Skkn Biện pháp giáo dục học sinh cá biệt lớp 8 có hiệu quả

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “Biện pháp giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả”

 2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Không

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (công tác chủ nhiệm)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu:

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên làm chủ nhiệm và nâng cao kết quả học tập, rèn luyện đạo đức, nề nếp, tác phong cũng như việc thay đổi nhận thức, thay đổi nhân cách của các đối tượng học sinh cá biệt.

5.2. Nội dung sáng kiến:

5.2.1.Thực trạng:

Trường học là nơi đào tạo nhiều thế hệ học trò, là môi trường tạo dựng cho đất nước những con người xã hội chủ nghĩa – có đủ tài năng trí tuệ và những phẩm chất đạo đức cách mạng, để sau này thực sự là người của dân, vì nhân dân mà cống hiến. Người trực tiếp đào tạo những con người như thế không ai khác là giáo viên, giáo viên giảng dạy bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp.

Trong thực tế, công tác chủ nhiệm lớp là công tác vô cùng khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, mỗi một  tập thể lớp đều có những đặc thù riêng của lớp đó. Có lớp như thế này, có lớp như thế khác: nào là học sinh cá biệt về học tập, về đạo đức, nào là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, con mồ côi, bố mẹ li thân, bố mẹ đi làm ăn xa…

Thực tiễn là như vậy, nhưng chúng ta đã biết, nhiệm vụ của trường học là “dạy” và “giáo dục”, giáo dục các em học sinh nên người, kể cả “học sinh cá biệt”. Giáo dục “học sinh cá biệt” là một thử thách, bản lĩnh, lòng vị tha của thầy, cô. Giáo dục học sinh hư thành con ngoan trò giỏi, công dân tốt, để xã hội bớt đi một người xấu. Vậy làm sao để giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả. Người có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất đối với các em không ai khác chính là giáo viên chủ nhiệm vì giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi nhất với các em khi ở trường. Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng tiếp cận với các em qua những giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu buổi, những buổi lao động, những giờ ngoại khóa,… Những lúc như thế giáo viên chủ nhiệm là người hiểu các em nhiều nhất từ đó giáo viên chủ nhiệm hiểu được tính cách cũng như hoàn cảnh của các em mà có được những biện pháp giáo dục các em có hiệu quả đặc biệt là đối với các em học sinh cá biệt.

5.2.2. Cơ sở lý luận

Thông qua quá trình lâu dài, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, bản thân luôn đặt ra mục tiêu là: Làm thế nào để giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc công tác chủ nhiệm mà lãnh đạo nhà trường giao phó?

Do đó, với vai trò là một giáo viên có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm ở trường THCS, tôi đã đúc kết được một số biện pháp giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả mà bản thân đã và đang vận dụng giáo dục học và đã đạt được những kết khả quan 

nhằm nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên làm chủ nhiệm và nâng cao kết quả học tập, rèn luyện đạo đức, nề nếp, tác phong cũng như việc thay đổi nhận thức, thay đổi nhân cách của các đối tượng học sinh cá biệt. Sau đây tôi xin trình bày một số biện pháp nhỏ của mình trong việc giáo dục “học sinh cá biệt” đã được bản thân nghiên cứu thực hiện, áp dụng và đạt kết quả khả quan trong năm học 2019-2020.

5.2.3. Những biện pháp giáo dục học sinh cá biệt

a.Tiếp xúc với học sinh cá biệt.

Giáo viên chủ nhiệm phải tìm thời gian phù hợp tiếp xúc, nói chuyện thường xuyên với học sinh cá biệt để biết các em cần gì, các em là người như thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao. Có tiếp xúc với các em mới kéo ngắn được khoảng cách giữa thầy và trò, các em không còn e ngại, rụt rè, chắc chắn sẽ tự tin hơn và mạnh dạn bộc bạch những thiếu sót của bản thân…Từ đó giáo viên mới tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để giáo dục các em.

b.Phối hợp với gia đình học sinh

Công tác chủ nhiệm của một giáo viên thành công hay không đừng bao giờ quên phối hợp với gia đình học sinh vì đây là một biện pháp rất quan trọng.

