh.

Từ                Câu              Đoạn              Bài

b. 3.5.1. Rèn kĩ năng sử dụng từ chính xác.

Muốn viết được câu văn hay thì các em phải có kĩ năng sử dụng từ chính xác, lựa chọn từ ngữ nào hay nhất để làm cho câu văn có hồn. Muốn dùng được từ hay các em phải luôn có sự liên tưởng sự vật với nhau để lựa chọn được từ ngữ có hình ảnh và gợi cảm. Vì vậy trong tiết luyện tập viết đoạn văn tôi thường xuyên cho các em củng cố về từ ngữ qua dạng luyện từ dễ đến khó.

Ví dụ: Điền từ để câu văn giàu hình ảnh:

Hoa mai đẹp (rực rỡ) cánh hoa vàng (óng), mịn màng (như lụa).

Cánh mai vàng (rung rinh) trước gió.

Những (hạt nắng) (đan) vào cánh mai (lung linh).

Sau mỗi lần để học sinh chọn điền từ, tôi cũng để học sinh khác bình luận, nhận xét xem câu nào hay hơn. Trong tất cả các bài tập dùng từ đặt câu, tôi luôn hướng dẫn các em đặt một câu văn đủ ý, có hình ảnh để các em so sánh. Các em học chưa tốt môn văn có thể học hỏi được nhiều từ, câu của các bạn. Giáo viên nên khuyến khích và động viên học sinh dù là tiến bộ nhỏ. Nếu những câu quá khó giáo viên có thể gợi ý.

b. 3.5.2.  Rèn kĩ năng viết những câu văn sinh động, gợi tả, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.

Câu văn là một bộ phận của bài văn. Vì vậy, muốn có đoạn văn hay thì phải có câu văn hay. Để viết được những câu văn hay mang tính nghệ thuật trước tiên học sinh phải nắm được các dạng câu đã được học: Ai làm gì? Ai thế nào? Ai là gì? ...Câu khiến, câu hỏi, câu cảm. Khi dạy những kiểu câu này ta chỉ cần hướng dẫn tốt qua tiết Luyện từ và câu. Xác định các yêu cầu cơ bản học sinh phải nắm được và thường xuyên củng cố thật nhiều. Câu phải có hai bộ phận chính: chủ ngữ và vị ngữ. Ví dụ: Đặt câu và phân tích:

Hoa hồng thơm/ ngọt ngào lan tỏa khắp khu vườn.

Chủ ngữ                         Vị ngữ

Mít chín/ thơm nồng, ngọt sắc như vị của trứng gà quyện với mật ong già.

Chủ ngữ                        Vị ngữ

Cứ như vậy, luyện tập nhiều sẽ giúp học sinh có một kiến thức vững chắc về câu. Nếu một bài văn chỉ viết bằng một loại câu thì sẽ gây ra đơn điệu, không hấp dẫn người đọc. Khi viết ta nên thay đổi chủ thể của câu.

Ví dụ: Trước mắt em là thảm lúa xanh bao la.

Có thể đổi lại: Thảm lúa xanh như mở rộng dần ra trước mặt em.

Hay các em cũng có thể sử dụng câu có nhiều chủ ngữ, vị ngữ.

Ví dụ: Hoa mai, hoa cúc, hoa đào đua nhau khoe sắc đón xuân.

Bằng cách làm này, bài văn sẽ không lặp lại từ và bớt đi sự cứng nhắc khô khan, kể lể. Học sinh viết câu văn hấp dẫn hơn. Sau khi được luyện tập nhiều, học sinh có thói quen kết hợp ý để diễn đạt. Từ đó giúp học sinh có ý thức viết văn ngày càng chặt chẽ về ý, bài văn thêm sinh động, giàu xúc cảm, từ đó giúp các em thêm hứng thú học tập môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. Sau đây là một số ví dụ (bài tập) về cách dùng từ, viết câu văn sinh động:

Bài tập 1: Từ những câu văn đã cho, viết lại cho sinh động, gợi cảm xúc bằng cách thêm biện pháp nghệ thuật.

