Skkn Rèn kỹ năng tự đọc, viết vở 5 dòng li cho học sinh lớp 1 đạt kết quả cao

 


1. Tên sáng kiến: “Rèn kỹ năng tự đọc, viết vở 5 dòng li cho học sinh lớp Một đạt kết quả cao”.

2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Công tác giảng dạy.

3. Mô tả bản chất của sáng kiến:

3.1. Tình trạng giải pháp đã biết:

Trước đây, khi học sinh mới vào lớp Một nhiều em còn chưa biết cách cầm bút và đọc chữ như thế nào. Mọi việc đều nhờ vào sự hướng dẫn của giáo viên để học sinh có thể thực hiện một cách đồng loạt đạt yêu cầu trong một tiết học. Đa số các em đều đọc vẹt theo cảm tính và có thể nhìn hình đoán chữ đọc đúng nhưng thật ra các em hoàn toàn không biết mặt chữ.

Giờ đây, với cuộc sống ngày càng tiến bộ, các em được sự quan tâm và dạy dỗ rất chu đáo của gia đình, hầu hết các em đều được học qua lớp mẫu giáo. Thậm chí có em được phụ huynh trang bị trước kiến thức trước khi chuẩn bị vào lớp Một. Chính vì thế, vốn hiểu biết và các kỹ năng thực hành đơn giản của các em khá tốt, em nào cũng tiếp thu được các kiến thức cơ bản do giáo viên cung cấp. Đó cũng chính là một trong những điều kiện thuận lợi giúp các em phát huy vai trò tự đọc, viết có hiệu quả.

Từ thực tế nêu trên, chúng tôi đã mạnh dạn nghiên cứu sáng kiến: Rèn kỹ năng tự đọc, viết vở 5 dòng li cho học sinh lớp Một đạt kết quả cao” nhằm giúp học sinh lớp Một mở rộng vốn hiểu biết hơn nhờ vào ý thức tự đọc, viết của các em.

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

3.2.1. Mục đích của giải pháp:

Các em tự đọc, viết ở trường cũng như ở nhà tự lập theo khả năng.

Tự giác viết lại bài đã học theo hướng dẫn của giáo viên.

Tự đọc được các bài đọc ngoài sách giáo khoa như: sách, báo, truyện tranh, …

3.2.2. Nội dung giải pháp:

3.2.2.1.Tính mới, sự khác biệt của giải pháp mới so với giải pháp cũ:

a) Giải pháp cũ: Trước đây, do khả năng tiếp thu của học sinh còn chậm, thời lượng dành cho một tiết học có giới hạn nên giáo viên chỉ hướng dẫn cho học sinh viết bài trong vở Tập viết theo quy định. Hoặc do số lượng học sinh của lớp đông nên số lần đọc cá nhân dành cho một học sinh không được nhiều.

Bên cạnh đó, một số cha mẹ học sinh dạy các em đọc bài trước ở nhà nhưng theo cách học thuộc lòng.

Giáo viên chưa mạnh dạn cho học sinh đọc bài ngoài sách giáo khoa, viết bài vừa học vào vở 5 dòng li vào thời điểm đầu năm học. Việc này vô tình khiến các em chưa phát huy được tính tự giác học tập của mình.

b) Giải pháp mới:

Rèn học sinh phải tự đọc, viết được, không học thuộc lòng nhằm hình thành tính tự giác và rèn kỹ năng đọc, viết tốt.

Phối hợp với cha mẹ học sinh kiểm tra, nhắc nhở các em tự đọc ở nhà cho tốt tránh đọc vẹt, học thuộc lòng. Hướng dẫn cho cha mẹ học sinh biết cách dạy đọc, viết cho con em ở nhà đúng cách.

Tổ chức cho các em đọc các bài đọc ngoài sách giáo khoa và luyện viết bài trong vở 5 dòng li ngay đầu năm học.

Thi đọc truyện tranh sau cuối buổi chiều của ngày phụ đạo và các tiết học bồi dưỡng.

c) Tính mới, sự khác biệt của giải pháp mới so với giải pháp cũ:

- Giải pháp mới là: Tạo mọi điều kiện cho học sinh đọc, viết được một cách tự giác. Hướng dẫn cách đọc và viết đúng theo yêu cầu của giáo viên. Thời gian đầu động viên, khuyết khích học sinh không cần đọc nhanh, lưu loát mà chỉ cần đọc đúng, viết đúng rồi dần quen sẽ tự đọc, viết tốt hơn. Tuyệt đối giáo viên không cho các em học thuộc lòng để tự nhận diện âm, vần mà đánh vần nhẩm thành tiếng biết đọc, viết tự lập không cần sự trợ giúp. Như thế sẽ hình thành thói quen và phát huy tính tích cực rèn luyện kỹ năng đọc, viết tốt cho các em.