Đến thăm gia đình học sinh giáo viên mới hiểu rõ được hoàn cảnh của các em . Có nhiều em cha mẹ có quan tâm, gia đình có điều kiện nhưng vẫn trở nên cá biệt. Nhưng có những học sinh gia đình lao động nghèo, cha mẹ ít có thời gian quản lý, chỉ bảo chuyện học hành của con cái, có thể nói là họ giao con mình cho thầy cô. Đến khi được giáo viên chủ  nhiệm báo cho biết về tình hình học tập, rèn luyện đạo đức họ mới vỡ lẽ. Có gia đình thực sự khổ tâm vì con, nhưng cũng có gia đình xem như chẳng có chuyện gì, thậm chí chẳng cần thiết phải nghe thông tin từ giáo viên. Có em thì tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em xong giáo viên mới thực sự hiểu được hoàn cảnh của các em thật sự bế tắc , đáng thương vì mẹ bỏ, cha bỏ phải sống với dì, dượng hoặc ông bà hoặc người thân quen, nếu như chúng ta không đi thăm kịp thời giúp đỡ mà chỉ soi xét vào những lỗi lầm các em gây ra ở trường, ở lớp mà la mắng, mà cho viết kiểm điểm mà cho hạnh kiểm yếu kém thì vô tình giáo viên sẽ đẩy các em đi xa hơn nữa, các em sẽ không bao giờ tiến bộ được thậm chí các em sẽ bỏ học và trở thành một người xấu trong xã hội.Việc đến thăm gia đình học sinh không phải lúc nào người giáo viên cũng nhận được sự hoan nghênh, đón tiếp, có nhiều gia đình khi giáo viên đến trao đổi về vấn đề của con em họ nhưng họ lại không chịu phối hợp, hợp tác. Nhưng  giáo viên chủ nhiệm đừng bao giờ nản lòng, thậm chí phải tác động nhiều lần để cùng gia đình các em bàn bạc về việc giáo dục học sinh đến khi nào có kết quả. Và điều cần lưu ý là khi giáo viên chủ nhiệm trao đổi cùng phụ huynh học sinh phải có mặt học sinh để các em hiểu được sự quan tâm chân thành của thầy, cô dành cho các em từ đó các em sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn.

c.Phối hợp với ban giám hiệu nhà trường

Mỗi tháng ban giám hiệu tổ chức họp hội đồng sư phạm một lần để đánh giá cũng như đề ra kế hoạch chủ nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm của cả trường cũng như các khối lớp. Trong những cuộc họp đó nếu như có những phản ánh vể những học sinh cá biệt của lớp tôi hay có những kế hoạch giúp đỡ học sinh vượt khó tôi luôn trao đổi luôn về hoàn cảnh của những học sinh này trong cuộc họp để nhận được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của ban giám hiệu và của các thầy cô liên quan tới lớp tôi chủ nhiệm để trong quá trình tôi thực hiện nhiệm vụ nếu như gặp khó khăn chẳng hạn khi gặp phải những gia đình không hợp tác vì con em của họ học yếu, quậy phá, muốn con em họ  nghỉ học để đi làm thì tôi có thể nhờ ban giám hiệu phối hợp với chính quyền địa phương tới can thiệp, hoặc đề nghị ban giám hiệu giúp đỡ về kinh phí hỗ trợ học tập hoặn miễn giảm cho các em để các em có điều kiện học tập.

d. Phối hợp với các giáo viên bộ môn

GVCN phải thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn về tình hình học tập của lớp đặc biệt là của các em học sinh cá biệt để nắm giáo viên bộ môn bắt được khả năng trình độ cũng như hoàn cảnh của các em mà có phương pháp giảng dạy thích hợp hoặc quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho các em về điểm số, tuyên dương, cộng điểm để khuyến khích các em .

e.Phối hợp với Đội

GVCN cũng thường xuyên phối hợp với các thầy cô phụ trách công tác đội, để thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh lớp mình cũng như phối hợp để giáo dục học sinh cá biệt của lớp, tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động bên đội nhiều hơn nếu có thể để các em hoàn thiện mình hơn, hòa đồng với các bạn chung lớp, chung trường nhiều hơn.   

Đặc biệt các em sẽ được rèn luyện thêm nhiều phẩm chất của người học sinh cần có như là: tình đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần cầu tiến. Đồng thời cũng xin sự hỗ trợ về vật chất từ bên đội (nếu có).

f. Phối hợp với hội cha mẹ học sinh của lớp.