Bông hoa hồng xinh đẹp. Có thể viết lại như sau: Bông hoa hồng xinh đẹp đang tươi cười và thì thầm toả hương thơm. (Biện pháp nhân hoá).

Bài tập 2: Em có thể chọn một trong các từ sau: (âu yếm, mơn trớn, ôm ấp) Điền vào chỗ  chấm để tạo thành những câu văn gợi tả, gợi cảm.

Ví dụ: Nàng cúc ….. những giọt sương, cô vô tư để chúng ….lưng trên những cánh hoa vàng diễm lệ.

 Có thể viết lại như sau: Nàng cúc ôm ấpnhững giọt sương, cô vô tư để chúng ngả lưng trên những cánh hoa vàng diễm lệ

Bài tập 3: Diễn đạt lại những câu văn sau đây bằng cách thêm các từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật cho sinh động, gợi cảm.

Tán cây bàng xoè ra rất rộng. Có thể viết lại như sau: Tán cây bàng xoè ra rất rộng như một chiếc ô vững chãi che chở cho chúng em khỏi bị mưa gió.

b. 3.5.3. Rèn kĩ năng sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật tu từ.

Biện pháp so sánh: Sau mỗi bài học tôi yêu cầu học sinh tìm những câu văn trong bài có sử dụng biện pháp so sánh rồi chỉ ra cái hay, cái đẹp của biện pháp so sánh qua từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ: Với những cánh tay quều quào xòe rộng, nó như con quái vật già nua, cau có và khinh khỉnh giữa đám bạch dương tươi cười. (Cây sồi già - Lép Tôn - xtôi)

- Học sinh chỉ ra được hình ảnh so sánh trong câu là cành của cây được ví như những cánh tay quều quào xòe rộng. Hình ảnh nhân hóa: con quái vật già nua, cau có và khinh khỉnh giữa đám bạch dương tươi cười Để học sinh học tập được cách sử dụng nhân hóa và so sánh trong khi viết văn.

Ngoài ra tôi giới thiệu để các em nắm chắc biện pháp so sánh, nhân hóa bằng các cách sau:

Ví dụ: Tả hình dáng của một cây bàng cổ thụ, tôi đưa ra hai câu:

Câu 1: Thân cây to, cao.

Câu 2: Thân cây to, cao, nhìn xa như một chiếc ô khổng lồ.

Tôi cho học sinh nhận xét câu nào hay hơn (100% học sinh trả lời câu hai hay hơn vì nó tạo cho người đọc hình ảnh rất cụ thể nó to, cao đến chừng nào)

Để học sinh vận dụng tốt biện pháp này thì học sinh phải được luyện tập thường xuyên, vì nếu không luyện tập thì các kiến thức đó cũng mai một dần. Sau đây là một vài dạng bài tập mà tôi đã xây dựng trong tiết “Luyện tập xây dựng đoạn văn”.

Điền từ thích hợp vào chỗ trống tạo thành câu văn có hình ảnh so sánh gợi tả. Ví dụ: 1. Nhìn từ xa, cây bàng … một chiếc ô khổng lồ lợp bằng lá xanh tươi.

2. Những chiếc gai … những chú lính đứng trang nghiêm gác cho nàng công chúa hoa hồng.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Ở dạng bài này hướng dẫn các em chọn các từ sau để điền: “như, giống như, tựa, tựa như, tựa hồ, như là, giống hệt” vào 2 câu tạo câu văn hay hơn.

Hãy thêm vế câu để được hình ảnh so sánh thích hợp vào mỗi chỗ trống để mỗi dòng dưới trở thành câu văn có ý nghĩa mới mẻ, sinh động.

Lá cọ tròn xòe ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như (bàn tay vẫy hoặc một mặt trời mới mọc).

Với dạng bài này tôi giúp học sinh thường xuyên luyện tập chọn từ điền thoải mái, không áp đặt. Sau đó nhận xét tìm ra từ ngữ hay nhất, khen học sinh chọn từ để cho học sinh hứng thú học văn.