- So với giải pháp cũ trước đây :

Học sinh chưa biết tự đọc, viết chỉ biết nhìn hình đoán chữ, nhẩm đọc theo để thuộc lòng. Giáo viên chỉ hướng dẫn các em đọc bài trong sách giáo khoa.

Cha mẹ học sinh chưa biết cách hướng dẫn các em đọc và viết đúng, không dành thời gian nhiều để kiểm bài đọc, viết của các em.

Học sinh chưa tự giác thực hiện việc đọc, viết bài sau mỗi bài học một cách tích cực, chưa tìm tòi, khám phá cái mới lạ ngoài bài học trong sách giáo khoa.

3.2.2.2. Các bước thực hiện của giải pháp:

Bước 1: Phối hợp với cha mẹ học sinh về cách dạy đọc, viết cho học sinh:

Vào đầu năm học và lần tổ chức họp hội cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên dành ít thời gian hướng dẫn phụ huynh phối hợp với giáo viên trong cách dạy các em tự học ở nhà, dành thời gian kiểm tra đọc, tránh trình trạng cho các em đọc thuộc lòng. Kiểm tra đọc bài cũ và chuẩn bị bài tiếp theo cho tốt. Xem cách viết âm, vần trong vở 5 dòng li có đúng và chính xác chưa, nhắc nhở các em chỉnh sửa lại nếu có sai. Như thế mới tạo thói quen tự giác thực hiện các nhiệm vụ học tập khác khi giáo viên yêu cầu.

        Bước 2: Rèn đọc âm, vần, câu:

Ở giai đoạn học chữ cái là giai đoạn cực kì quan trọng. Với trình trạng các em mau quên, thiếu tập trung nên yêu cầu các em đọc được 29 chữ cái là cả một quá trình gian nan. Muốn được như vậy, giáo viên phải dạy các em đọc kỹ, làm sao cho các em nắm chắc được cấu tạo, đọc đúng từng chữ cái. Để giúp các em nhớ âm “o, ô, ơ” thì ngoài việc cho các em nắm cấu tạo, nhớ mặt chữ, có thể cho các em đọc những câu thơ vui, dễ nhớ như: “O tròn như quả trứng gà. Ô thì đội mũ. Ơ thì có râu. oa  hai chữ khác nhau. Bởi vì a có móc câu bên mình”.

 Đó là các âm đơn còn đối với các âm ghép thì các em không thể nhớ, hay lẫn lộn giữa âm này với âm khác: ng, qu, gi, tr, ch, th, ph, …giáo viên cho các em gom những âm ghép có âm “h” đứng sau thành một nhóm để các em dễ phân biệt được sự giống nhau và khác nhau.

 Các âm ghép có âm “h” đứng sau: ch- c, nh- n, th- t, kh- k, gh- g, ph- p, ngh- ng.                                                       

Cho các em đọc những câu ngắn ngoài sách giáo khoa để kiểm tra sự nhận diện chữ của các em. Tránh trình trạng cách học thuộc lòng, học vẹt.

Ví dụ: Luyện đọc bài: Chia quà

            Bà ở quê ra. Bà chia quà cho cả nhà.

            Bố có trà. Mẹ có cá. Nga có mía.

            Ơ, bà chả chia quà cho bà nhỉ ?

            À, bà đã có bé Nga là quà quý.

 Theo chúng tôi sau phần học âm thì các em phải đọc, viết một cách chắc chắn các âm đơn và âm ghép. Có như vậy đến phần vần các em sẽ tiếp thu nhanh hơn.

Còn về phần vần giáo viên sẽ hướng dẫn các em nắm chắc cấu tạo của từng vần và cách phát âm, giáo viên gọi các em đọc thật nhiều lần. Yêu cầu các em nhẩm theo bạn đọc chính xác chưa để điều chỉnh cho đúng. Khi nêu cấu tạo vần, đối với những vần dễ, giáo viên gọi các em nêu cấu tạo, nhằm giúp các em nhớ lâu hơn và ôn lại các âm đã học.

Ngoài ra giáo viên thường xuyên đôn đốc, khuyến khích, tuyên dương các em đọc tốt những câu ở ngoài bài sao cho phù hợp với nội dung các em đã đọc, nhằm kiểm tra mức độ nhận diện âm, vần của các em.

Ví dụ: Luyện đọc bài: Xe tải. Giáo viên cho HS tìm tiếng có vần oi-ai và luyện  đọc tiếng, từ, câu, cả bài.

“Chú Hai lái xe tải. Xe của chú chở đồ cho mọi nhà. Khi thì chú chở ngói,chở đá. Khi thì chú chở đồ gỗ. Bé Tài có cái xe nho nhỏ. Bé chở thỏ chở nai của bé. Xe của bé chỉ đi ở nhà.”