Hội cha mẹ học sinh trong lớp là nhân tố rất quan trọng của giáo viên chủ nhiệm, họ là những người luôn sát cánh với giáo viên chủ nhiệm trong việc giúp cho lớp chủ nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ của nhà trường, Cho nên giáo viên chủ nhiệm có thể đề xuất họ giúp đỡ những học sinh khó khăn của lớp đặc biệt là những em cá biệt mà hoàn cảnh khó khăn thì lại càng phải quan tâm nhiều hơn bằng hình thức tặng tập vở ,quà cho các em mặc dù các em không có thành tích trong học tập để các em nhận ra ở trường các em luôn được mọi người yêu thương và quan tâm từ đó các em sẽ luôn cố gắng hoàn thiện mình để không phụ tình yêu thương của thầy cô,của các cô, các bác....và từ đó sẽ giúp các em tiến bộ.

g. Phối hợp với tập thể lớp

Sự giúp đỡ của tập thể lớp cũng rất quan trọng. Ngoài những lúc ở nhà, bạn cùng lớp là những người các em phải tiếp xúc nhiều nhất. Học sinh cá biệt không thể tiến bộ được nếu như tập thể lớp không đoàn kết, không yêu thương giúp đỡ bạn mà lại có biểu hiện kì thị, xa lánh, nói xấu bạn bè đặc biệt là đối với những học sinh cá biệt. Ở nhà gặp hoàn cảnh gia đình đã chán, thường bị bố mẹ la mắng, thậm chí đánh đập mà lên trường cũng chẳng có gì vui, bạn bè nói xấu, đố kị, thách thức thì dĩ nhiên những em học sinh cá biệt này không những không tiến bộ mà còn có thể quậy phá hơn nữa và sẽ thường xuyên vi phạm nội quy nhiều hơn như chửi tục, đánh nhau, không cần học bài, làm bài là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra. Do đó giáo viên phải xây dựng được một tập thể lớp đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè. Có thể kể về hoàn cảnh của những em cá biệt cho các em cùng lớp, hoặc một số em thân thiết với học sinh cá biệt đó biết nhưng phải hết sức khéo léo không để em học sinh cá biệt đó ngại với các bạn, để các bạn cùng lớp hiểu, thông cảm và từ đó quan tâm giúp đỡ những em cá biệt này. Trong lớp giáo viên có thể xếp cho em cá biệt ngồi cạnh những em học tốt và có tính cách cởi mở, hòa đồng sẵn sàng giúp đỡ bạn để có thể giúp đỡ em cá biệt này tiến bộ trong học tập, phải làm cho em các em thấy được “ Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thì các em sẽ tiến bộ rất nhanh.

Nói tóm lại có rất nhiều giải pháp để giúp dục học sinh cá biệt tiến bộ, tùy theo mỗi giáo viên, mỗi đối tượng học sinh mà người giáo viên chủ nhiệm có những giải pháp giáo dục khác nhau, nhưng riêng bản thân tôi, tôi nhận thấy với bảy giải pháp trên đã giúp cho tôi thành công trong việc giáo dục học sinh cá biệt trong lớp tôi chủ nhiệm trong những năm qua và sau đây tôi xin kể một trương hợp thực tế mà tôi đã áp dụng các giải pháp trên và đã thu được kết quả khả quan.