Biện pháp nhân hóa: Các em được tiếp xúc biện pháp nhân hóa từ khi còn trong vòng tay bế bồng của mẹ qua những lời ru cái cò, cái ốc. Rồi những câu chuyện cổ tích của bà, của cô giáo, các em đã được tiếp xúc với cả một thế giới phong phú của nghệ thuật nhân hóa. Để học sinh thấy được sự ưu việt của biện pháp nghệ thuật này, tôi đã cho các em so sánh các cặp ví dụ cụ thể:

Thân chuối màu đen khô ráp vì nắng gió. (1)

 Chị chuối thật giản dị trong bộ áo đen khô ráp vì nắng gió. (2)

Gốc hồng màu đen xám. (1)

Gốc hồng như một người mẹ già đi trong bộ áo xám đen nhường sắc non xanh cho hoa, cho lá. (2)

Không khó khăn cho học sinh trong việc lựa chọn, tất cả đều có chung một câu trả lời: Câu văn thứ hai hay hơn câu văn thứ nhất. “Nó hay hơn vì sao?” Nhiều học sinh lúng túng trước câu hỏi này. Tôi nghĩ giáo viên cần lí giải: Câu thứ hai hay hơn vì đã sử dụng biện pháp nhân hóa: Câu văn trở nên sinh động, đáng yêu vì đã có những suy nghĩ, tính cách của con người.

Sau khi các em nắm bắt được tác dụng của biện pháp này, tôi giới thiệu cho các em cách nhân hóa sự vật, gọi tên sự vật. Gắn suy nghĩ, tính cách, hoạt động của người vào sự vật. Ta cho các em luyện tập ngay một số dạng bài tập:

Tập nhân hóa cây cối bằng cách 1 hoặc cách 2. Nêu tâm trạng của các loài hoa vào mùa xuân.

Có thể gợi ý cho học sinh như sau:

Hồng nhung lộng lẫy trong chiếc áo đỏ thắm mịn màng khoe xuân.

Cúc vàng ủ rũ nhìn các bạn đi chơi hội xuân. Nó không còn bộ quần áo nào lành lặn cả.

Bằng cách luyện tập này thì việc vận dụng biện pháp nhân hóa vào bài tiến bộ rõ rệt.

Cảm xúc của người viết: Một bài văn hấp dẫn, gây ấn tượng với người đọc không thể thiếu “cảm xúc” của người viết. Cảm xúc không chỉ có phần kết luận. Nó phải được thấm đậm trong từng câu, từng lời của bài văn. Đối với học sinh nhỏ thì điều này thật trìu tượng. Bởi vậy ta không nên đòi hỏi các em một cách chung chung. Các em lồng được tình cảm của mình vào từng ý văn, giáo viên nên gợi ý cụ thể như sau:

Hoa hồng đẹp đến khó tả được. Khi ngắm nhìn hoa em cảm thấy như thế nào? (Hoa đẹp lộng lẫy say đắm lòng người).

Hương chuối chín thơm lừng gợi cho em cảm giác như thế nào? (Thèm được ăn ghê lắm).

Được ăn trái ngon em có suy nghĩ gì về người trồng cây? (Biết ơn người đã trồng).

Kết hợp được 3 yếu tố trên: Nội dung, nghệ thuật, cảm xúc thì bài văn của học sinh cũng đạt tới một thành công lớn. Nó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho ta vun trồng những năm học tới.

b. 3.5.4  Rèn kĩ năng liên kết câu thành đoạn.

Liên kết các câu ta có thành một đoạn văn tả cây cối học sinh biết dùng từ ngữ gợi tả, gợi cảm hài hòa để đối tượng miêu tả đẹp hơn trong mắt người đọc. Đối với học sinh có năng khiếu, giáo viên có thể gợi ý đặt câu hỏi để phát triển trí tưởng tượng, phát huy vốn từ của học sinh, đồng thời giúp các em biết cách quan sát, biết cách lồng ý trong khi miêu tả nhiều cây cối để các câu được gắn kết với nhau, hòa vào nhau làm cho đoạn văn hay và sinh động.