Bước 3: Luyện viết vở 5 dòng li:

Khi giáo viên dạy xong bài âm hay vần thì giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em tái hiện các âm, vần đã học lần nữa qua cách tự viết vào vở 5 dòng li. Vì trong thời điểm này các em chưa có khả năng tự viết bài vào vở 5 dòng li. Các em chỉ biết viết theo mẫu tập viết như giáo viên hướng dẫn các em trong giờ học.

Để học sinh thực hiện đúng theo yêu cầu, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cặn kẽ từng bước một, giáo viên trình bày bài viết trên bảng lớp đã kẻ dòng giống như vở 5 dòng li. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh chấm ô, bỏ dòng như thế nào cho đúng một bài viết của học sinh lớp Một. Khi các em hiểu rõ thì giáo viên sẽ cho các em quan sát viết mẫu một lần. Mấy lần viết đầu tiên các em còn thấy khó khăn nhưng viết như thế lặp lại hằng ngày thì các em quen dần không cần cô viết mẫu mà tự chấm ô, nhìn chữ in trong sách viết bằng chữ viết thường (hay viết hoa nếu là chữ đầu câu) vào vở ngay. Cả lớp đều viết từng dòng chữ ngay ngắn thẳng hàng cứ dòng thứ nhất, dòng thứ hai viết mỗi dòng 4 vần; dòng thứ 3, dòng thứ 4 viết mỗi dòng 2 từ; các dòng còn lại thì viết câu hay đoạn văn…Tập luyện cho các em như thế khi đến lúc kiểm tra học kỳ I các em sẽ không bỡ ngỡ và tự tin trình bày bài viết trên giấy kiểm tra. Ngoài ra còn giúp các em luyện chữ viết ngày càng đẹp hơn để giáo viên phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, tạo nguồn để cho các em dự thi viết chữ đẹp các cấp tổ chức đạt hiệu quả.

Bước 4: Thi đọc truyện tranh:

          Để giúp các em đọc tốt giáo viên đã tạo cho các em một góc đọc nhỏ trưng bày những quyển truyện tranh phù họp với lứa tuổi các em. Hằng ngày, trước buổi học và giờ ra chơi các em sẽ tự do đọc truyện. Như vậy các em sẽ mau tiến bộ về đọc và các em viết cũng ít sai chính tả hơn.

          Hàng tuần vào chiều thứ ba (tổ 1, 2), thứ sáu (tiết 3: tổ 3, 4) là giờ giáo viên phụ đạo và bồi dưỡng học sinh. Giáo viên sẽ dành thời gian cuối buổi tổ chức cho các em thi đọc truyện tranh. Nếu em nào trong tổ đọc hay lưu loát mà các bạn trong lớp bình chọn đồng ý là bạn đọc tốt nhất thì sẽ được tuyên dương trước tập thể, được nhận phần thưởng là một quyển truyện tranh cổ tích. Chắc chắn món quà này các em rất thích nên em nào cũng ráng tranh thủ thời gian ra chơi ít hơn để dành thời gian đọc truyện nhiều hơn để được thầy cô thưởng quà.

          Các em ham thích đọc truyện thì tất nhiên các em sẽ đọc tốt. Lâu dần sẽ tạo cho các em có giọng đọc truyền cảm, giáo viên phát hiện để bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh dự thi kể chuyện sách do ngành tổ chức đạt kết quả cao.

3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp:

Sáng kiến: “Rèn kỹ năng tự  đọc, viết vở 5 dòng li cho học sinh lớp Một đạt hiệu quả” có khả năng áp dụng đạt hiệu quả tốt ở các trường thuộc huyện Chợ Lách.

3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp:

Vận dụng sáng kiến trong năm học 2017-2018, qua thời gian thực hiện cho đến nay, chúng tôi thấy kết quả tương đối khả quan. Đa số học sinh khối Một đã đọc và viết được các âm đơn và âm ghép. Các em nắm được cấu tạo, đọc và viết được các vần, từ và câu ứng dụng trong sách giáo khoa khá lưu loát.

 Các em đọc đúng, đọc thông là nhờ giáo viên thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các em đọc, viết và phụ đạo cho các em đọc nhiều thêm. Tất cả các em đều thực hiện như thế trong tiết Học vần từ đầu năm cho đến học kì 1 này các em đã viết rất thành thạo tất cả các bài trong sách giáo khoa và kể cả những bài ngoài chương trình của sách. Đa số các em trong đợt kiểm tra học kì 1 vừa qua bài viết chính tả rất đúng và chữ rõ đẹp.

Việc quan tâm đến từng học sinh nhất là những em đọc, viết yếu, luôn dành cho các em một thái độ khích lệ, động viên giờ đây các em đều tự đọc, viết tốt.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post