Thực tế trong năm học: 2019-2020 có em Nguyễn Quang Huy là học sinh lớp 7A5 do bản thân chủ nhiệm. Huy là một học sinh lưu ban, quậy phá, lười học và có một hoàn cảnh rất khó khăn. Đầu năm, chỉ mới một tháng đến lớp, Huy đã gây biết bao chuyện phiền hà, hết chọc phá lại gây chuyện đánh nhau với bạn. Em cũng thường xuyên bỏ học, đến lớp thì chẳng chịu nghe giảng, chẳng chịu làm bài mà chỉ lo tìm cách chọc ghẹo bạn, gây mất trật tự trong lớp học, tiết học nào em cũng bị thầy cô giáo bộ môn phản ánh hoặc ghi sổ đầu bài. Có lần em tìm ra trò nghịch phá rất tai quái. Hôm ấy cả lớp đang chú ý nghe tôi giảng bài, bỗng trong lớp có tiếng khóc thét lên. Bản thân giật mình quay về phía tiếng khóc thì thấy một em nữ đang ôm mặt khóc, hỏi lý do thì mới biết là do em Huy lấy thun buộc giấy bắn trúng vào mặt bạn, tôi quay lại hỏi vì sao em bắn bạn thì em chối phắt, không nhận lỗi do mình bắn. Tôi biết chắc là em làm nhưng tôi nói với em “nếu không phải em làm thỉ tốt rồi, cô hy vọng như thế, cô luôn tin tưởng em, và cô nghĩ là không ai muốn làm hại bạn của mình đâu nhỉ”, tôi quay sang vỗ về em bị bắn và tôi lại bắt đầu bài học.Tôi làm như vậy để không mất thời gian học của các em khác, hơn nữa tôi cũng không muốn la rầy em trước mặt các bạn vì tôi biết có mắng em cũng không có kết quả gì vì em đã không chịu nhận lỗi từ lúc đầu.Từ lúc đó em có vẻ ngồi im và chú ý hơn, không còn loay hoay chọc bạn  nữa. Giờ ra về, tôi gọi em lại và hỏi “có phải lúc nãy em bắn thung bạn có phải không?”, em vẫn trả lời tôi “không cô, em không có bắn bạn”. Tôi nói với em “ Huy à, vào giờ ra chơi cô có lên phòng bật lại camera quan sát và cô thấy chính em là người bắn bạn, lẽ ra cô sẽ cho em viết bản kiểm điểm rồi mời bố mẹ em lên trao đổi, nhưng cô nghĩ chắc em chỉ trót dại lần đầu thôi và lần sau em sẽ không làm như vậy nữa phải không cho nên lần này cô tha thứ nhưng lần sau còn vi phạm cô sẽ không tha thứ nữa đâu nhé” Tôi phân tích cho em hậu quả của việc bắn thung cho em hiểu em trả lời lí nhí “dạ cô” rồi chào tôi ra về , tôi lại hỏi em “nhà em ở đâu, bố mẹ làm nghề gì, em đi học bằng phương tiện gì ?” Sau đó tôi được biết nhà em ở Xa Cam, bố mẹ thì ly dị, thỉnh thoảng em ở nhà bố với dì, thỉnh thoảng thì ở với bà nội, còn mẹ em bỏ em từ lúc nhỏ. Nói chuyện với em xong tôi thấy hoàn cảnh của em cũng thật đáng thương nên từ hôm ấy, tôi chú ý đến em nhiều hơn, thấy em ăn mặc không tươm tất, áo thì cũ, nhàu nát, rách cả cầu vai. Tôi hỏi xin các học sinh lớp lớn hơn được hai bộ quần áo cũ và mua cho em một bộ đồng phục mới. Giờ ra về tôi lại gọi em và đưa cho em. Cảm nhận được sự quan tâm của tôi đến giờ học em nghiêm túc hơn, thỉnh thoảng em cũng phát biểu, mỗi lần phát biểu tôi luôn khen em có tiến bộ trước lớp, tôi cũng cho em điểm số tương đối em có vẻ rất thích.

Tính tình Huy rất nóng nảy, chơi với bạn Huy vẫn hay thường bắt nạt bạn. Khi Huy tức giận hay không vừa ý điều gì đó, thì tỏ ra rất ngỗ ngược, chửi lại bạn bằng những lời lẽ thô tục, làm các bạn xa lánh, không muốn chơi với Huy. Huy còn rất bướng bỉnh, ăn nói thì cộc lốc có khi đến mức vô lễ với thầy cô bộ môn. Mỗi lần Huy có lỗi giáo viên bộ môn có trách phạt Hưng cũng tỏ ra bình thường thản nhiên, đôi lúc còn tỏ vẻ thách thức chẳng có gì lộ vẻ sơ hãi cả. Làm việc gì Huy cũng tỏ ra chậm chạp, tập vở dơ và rách cả bìa, Huy thường bị điểm kém các môn.