Ví dụ: Trăm loài hoa, nghìn loài hoa đều có hương thơm riêng. Nhưng mai vàng có mùi thơm rất đặc biệt, không có loài hoa nào sánh bằng. Đó là một loại nước hoa thiên nhiên ngào ngạt làm ta say ngây ngất. Khi bình minh dâng lên vườn mai tỏa hương. Mái tóc, làn môi, cánh mũi, quần áo… ta như được ướp hương mai nồng nàn quyến rũ. Cánh mai nhẹ nhàng rụng xuống đất, đất nâu như dát vàng.

b. 3.5.5. Rèn kĩ năng vận dụng những đoạn văn trong các bài tập đọc và một số đoạn văn sưu tầm được.

Dạy văn miêu tả đòi hỏi sự nhiệt huyết của giáo viên rất cao thì mới thấy được sự tiến bộ của học sinh, mới khơi gợi được ở các em niềm say mê, thích thú. Các em không chỉ viết tốt bài theo đề giáo viên yêu cầu mà còn có nhu cầu miêu tả những đối tượng yêu thích khác. Không chỉ trong tiết Tập làm văn mới dạy học sinh học viết văn, ta còn hướng dẫn các em trong các tiết học khác của môn Tiếng Việt trong giờ Luyện từ và câu, dạy dùng từ, đặt câu trong tiết, kích thích nhu cầu miêu tả một đối tượng nào đó trong khi tiếp xúc trò chuyện, hay các giờ ngoại khoá.

Ví dụ: Trong bài tập đọc Cây Tre. Qua bài đọc giúp các em cảm nhận được cây tre như thế nào? Học sinh có thể trả lời: một trong các ý sau: “Nhìn từ xa lũy tre làng như một bức tường bao quanh thôn xóm. Tới gần mới thấy bức thành ấy được tạo bởi nhiều cây tre gầy guộc, khẳng khiu. Cây nọ nương tựa vào cây kia, bất chấp nắng mưa, bão dông, vươn lên trên cao đón nhận ánh mặt trời. Các cụ già trong làng thường bảo: cây tre cũng giống như người dân quê một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, bất chấp kiên cường.”

Sau khi từng em trả lời giáo viên có thể tóm tắt lại những ý hay cho học sinh học tập.

b. 3.5.6. Rèn luyện kĩ năng nói trong giờ Tập làm văn.

Cùng với kĩ năng đọc, viết, nghe, phân môn Tập làm văn 4 dạy cho học sinh kĩ năng nói trong giờ học văn miêu tả. Thông qua các bài tập thực hành luyện nói theo các đề tài hoặc tình huống cho trước, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Xác định nội dung cần nói. (Nói về nội dung gì? Gồm những ý gì? Sắp xếp các ý đó ra sao?...)

Chọn từ, tạo câu để triển khai các ý cần nói thành từng đoạn văn cụ thể và liên kết các đoạn thành bài văn theo yêu cầu của đề bài.

Lắng nghe ý kiến đóng góp của bạn bè, cô giáo để tự kiểm tra, đối chiếu văn bản để tự biết sửa lỗi về nội dung, hình thức diễn đạt.

Quan tâm, rèn luyện kĩ năng nói cho học sinh theo những yêu cầu trên của giáo viên vừa giúp các em nâng cao năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ, phát triển tư duy vừa tạo điều kiện cho kĩ năng viết phát triển tốt.

b. 3.5.7. Thực hiện nghiêm túc tiết trả bài tập làm văn.

- Chuẩn bị:

+ Nhận xét bài thật kĩ, thấy rõ ưu, nhược điểm của từng bài viết; chữa lỗi tiêu biểu cần khắc phục ngay cho các em.

+ Ghi lại các lỗi của học sinh theo từng loại: Lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt…ghi lại các từ, câu, đoạn văn hay.

+ Nhận xét chung về ưu, nhược điểm trong bài viết của học sinh.

- Trong giờ trả bài

+ Đây là tiết học thực hiện nhóm bài tập kiểm tra điều chỉnh. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc lại đoạn đã viết, tự kiểm tra đối chiếu với mục đích yêu cầu đặt ra lúc đầu để tự đánh giá, sửa chữa bài viết của mình. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh xem xét cả nội dung và hình thức diễn đạt. Có thể cho học sinh luyện viết lại đoạn, bài.