Một hôm vào giờ sinh hoạt có một học sinh trong lớp ngồi cạnh em Huy báo cáo bị mất năm mươi nghìn đồng sau tiết hai.Tôi hỏi “ thế giờ thể dục giữa giờ hôm nay có ai ở trong lớp không?” các em báo cáo có bạn Huy trốn không ra tập thể dục giữa giờ. Cả lớp dồn mắt vào Huy, các em còn đòi cô đi kiểm tra tập vở của Huy. Tôi đành phải làm theo cho các em thoải mái. Khi tôi lật quyển vở ra đúng là có tờ tiền năm mươi nghìn Huy kẹp trong vở, cả tôi và Huy đều nhìn thấy, tôi nhanh chóng đóng vở khéo léo lại không để em nào nhìn thấy rồi tôi lại bỏ vào cặp Huy. Tôi tuyên bố với lớp là không có tiền trong cặp Huy và tôi nói với em làm mất tiền“ Em nhớ xem em có mang tiền đi học không, hay em đánh rơi ở đâu? Để cô xem lại camera nhà trường xem có ai lấy không rồi cô báo em nhé”.Tôi bắt đầu sinh hoạt bình thường. Ra về tôi lại ra hiệu cho em ở lại mà không để các em khác biết. Tôi hỏi lí do sao em lại lấy tiền của bạn? Em nói em lấy tiền để mua trà sữa, em rất thích uống trà sưã mà không bao giờ có tiền để mua.Tôi mở ví ra cho em năm mươi nghìn và nói “ Cô cho em năm mươi nghìn để mua ly trà sữa uống, số tiền còn lại thì để dành mua bút, còn năm mươi nghìn kia em hãy trả cho bạn.Tôi phân tích cho em hiểu không nên lấy tiền cuả người khác. Em không dám nhận tiền của tôi nhưng tôi thuyết phục thì em mới nhận.

Sáng thứ hai tôi lên lớp và nói với các em là “Cô đã tìm thấy năm mươi nghìn của bạn Nam, hôm trước bạn Nam sơ ý đã làm rơi tiền và tờ tiền đã bay vào góc bàn khuất ,hôm qua cô lao công quyét lớp và đã tìm thấy và đưa cho cô”. Nam vui vẻ lên nhận tiền, tôi khẽ nhìn Huy thấy có vẻ em cũng xấu hổ.

Qua những việc làm của Huy, bản thân tôi đã đến nhà ông bà cuả Huy để tìm hiểu hoàn cảnh của Huy để có biện pháp giúp đỡ. Qua tìm hiểu tôi được biết gia đình Huy rất khó khăn, mẹ thì bỏ đi. Bố Huy đi bước nữa và hàng ngày phải làm mướn kiếm tiền lo từng bữa cơm trong gia đình. Đã vậy, ngày nào về đến nhà cũng nồng nặc mùi rượu, say xỉn lè nhè, quậy phá, chửi con bằng những lời lẽ thô tục. Hôm nào nhậu về thấy vui thì không sao, hôm nào không thấy vui thì đánh đập, chửi mắng bắt Huy nghỉ học, không cho đi học nữa và đi làm phụ ông vì ông quan niệm “Học nhiều cũng không có tiền cho đi học đại học”.Những lúc Huy bị đòn roi dì của Huy cũng chẳng quan tâm đôi khi còn nói phụ họa vào để cho em bị đòn thêm.Vì vậy những lúc như thế Huy lại sang nhà bà nội ở vài hôm .Ông bà thì cũng đã già , hoàn cảnh lại khó khăn nên không lo cho Huy được nhiều, chính điều ấy vô tình làm Huy chán nản và cũng chính môi trường như thế đã tạo cho Huy một tính cách ngỗ ngược, ít hoà đồng, lười học và chẳng biết sợ ai cũng chẳng cần phải phấn đấu học tập.

Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh của em Huy bản thân đã áp dụng một số pháp nhằm giúp Huy tiến bộ.

Trước hết bản thân đến gặp phụ huynh em Huy, khuyên bố Huy cố gắng tạo điều kiện tốt để Huy đến trường, mới đầu bố Huy cũng chẳng muốn hợp tác, tôi phải gặp bố của Huy hai lần mới dần thuyết phục được. Bản thân giải thích cho ông hiểu “Trong điều kiện xã hội hiện nay, việc học rất cần thiết, chỉ có đi học sau này Huy mới có tương lai vững bền nếu anh không muốn con mình phải đi làm vất vả”. Sự kiên trì nhẫn nại của bản thân đã làm ông dần dần thay đổi. Thêm vào đó, biết gia đình em khó khăn, bản thân đã tạo mọi điều kiện tốt cho em học tập, bản thân đã cố gắng hỗ trợ em về mặt vật chất cũng như tinh thần, hằng tuần tôi thường bảo em đến nhà để tôi dạy thêm cho em bộ môn tiếng anh mà tôi giảng dạy chung với một số em trong xóm, để giúp em học tốt hơn. Mỗi lúc gặp em tôi lại trò chuyện cùng em mục đích để biết xem em có khó khăn gì không hay tình trạng bản thân em có tốt hơn không. Dần dần mỗi lần gặp tôi em kể chuyện hằng ngày của em rất nhiều, nào chuyện bạn bè, chuyện thầy cô, chuyện ông, bà ,bố, dì. Tôi chia sẻ vui buồn với em. Khi đến nhà học có món gì ngon tôi cũng đều dành cho em. Tôi cũng nhờ giáo viên dạy toán và văn giúp đỡ em. Chính sự quan tâm ân cần của bản thân đã tạo cho Huy một chỗ dựa vững chắc về tinh thần, Huy cảm thấy mình còn có người yêu thương, dìu dắt. Từ đó Huy học chăm hơn. Để động viên em, bản thân dùng các hình thức để khen thưởng động viên em. Những lúc em quậy phá đánh bạn, bản thân không la mắng đánh đòn mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích cho em hiểu. Trong ứng xử, bản thân còn dạy em cách ăn nói, cách ứng xử với bạn bè và em đã có nhiều tiến bộ, nói năng lễ phép, biết vâng lời thầy cô hoà đồng với bạn trong lớp. Bản thân luôn tuyên dương khi em có những cố gắng, và động viên bằng những món quà nhỏ như: tập, bút… Việc làm này không những giúp Huy mau tiến bộ mà còn tạo một phong trào thi đua học tập trong lớp. Ngoài ra, bản thân còn kết hợp với các ban ngành trong nhà trường để giúp đỡ Huy như cho những phần quà, miễn giảm tiền học phí cho em,…Ở trong lớp tôi nhờ một em học tập tốt, hòa đồng giúp em trong việc học, truy bài đầu giờ cho em .Tôi nhờ thầy tổng phụ trách cho em tham gia cầm cờ cho những ngày lễ để em hiểu được những học sinh gương mẫu mới làm việc này để em không dám vi phạm nội quy. Từ những việc làm đó giúp Huy  tự tin hơn, chăm học hơn và thành quả đạt được là trong kì thi cuối năm các môn thi em đều đạt trên trung bình. Huy đã được lên lớp 8 như các bạn. Hôm chia tay cuối năm, bác chi hội trưởng có trao quà cho những học sinh tiến bộ về nề nếp , tác phong trong đó có cả em. Sau đó bác chi hội trưởng có mời một số học sinh phát biểu, tôi không nghĩ Huy lại mạnh dạn trên sân khấu cầm micro nói “Đã hết một năm học trôi qua, em rất vui vì em được lên lớp 8, em cảm ơn cô đã giúp em và em xin lỗi cô vì có đôi lúc em làm cho cô buồn, em hứa với cô và các bạn sẽ cố gắng học tốt hơn trong năm học tới”. Cả lớp đều vỗ tay, còn tôi thì vô cùng xúc động.

Với câu chuyện trên của tôi tôi muốn khẳng định lại một lần nữa là các giải pháp tôi đã nêu trên có tính khả thi thực tế và đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

Năm học

Tên HS cá biệt

Đầu năm

Cuối năm

 

 

2019-2020

 

 

Nguyễn Quang Huy

Học lực yếu,lưu ban, lười học , quậy phá ,hay bắt nạt bạn,đánh bạn vô lễ với thầy cô.

Hoà nhập với tập thể,tôn trọng thầy cô, thân thiện với bạn bè, học tập có tiến bộ.Ít vi phạm nội quy.Cuối năm học lực trung bình , hạnh kiểm khá. 