Tiến hành đúng như quy trình đã hướng dẫn (Linh hoạt về thời gian thực hiện các bước, hình thức tổ chức sửa lỗi như thảo luận nhóm, tuỳ theo kết quả bài viết của học sinh).

 Lưu ý: Học sinh phải thấy được lỗi trong bài văn của mình và của bạn; sửa được lỗi đó và ghi nhớ nó; hiểu rõ và có nhu cầu học hỏi những từ, câu, đoạn văn hay, giàu hình ảnh và sức gợi tả. Trước khi cho học sinh học hỏi những từ, câu, đoạn văn hay cần lưu ý cho các em đọc lên (thành tiếng và đọc thầm). Khen ngợi, động viên kịp thời: Để kích thích học sinh học tập trình bày trước lớp sao cho lưu loát, nhất thiết giáo viên luôn tặng cho các em những lời khen thích đáng. Các em sẽ phấn khởi, tự tin hơn và phát huy được khả năng  của bản thân, từ đó loại bỏ được những lo âu, tự ti cố hữu.

c. Mối liên hệ giữa các giải pháp, biện pháp:

Giáo viên cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm để áp dụng vào dạy tập làm văn miêu tả cây cối. Giáo viên cũng nên chú ý việc cảm nhận về cây cối của trẻ em khác người lớn. Trong con mắt của người lớn, thế giới, loài vật hoa cỏ vốn vô tri, vô giác nhưng qua cái nhìn của trẻ thơ chúng lại là những sinh thể có hồn vừa là nó vừa không là nó.

Liên hệ chặt chẽ với chuyên môn nhà trường để được hỗ trợ kịp thời khi thực hiện. Hướng dẫn học sinh làm tốt việc tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa  học sinh với giáo viên, giữa môn tiếng Việt với các môn học khác trong chương trình lớp 4.

d. Kết quả khảo nghiệm giá trị khoa học của đề tài.

Để minh chứng  cho sự thành công của sáng kiến kinh nghiệm, tôi khảo sát lớp 4A8 (Lớp do tôi giảng dạy năm học 2018-2019, là lớp tôi áp dụng SKKN) và so sánh với kết quả của lớp 4A9 (lớp do tôi giảng dạy năm học 2017-2018, là lớp tôi chưa áp dụng sáng kiến kinh nghiệm). Cả 2 lớp đều cùng  thể loại văn miêu tả cây cối như nhau nhưng thu được kết quả khác nhau:

Năm học: 2017 - 2018. Tổng số học sinh lớp 4A9: 32 em. Nữ: 18 em.

Năm học: 2018 – 2019. Tổng số học sinh lớp 4A8: 36em. Nữ: 20 em.

 

Khả năng làm bài văn miêu tả cây cối của học sinh lớp 4.

Lớp 4A9

2017 - 2018.

Lớp 4A8

2018 - 2019.

Số em

Tỉ lệ

Số em

Tỉ lệ

- Viết bài văn miêu tả cây cối chưa đúng bố cục. Chưa đủ 3 phần.

 

6

 

18,8%

 

1

 

2,8%

- Biết lập dàn bài văn miêu tả cây cối, viết bài văn đủ 3 phần.

 

10

 

31,2%

 

6

 

16,7 %

- Biết viết câu văn rõ ý, đúng ngữ pháp, dùng từ ngữ sát nghĩa. Bài văn có đủ 3 phần.

 

7

 

21,9%

 

7

 

19,4%

- Biết sắp xếp ý chặt chẽ dùng từ ngữ có tác dụng gợi tả, gợi cảm, sử dụng biện pháp tu từ đơn giản.

 

6

 

18,8%

 

10

 

27,8%

Bài văn có cách sắp xếp chặt chẽ viết được mở bài gián tiếp và kết bài mở rộng.