 

5.2.5 Kết luận

Tóm lại, để làm tốt công tác chủ nhiệm, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm không chỉ là một giáo viên dạy tốt văn hóa mà còn phải quan tâm đến học sinh. Vì vậy, theo tôi, hai yếu tố cốt lõi không thể thiếu đối với giáo viên chủ nhiệm là cái tài của một nhà tâm lí và cái tâm của một nhà giáo dục. Khi làm tốt hai yếu tố này thì người giáo viên nói chung và người giáo viên chủ nhiệm nói riêng đều có thể làm tốt trách nhiệm của mình trong thời đại mới ngày nay và luôn để lại ấn tượng tốt trong lòng mỗi thế hệ học sinh.

          Giáo dục là cả một quá trình rất cần sự nỗ lực của mỗi giáo viên cần biết lựa chọn và kết hợp sử dụng các giải pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh. Bằng lòng yêu nghề mến trẻ, bằng sự vị tha, bao dung,độ lượng…chắc chắn giáo viên chủ nhiệm sẽ thành công trong công tác giáo dục học sinh lớp mình phụ trách. Để giúp đỡ “học sinh cá biệt” vươn lên trong học tập cho dù bất cứ nguyên nhân nào? Chúng ta có thể dùng các biện pháp sau:

-Luôn gần gũi quan tâm đến học sinh bằng cách giáo viên nên thường xuyên trò chuyện, quan tâm, gần gũi, nhắc nhở, động viên học sinh học tập, có thái độ thân thiện với học sinh. Tạo cho học sinh nhìn mình là cảm thấy gần gũi, chứ không phải gặp mình là sợ la, sợ bị mắng, tạo cho học sinh có cảm giác là giáo viên như là một người bạn thân, bạn tâm tình, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mình, khi mình vui, buồn đều có thể chia sẻ với thầy cô, khích lệ mình khi mình khó khăn trong gia đình, bế tắc trong học tập.

-Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để hiểu rõ học sinh để từ đó có giải pháp giúp đỡ phù hợp và có hiệu quả.

Giáo viên luôn động viên, khen thưởng học sinh kịp thời khi các em có những hành vi tốt. Không nên quá khắt khe với  các em cá biệt có những biểu hiện chưa ngoan.

-Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với nhà trường với đoàn thể, địa phương, gia đình ,giáo viên bộ môn để giúp đỡ học sinh và để động viên, khích lệ .Từ đó các em sẽ rất tiến bộ và ít vi phạm nội quy trường lớp.

Trên đây là biện pháp giáo dục học sinh cá biệt tôi mà đã tự đúc rút, áp dụng  có hiệu quả trong những năm qua của cá nhân, rất mong nhận được sự góp của quý thầy cô, đặc biệt những thầy cô đã từng làm công tác chủ nhiệm lớp để công tác chủ nhiệm ủa tôi được hoàn thiện hơn.

5.3. Về khả năng áp dụng của sáng kiến:

 Các biện pháp giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả tôi trình bày ở trên có thể áp dụng cho công tác chủ nhiệm ở tất cả các khối lớp bậc THCS

6. Những thông tin cần được bảo mật : Không

            7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

      + Sự chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo thị xã Bình Long.

      + Sự quan tâm của Ban giám hiệu trườngTHCS cùng sự hỗ trợ, phối hợp của các giáo viên bộ môn, thầy tổng phụ trách và cha mẹ học sinh.

      + Giáo viên chủ nhiệm nhiệt tình, tâm huyết với công tác chủ nhiệm, luôn luôn tìm hiểu các phương pháp mới, linh hoạt phù hợp với các đối tượng học sinh cần giáo dục

    + Học sinh hợp tác với giáo viên chủ nhiệm.

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

Nhờ áp dụng các giải pháp trên mà  tôi nhận thấy có thể giáo dục làm thay đổi hành vi nhận thức từ một em học sinh cá biệt: học lực yếu,lưu ban, lười học , quậy phá ,hay bắt nạt bạn, đánh bạn vô lễ với thầy cô trở thành một học sinh hòa nhập với bạn bè, thầy cô.Kết quả học tập cũng tiến bộ hơn. Với những kết quả đạt được như trên phần nào khẳng các giải pháp mà tôi đã đưa ra ít nhiều đã mang đến hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng trong công tác chủ nhiệm nói riêng và chất lượng hai mặt trong công tác giáo dục nói chung.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Post a Comment

Previous Post Next Post