 

3

 

9,3%

 

12

 

33,3%

3. KẾT LUẬN - KHUYẾN NGHỊ.

3.1. Kết luận.

Với cách dạy như vậy, nếu áp dụng tốt tôi thiết nghĩ sẽ mang lại kết quả cao. Phát huy được khả năng sử dụng Tiếng Việt và khả năng sử dụng từ ngữ của học sinh (gợi tả, gợi cảm…), khả năng dùng biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa…) Vì thế người giáo viên khai thác triệt để trong từng lúc, từng nơi trong lúc dạy cũng như trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp để học sinh có vốn Tiếng Việt. Giáo viên cần biết vận dụng cho từng đối tượng học sinh, không tham lam, nôn nóng, vội vàng. Tuy nhiên, để thành công khi dạy văn miêu tả cây cối, mỗi giáo viên đều phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Nắm chắc mục tiêu môn học, bài học.

- Luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức và trình độ hiểu biết.

- Linh hoạt trong phương pháp giảng dạy.

- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

- Luôn thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học.

- Phối hợp với các hoạt động ngoài giờ để tích luỹ vốn hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn giàu cảm xúc của các em.

- Luôn kiểm tra, đánh giá mức độ và kịp thời ghi nhận sự tiến bộ của học sinh.

- Chuyển sự đánh giá kết quả học tập của giáo viên thành kĩ năng tự đánh giá của học sinh.

- Đồng thời, bản thân thầy cô giáo cũng cần tích cực tham khảo thêm nhiều tài liệu, chịu khó đọc sách báo để tự làm giàu thêm vốn từ, chất văn, áp dụng phù hợp vào từng ngữ cảnh cụ thể. Chuẩn bị hệ thống câu hỏi chu đáo, tranh ảnh, video clip phong phú nhưng gần gũi, phù hợp với học sinh.

Với những giải pháp nêu trên việc sử dụng từ ngữ trong miêu tả cây cối của các em có kết quả rõ rệt: Bài văn dài hơn, phong phú hơn, không còn những bài văn quá ngắn như trước nữa. Những giải pháp trên chỉ là một vấn đề nhỏ để rèn kĩ năng cho các em khi viết văn miêu tả cây cối được tốt hơn. Trong quá trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp đóng góp ý kiến để tôi rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn.

3.2. Kiến nghị

- Đối với phòng Giáo dục Đào tạo:

Mở chuyên đề về dạy TLV thường xuyên với tất cả các khối 2, 3, 4, 5 để giáo viên tham gia học tập, cùng học hỏi ở đồng nghiệp để phục vụ cho công tác giảng dạy đạt kết quả hơn nữa. Tổ chức giao lưu học hỏi các đồng nghiệm trong và ngoài tỉnh có khả năng dạy phân môn tập làm văn có chất lượng cao để chia sẻ kinh nghiệm.

- Đối với nhà trường:

Tổ chức ngoại khóa với hình thức: ‘Thi đố vui để học” nhằm ôn lại những kiến thức học sinh đã được học nhằm giúp các em khắc sâu hơn khi vận dụng. Mở chuyên đề về dạy tập làm văn ở tất cả các khối lớp thường xuyên để giáo viên tham gia học tập.

- Đối với phụ huynh:

Cần quan tâm, tạo mọi điều kiện như thời gian, sách vở để giúp các em học tốt ở nhà. Không chú trọng môn Toán mà xem nhẹ môn Tiếng Việt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách giáo khoa, sách giáo viên, thiết kế bài giảng môn Tiếng Việt lớp 4 (Nguyễn Minh Thuyết).

2. Bồi dưỡng thường xuyên (Trần Thị Minh Phương).

3. Đổi mới phương pháp dạy học Tiểu học (Vũ Dương Thụy).

4. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê).

5. Từ điển Tiếng Việt cơ bản (Nguyễn Như Ý).

6. Từ điển Tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học).

7. Các tài liệu tham khảo về phương pháp dạy văn miêu tả.

- Văn miêu tả và phương pháp dạy độc đáo của Mai Phương.

- Dạy và học văn miêu tả dễ hay khó? (Wellspring).

- Bí quyết viết văn miêu tả. (Lê Thị Mai)

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post